Một hồn thơ đậm chất thôn quê

25/10/2015 09:09

Những năm gần đây, cái tên Nguyễn Hưng Hải đã trở nên quen thuộc với độc giả yêu thơ của báo Hải Dương. Hải Dương cuối tuần số này giới thiệu tập thơ mới “Sông sâu biết lội, gốc quê biết tìm” của ông.<br>

Thơ Nguyễn Hưng Hải luôn hướng tới những vấn đề thế sự. Thế sự qua tập thơ “Sông sâu biết lội, gốc quê biết tìm” là sự biểu đạt về nông thôn, nông dân. Chữ làng được nói đến trên 50 lần. Cánh đồng, cây lúa, cây ngô, con trâu, đường bừa, hớp nước vối, điếu thuốc lào, rau muống luộc, quả cà dưa… là những thi liệu sinh động, với nhiều trở trăn, day dứt góp phần làm nên sức hấp dẫn của tập thơ. Đọc chậm và kỹ “Sông sâu biết lội, gốc quê biết tìm” càng thấm thía nhận xét của nhà lý luận phê bình văn học Lê Thành Nghị: “Thơ của Nguyễn Hưng Hải là thơ của một ngòi bút chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp thể hiện ở chỗ người viết khá chủ động trước tất cả mọi đề tài, mọi chất liệu của đời sống. Từ những đề tài lớn như đất nước, lãnh tụ, nhân dân, lẽ sống… đến những đề tài nhỏ bé như cái cày, cái cuốc, rồi những người thân như bố, mẹ, vợ, con… đều vào thơ anh một cách tự nhiên, như là thuận miệng nói ra, vậy mà lại khắc ngay vào trí nhớ, vào lòng bạn đọc”.

Ở mảng đề tài nào Nguyễn Hưng Hải cũng gặt hái được thành công. Nhưng có lẽ mạch nguồn chủ đạo trong thơ anh vẫn là cảm xúc cội nguồn. Dấu ấn làng quê trong thơ Nguyễn Hưng Hải đậm đặc đến mức có thể ví như chưng cất của rượu cẩm, của mật ong rừng. Từ lũy tre xanh, cánh đồng, con trâu, cây đa làng đến sông Bứa, sông Thao, từ những người nông dân lam lũ như cha mẹ đến những trí thức làng, kể cả tổ chức chính trị-xã hội như “Chi bộ xóm tôi” đều có mặt trong thơ Nguyễn Hưng Hải. Ở đó có “Chiếc mũ rơm bện cả cánh đồng”, có những trang sách cháy, “Chú dế mèn phiêu lưu trong bao diêm” với đầy kỷ niệm về tuổi thơ.

Cùng với những người thương yêu ruột thịt, hình ảnh trung tâm trong tập thơ “Sông sâu biết lội, gốc quê biết tìm” vẫn là hình ảnh về mẹ, người đại diện cho thân phận người phụ nữ nông thôn những năm tháng cực nhọc cơ hàn dai dẳng rất điển hình của nông thôn Bắc Bộ: “Ngày cùng tháng tận bao năm/Còn lo manh áo, cái ăn xuân về/Bao người như mẹ ở quê/Chiều ba mươi vẫn nón mê ra đồng”. Những câu thơ hay viết về mẹ của Nguyễn Hưng Hải luôn có xu hướng bật khỏi bài thơ, tách khỏi tứ toàn bài, riêng đứng làm thành một thành ngữ. Câu này là một ví dụ: “Cả đời cúi mặt chưa xong/ Mẹ đi lui đến lưng còng còn lui”. Hay một câu khác: “Chiều ba mươi Tết ở quê/Mẹ còn chân vấp nón mê ra đồng”.

Đọc “Sông sâu biết lội, gốc quê biết tìm” tôi thấy như chính mình là người có lỗi với quê hương, với những người nông dân hai sương một nắng, có lỗi như người trí thức trở về quê để xả thân làng: “Hình như là chất xám vẫn đâu đây/Trong hãnh diện cả làng mơ chất xám/Bao hứa hẹn trống như câu trống lảng/Gọi trí thức về mà hỏi cái vung tay”. Bão gió của trời đã sợ, bão gió của lòng người còn khủng khiếp hơn, khi mà “Buồn là hoa, đau là bình/Kẻ ngăn phía trước, người rình phía sau”. Dặn con cũng như là nhắc chính mình: “Nhớ mang nón mũ che đầu/Đường xa lắm nỗi mồm trâu mõm bò”. Sống trong sự đố kỵ ghen ghét ấy rất cần nghị lực và cảnh giác: “Núi cao trước mặt đừng ghê/Sông sâu biết lội gốc quê biết tìm/Đừng mang hết cả quả tim/Trao cho ai lúc nửa tin nửa ngờ”. Nửa tin nửa ngờ nhưng vẫn cứ phải tin, vì ở đấy còn có “Chi bộ xóm”, có cha ngồi họp trong chua xót, bi hài “Chi bộ xóm toàn anh em chú bác/Dễ cho qua nguyên tắc dễ xuôi chiều/Cuộc họp nào cũng kiểm điểm, cũng nêu/Sao chưa hết đói nghèo con thất học...". Đọc những câu thơ này tôi như nghe được từ trong sâu thẳm quả tim, Nguyễn Hưng Hải đang gióng lên hồi chuông báo động đầy ý thức trách nhiệm công dân. Có lẽ những chuyện đời nghèo khó, những hệ lụy của lối sống, môi trường sống… đã tác động rất mạnh đến từng tế bào của xã hội ở nông thôn. Nhưng dù có xô lệch thì làng quê Việt Nam vẫn cấu kết thành một khối sau những lũy tre làng. Dù khát vọng như con cá hóa rồng, nhưng vì dòng dõi tổ tiên là kiếp cá, nên rất nhiều người ra phố ở đã ba bốn chục năm, thậm chí đã nhiều đời ở phố nhưng vẫn cứ như con cá luẩn quẩn ở cái ao nhiều lá tre lá mít, nhiều lông gà, lông vịt, lông ngan. Đó cũng là điều Nguyễn Hưng Hải cật vấn và day dứt: “Thế mới biết nghìn năm gốc gác tổ tiên/Không dễ cho ta thành kẻ khác/Dù vẫn biết “Giấc mơ hình chiếc thớt/Luôn trở về ám ảnh một đời ao”.

Nông dân, nông nghiệp và nông thôn Việt Nam rồi phải khác. Nhưng dù có khác thế nào thì cũng vẫn phải giữ lấy những nét đẹp của văn hóa truyền thống, bởi văn hóa mới là cái gốc của sự tồn tại và phát triển. Cảnh tỉnh trước mọi sự lai căng, mất gốc, trong bài thơ “Mẹ ra phố” Nguyễn Hưng Hải soi chiếu: “Nhớ từ con lợn con gà/Bà về cháu níu chân bà nhìn theo/Con như rễ bám chân bèo/Giàu sang ở phố mà nghèo ở quê”. Càng giật mình hơn khi đọc bài thơ “Viết cho con gái” chứa chan tình cảm: “Trăm năm họ bố đâu rồi/Thương con phận gái về chơi nhà mình”. Lấy chồng thì phải theo chồng, nhưng sao mà thăm thẳm nỗi người: “Ở chùa thì được thơm hương/Ở ao nhỡ đục bố thường lo xa/Từ ngày mẹ đẻ con ra/Vui là của bố buồn là của ai/Thương con nhiều lúc thở dài/Nhỏ nhờ cha mẹ lớn ngoài tầm tay”. Chính vì “ngoài tầm tay” mà rơi vào trạng thái “lưỡng cư” tinh thần: “Tháng ngày trong nỗi mông lung/Muốn con mau lớn lại mong từ từ”.Trạng thái này tạo nên những dùng dằng, muốn thế này lại thế kia, nghĩ thế này lại thế khác, không chỉ làm cho một người cha đa cảm và giàu lòng nhân ái như Nguyễn Hưng Hải lo lắng mà hầu hết những người sinh ra ở nông thôn và có gốc gác nông dân đều rơi vào bị động, lúng túng. Đó cũng là một phần giải mã cho sự dùng dằng, làm lỡ rất nhiều cơ hội đổi đời của người nông dân Việt Nam.

Con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa là tất yếu. Thành thị và nông thôn không còn khoảng cách quá xa như xưa. Chỉ tiếc là cuộc sống vật chất được nâng lên nhưng đạo đức thì lại đang xuống cấp. Nhiều nét đẹp của văn hóa làng xã đã và đang bị mai một dần đi. Chẳng biết có níu giữ được không khi mà: “Mái bằng thay mái cọ/Trên nền đất ông bà hướng cửa cũng đã thay”. Từ mặt trái của cơ chế thị trường, tất cả tệ nạn có ở thành thị thì cũng có ở nông thôn. Nông dân bị thu hồi đất kiếm được ít tiền nhưng vô nghề nghiệp, ăn hết lại tay trắng. Họ trở thành những bi kịch sống...

Tập thơ “Sông sâu biết lội, gốc quê biết tìm” của Nguyễn Hưng Hải vì thế càng trở nên có ý nghĩa trong cuộc đấu tranh chống thoái hóa, phản nhân tính, góp phần xây dựng văn hóa và nhân cách con người.

HỒNG TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một hồn thơ đậm chất thôn quê