Một đời cống hiến cho chèo của Giáo sư, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng

23/07/2023 11:34

Giáo sư, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng – cây đại thụ của nghệ thuật chèo rời cõi tạm để lại bao tiếc thương cho những người yêu sân khấu Việt, đặc biệt là với nghệ thuật chèo.

Chú thích ảnh

NSND Trần Bảng (1926 - 2023). Ảnh tư liệu

Sự ra đi của ông là mất mát lớn không gì bù đắp được cho nghệ thuật chèo. Tang lễ của ông diễn ra vào 13 giờ 30 phút ngày 24.7, tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).

Một đời cống hiến cho chèo  

Nhắc đến lịch sử phát triển của nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là chèo truyền thống, không thể không nhắc đến công lao của Giáo sư, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng, bởi ông được giới trong nghề gọi là “ông trùm chèo”.

Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng sinh năm 1926 tại xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, trong một gia đình trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, nhiều người thành danh ở lĩnh vực văn chương nghệ thuật. Ông nội của ông là Tuần phủ Trần Mỹ; cha là nhà văn Trần Tiêu; bác ruột là nhà văn Khái Hưng. Ngay từ nhỏ ông đã say mê văn chương, kịch nghệ. Ông đọc được sách Hán Nôm, thông thạo tiếng Pháp và biết tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nga... Sau Cách mạng tháng Tám, nghệ sỹ Trần Bảng tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1951, ông tham gia vào Đoàn Văn công Trung ương, cùng tổ kịch với Thế Lữ, Song Kim, Nguyễn Hoài... Cũng thời gian này, ông bắt đầu đến với nghệ thuật chèo.

Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng thuộc thế hệ đầu tiên khôi phục nghệ thuật chèo trước nguy cơ mai một những năm 1950. Ông phục dựng trò diễn cổ và tích cực sáng tạo trò diễn mới, trong đó nhiều vở được coi là các mốc son đánh dấu sự phát triển, trưởng thành của sân khấu chèo cách mạng. 

Cả một đời gắn bó với nghệ thuật chèo, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng đạt thành tựu ở cả 3 vai trò: Soạn giả, đạo diễn và nhà lý luận. Ông là người có công khai thác, bảo tồn nhiều vở chèo cổ, lưu giữ các lớp trò của những nghệ nhân, từ đó cải biên, xây dựng lại nhiều vở chèo kinh điển như: "Quan âm Thị Kính", "Xúy Vân" (từ vở Kim Nham), "Nàng Thiệt Thê" (từ vở Chu Mãi Thần)… Với những vở diễn này, ông đã đóng góp đáng kể trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo cổ, đưa chèo cổ sống lại trên sân khấu chèo hiện đại.

Ông còn dàn dựng nhiều vở chèo hiện đại như: "Lọ nước thần", "Tình rừng", "Cờ giải phóng", "Đường đi đôi ngả", "Máu chúng ta đã chảy"...

Cùng với công việc đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng còn viết nhiều kịch bản chèo. Ông là tác giả của các vở chèo "Con trâu hai nhà", "Đường đi đôi ngả", "Cô gái và anh đô vật", "Tình rừng", "Chuyện tình 80 năm", "Máu chúng ta đã chảy"...

Ở cương vị là nhà lý luận, ông đã có những nghiên cứu có tính hệ thống sâu sắc, khoa học về nghệ thuật chèo, thể hiện qua những cuốn sách nghiên cứu về chèo như "Khái luận về Chèo", "Kỹ thuật biểu diễn Chèo", "Chèo - Một hiện tượng Sân khấu dân tộc"...

Ông được phong hàm Giáo sư và danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân năm 1993. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001 và Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017.

Giáo sư, Nghệ sỹ Nhân dân còn Trần Bảng còn là người thầy mẫu mực, đáng kính, học trò của ông đều là những người nổi tiếng, thành đạt.

Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Ngoan, nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam là một học trò xuất sắc của Giáo sư, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng. Chị cho biết đã học được ở thầy Trần Bảng rất nhiều kiến thức, đặc biệt là sự tâm huyết và yêu chèo đến mê đắm. “Trong mắt chúng tôi, thầy Trần Bảng đúng nghĩa là sinh ra để sống chết với chèo và dành trọn cuộc đời cho chèo. Chúng tôi được thầy quan tâm rất mực nên sau này ai cũng vững nghề, làm nghề rất nghiêm túc và ai cũng lấy tình yêu đối với chèo làm lẽ sống”, Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Ngoan chia sẻ.

Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam, Nghệ sỹ Ưu tú Lê Tuấn Cường tự hào chia sẻ: “Chúng tôi tự hào khi được là học trò do thầy dìu dắt, dạy dỗ, nâng đỡ. Thầy đã truyền cho chúng tôi tình yêu và ngọn lửa đam mê chèo. Ngọn lửa này lại được chúng tôi trao truyền cho thế hệ trẻ và đã thấy ngọn lửa ấy đang cháy trong các em".

Nghệ sỹ Ưu tú Lê Tuấn Cường bày tỏ, sự ra đi của Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng – cây đại thụ của sân khấu chèo là tổn thất rất lớn của ngành chèo nói riêng, sân khấu Việt Nam nói chung. Nhà hát Chèo Việt Nam là nơi ông gắn bó, dành nhiều tình cảm trong cuộc đời và sự nghiệp làm nghệ thuật của cụ. Cho đến bây giờ Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn đang diễn các tác phẩm do Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng làm tác giả, đạo diễn và những vở diễn ấy vẫn được khán giả đón nhận, yêu quý…

Thổi hồn để chèo phát huy giá trị

Chú thích ảnh

GS. NSND Trần Bảng (áo trắng ngồi giữa) với các thế hệ nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam. Ảnh tư liệu

Nghệ sỹ Nhân dân Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam chia sẻ, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng đã dành cả một đời cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật chèo. Những đóng góp của ông đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam chia sẻ: "Ngành nghệ thuật chèo chúng tôi thật sự đau xót phải tiễn biệt cụ "trùm chèo" - Giáo sư, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng".

Theo Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Giáo sư, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng là một nhân cách lớn, một đạo diễn hàng đầu của nghệ thuật chèo. Ông là người đã có công lớn trong việc dẫn dắt, định hướng cho cả ngành chèo, giữ gìn bảo tồn chèo trong suốt giai đoạn đất nước và ngành còn khó khăn, gian khổ. Ông đã thổi hồn để chèo phát huy được những giá trị tinh hoa riêng có. Bằng tâm huyết tài năng, ông đã góp tâm huyết gây dựng Nhà hát Chèo Việt Nam thành một trong những nhà hát quốc gia mạnh trong nhiều thập niên. Ông cũng đã đào tạo ra nhiều thế hệ đạo diễn, diễn viên, đặc biệt với tâm huyết và trí tuệ, ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu nghệ thuật chèo có giá trị và tầm ảnh hưởng rộng lớn cho ngành. Học trò của ông nhiều người đã và đang là những nhà quản lý, Nghệ sỹ Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân,được trao tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh…

Ông không chỉ là người của chèo, mà nhiều năm ông còn là Vụ trưởng Vụ nghệ thuật sân khấu, Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

“Vẫn biết là quy luật không thể tránh, nhưng cả làng chèo vẫn bàng hoàng không muốn tin là ông đã rời cõi tạm, rời xa những người thân trong gia đình, một gia đình đầy văn hoá truyền thống và các thế hệ học trò thân yêu để bay về miền mây trắng”, Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy bùi ngùi chia sẻ.

Khi hay tin Giáo sư, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng qua đời, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã viết trên trang cá nhân: Một người bảo vệ linh hồn của chèo đã yên nghỉ.

Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết, hầu hết mọi người biết Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng là một bậc thầy của sân khấu chèo truyền thống, nhưng rất ít người biết ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957.

“Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với những kịch bản sân khấu đầy tư tưởng và những cuốn nghiên cứu, lý luận phê bình về chèo truyền thống sâu sắc”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ.  

Cây đại thụ của nghệ thuật chèo, bậc thầy của ngành chèo đã đi xa, nhưng những tác phẩm và đóng góp của ông cho nghệ thuật chèo nói riêng, cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam sẽ sống mãi trong lòng đồng nghiệp, những thế hệ học trò và cả khán giả yêu nghệ thuật sân khấu Việt.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Một đời cống hiến cho chèo của Giáo sư, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng