Một hồi quang đẹp đẽ, cổ kính

08/11/2015 14:53

Đi trong phố cổ Hà Nội

Chân đi trong phố, hồn trên mái xưa
Mái rêu âm dương nắng chiều ngã bóng
Mùi thơm hoa mộc hay hoa móng rồng
Mùi thơm bâng khuâng thơm từ trí nhớ
Hàng Đường, Hàng Ngang cái thời voi ngựa
Xa đã rất xa, gần lại rất gần
Chân đi trong phố hồn trên mái xưa …
Những cửa bức bàn những đèn dầu lạc
Mái tóc đuôi gà trên vai lụa bạch.

Người như trong tranh, ta như trong mơ
Hồn trên mái xưa những căn nhà cổ
Lòng ta vẫn ở, tai ta vẫn nghe
Hỡi em váy đầm tóc xoăn mắt tím

Có về xa thẳm nón thúng quai thao
Thời nảo thời nao tiếng gà giữa ngọ

Má em thì hồng, môi em thì lửa
Cha mẹ thì già nắng ngả cành dâu

Hồn ta là nhà thân ta đến ở
Đi đâu về đâu hỡi vầng ngói cổ
Phố thành giấc ngủ cho ta nằm mê.
1997

VŨ QUẦN PHƯƠNG

Nhà thơ Vũ Quần Phương là người hay viết về những hoài cảm, những bước chậm của thời gian, những trầm tích văn hóa có lắng đọng suy tư, có trăn trở thảng thốt, có chiêm nghiệm sâu xa mà gắn với hiện thực đời thường. Ông là người lịch lãm và tinh tế. Lịch lãm trong ứng xử và tinh tế trong cảm nhận. Tiếng thơ của Vũ Quần Phương vì thế như một hồi âm vang vọng của tiếng lòng, hồi ức phản quang của quá khứ chiếu rọi những vẻ đẹp nhiều cung bậc. “Đi trong phố cổ Hà Nội” là mạch tư duy khá tiêu biểu cho phong cách thơ ông.

Vũ Quần Phương là một thi sĩ trí tuệ nhưng cũng rất lãng mạn: “Chân đi trong phố hồn trên mái xưa” được nhắc lại như một điệp khúc. Hà Nội có một di sản vô giá đó là phố cổ. Ở đó, mỗi tên phố mang tên một làng nghề, một đặc sản như Hàng Bông, Hàng Buồm, Hàng Mã, Hàng Thiếc, Hàng Chiếu… Nói đến phố là nói đến nhà, mà nét cổ dễ nhận thấy nhất là rêu phong mái ngói như những lớp sóng thời gian cuộn về lô xô tạo ra những phấp phỏng với bao hoài niệm. Ở đây nhà thơ nhắc đến hai loài hoa thật bình dị thường thấy ở phố cổ là “Hoa mộc” và “Hoa móng rồng”. Nhưng hương thơm tỉ tê của nó không thoảng qua mà “Mùi thơm bâng khuâng thơm từ trí nhớ” lặng thầm mà lan tỏa, giản dị mà cao sang. Từ hương hoa đánh thức ký ức đến “Hàng Đường, Hàng Ngang” của “Những cửa bức bàn những đèn dầu lạc”. Tất cả đã vẽ nên một bức tranh phố cổ trầm mặc cổ kính. Cổ kính ngay cả trong hoài cảm của xa và gần, của xưa và nay, của dân gian và hiện đại giao thoa đan dệt rung lên tự sâu thẳm cội nguồn: “Mái tóc đuôi gà trên vai lụa bạch”. Chợt hiện lên giữa phố cổ ngàn xưa là hình ảnh tươi trẻ, năng động của: “Hỡi em váy đầm tóc xoăn mắt tím”. Và nhà thơ đã thốt lên: “Có về xa thẳm nón thúng quai thao”. Sự vận động cảm xúc của tứ thơ chính là sự vận động của thời gian, của biến động sắc thái cuộc sống. Phố cổ neo giữ lại tất cả những gì đẹp đẽ bề dày của truyền thống văn hiến nhưng phố cổ cũng là nơi tiếp cận mặt tiền của một đời sống mới hòa nhập với dòng chảy của thời đại. Nét cổ thì lưu giữ, nét mới thì tiếp nhận nhưng cái đáng lo ngại nhất của thi sĩ chính là sự quá đà xô bồ thiếu chọn lọc. Đây cũng chính là thông điệp mà nhà thơ muốn nhắn gửi. Tiếng thơ chính là tiếng của tri âm có giá trị lay thức với bao trăn trở xáo động tâm tình: “Má em thì hồng, môi em thì lửa/Cha mẹ thì già nắng ngả cành dâu”. Và ta đồng cảm với nhà thơ khi ông tự vấn: “Hồn ta là nhà thân ta đến ở/Đi đâu về đâu hỡi vầng ngói cổ” thật chân thành tha thiết cũng chính là lưu giữ bảo tồn một không gian tâm tưởng làm nên nét đặc sắc riêng biệt của 36 phố phường, của nét thanh lịch người Tràng An. Ở đây nhà thơ không nói mái ngói cổ mà tỏa rạng “Vầng ngói cổ” như một hồi quang đẹp đẽ cổ kính không những trong ký ức của một con người mà cả một không gian sống của thời đại nơi còn in dấu bao chiến tích hào hùng của thủ đô kháng chiến, của năm cửa ô đón những đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô cách đây 60 năm…

Điều đặc biệt ở thơ Vũ Quần Phương là rất giàu nhạc điệu. Bài thơ “Đi trong phố cổ” ông sử dụng nhịp thơ 4 chữ trong câu thơ 8 chữ uyển chuyển đan xen quấn quýt như đường ngang ngõ dọc giăng mắc tơ lòng, tạo ra những hồi âm ám ảnh của một: “Thời nảo thời nao” của “Xa đã rất xa, gần lại rất gần”. Chính cái tần số từ láy điệp "lại" này đã cho ta một âm hưởng ấm áp, tin cậy và ríu rít trẻ trung - những thanh âm cuộc sống của một Hà Nội ngàn năm văn hiến.

NGUYỄN NGỌC PHÚ


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một hồi quang đẹp đẽ, cổ kính