Trong giới văn nghệ có một gia đình rất đỗi tự hào, yên ấm, hạnh phúc của Nguyễn Thanh Mừng - Trần Thị Huyền Trang ở đất võ Bình Định luôn giàu có tiếng cười.
Vợ chồng nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng và con trai - nhà văn Nguyễn Trần Thiên Lộc
Trong giới văn nghệ có một gia đình rất đỗi tự hào, yên ấm, hạnh phúc của Nguyễn Thanh Mừng - Trần Thị Huyền Trang ở đất võ Bình Định luôn giàu có tiếng cười. Không chỉ bởi họ luôn đoàn kết, chia sẻ, mà còn được làm những việc mình thích, theo đuổi đam mê. Đặc biệt, cặp đôi nhà văn này có cậu con trai Nguyễn Trần Thiên Lộc cũng đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Một gia đình có ba hội viên đang sung sức là điều khá hiếm.
Trong làng văn, mọi người đều biết vợ chồng Thanh Mừng - Huyền Trang vốn đã nhiều năm, luôn kính nể ông bà bởi sức làm việc, sự tận tâm với nghề và nhiều chuyến rong ruổi cùng nhau sáng tác, nghiên cứu. Họ kết hôn đã gần 40 năm, hồi khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc hành nghề chữ nghĩa, kèm theo là những lo toan con cái, cơm áo, nhà cửa… Ngoài chung tình yêu văn chương là tình yêu đối với di sản - cổ tích vốn đậm đặc ở đất An Nhơn, nơi có thành Đồ Bàn, thành Hoàng Đế. Đặc biệt, chốn này từng in bước vân du của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và sau đó ít lâu, năm 1306, bước vu quy của Huyền Trân công chúa. Bởi thế cả hai có công trình nghiên cứu dày dặn cùng đứng tên là: “Huyền tích Kinh xưa - Văn hóa dân gian vùng thành Hoàng Đế”.
Có người hỏi Thanh Mừng rằng, một gia đình có tới 3 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, điều đó có gây áp lực gì cho anh khi sáng tác? Anh nói, áp lực chính của người sáng tác là phải vượt qua chính mình. Trong hành trang nhà văn, không chỉ có món quà gọi là hứng thú, mà còn hình vóc của sự tận tâm, làm được điều đó chính là mình đã khắc lên ngòi bút mình phù hiệu mang tên tự trọng trước bạn đọc.
Thiên Lộc mới gần 30 tuổi nhưng đã có hơn 10 đầu sách, chủ yếu viết cho thiếu nhi. Có thể kể đến những tác phẩm “Lắng nghe muông thú”, “Kèng kẹc học chữ”, “Giải cứu Chép Trắng”, “Bữa tối của Sói”, “Mũi Đỏ và Răng Nhỏ”, "Frou Frou"… Có tác phẩm đã in nhiều thứ tiếng như Italia, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Ba Lan, Phần Lan. Một số tác giả cùng trang lứa cho rằng Lộc thông minh, đã có sự cân nhắc khi chọn lối đi riêng, không hề dễ dàng là đi vào khai thác thể loại truyện đồng thoại. Đây được xem là mảng còn khá mỏng trong sáng tác cho thiếu nhi. Và khi đã hiểu, đã thấm, cộng với năng khiếu, Lộc đã thành công.
Gia đình ba nhà văn của họ đã có thêm một điều đáng mừng nữa là cách đây hai năm, con trai út của vợ chồng họ, em trai Thiên Lộc là Nguyễn Trần Khải Duy - đã vượt qua cả nghìn tác giả để đoạt giải nhất cuộc thi thơ lục bát Tết của Saigon Books. Biết đâu, đó cũng là những khởi đầu, đặt nền móng cho con đường văn chương của Khải Duy và gợi thêm niềm hy vọng mới cho gia đình văn chương khá độc đáo này.
NGUYỄN VIẾT(st)