Tôi gặp doanh nhân Nguyễn Văn Bôn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Xây lắp 3 Hải Dương và Công ty CP Xây dựng số 6, ngay bên thềm chùa Côn Sơn (Chí Linh).
Doanh nhân Nguyễn Văn Bôn kiểm tra vòng xoay của Cửu phẩm liên hoa chùa Côn Sơn
Ông Bôn đang tập trung lực lượng để gấp rút hoàn thiện nhiều hạng mục của chùa Côn Sơn trước Lễ hội mùa xuân 2017, nhất là tòa Cửu phẩm liên hoa - tòa tháp hoa sen 9 tầng (cối kinh)... Trong quá trình làm việc, ông liên tục giảng giải cho những người thợ về Côn Sơn, mảnh đất gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất Việt. Tòa Cửu phẩm liên hoa là một hạng mục rất quan trọng của chùa Côn Sơn, nhưng cũng rất phức tạp khi thi công vì cao 15 m và nặng đến 19 tấn. Được thi công công trình này không chỉ do khả năng của doanh nghiệp mà ông cho rằng đây còn là "phúc phần" của ông và đồng nghiệp. Do đó, ông luôn nhắc nhở mỗi người tham gia thi công phải luôn toàn tâm, toàn ý, chú ý đến từng chi tiết.
Ông Bôn tâm sự từ đầu những năm 2000, khi bắt đầu tham gia trùng tu, xây dựng lại một số di tích lịch sử văn hóa, việc học hỏi đã thành yêu cầu hằng ngày của ông và nhiều thành viên trong doanh nghiệp. Mỗi công trình, hạng mục di tích luôn chứa đựng và phản ánh nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa dân tộc, về đời sống, tín ngưỡng, phong tục tập quán. Nhờ đó, doanh nghiệp đã tôn tạo thành công nhiều hạng mục, công trình di tích lịch sử văn hóa trong quần thể Côn Sơn - Kiếp Bạc, đền thờ Chu Văn An, đình Đọ Xá (xã Hoàng Tân) đều ở thị xã Chí Linh; chùa Gạo (xã An Sinh, Kinh Môn), đình Đầu (xã Hợp Tiến, Nam Sách)...
Hơn 50 năm trước, ông Bôn rời quê hương Kim Anh (Kim Thành) để đi làm công nhân. Với bản tính ham học hỏi, ông đã trở thành thợ cơ khí bậc 7/7. Năm 1972 ông chuyển về Công ty Xây lắp 3 Hải Dương, tranh thủ vừa học, vừa làm để lấy được bằng cử nhân kinh tế năm 1978. Với tinh thần quyết tâm học hỏi, ông Bôn đã trở thành người quản lý thi công và được tập thể người lao động khẳng định là "tổng chỉ huy" từ nhiều năm nay.
Năm 2004, Công ty CP Xây lắp 3 Hải Dương chuyển đổi thành công ty cổ phần. Khi đó thị trường cạnh tranh ngày càng quyết liệt trong khi nếp nghĩ "bao cấp" chưa xóa được, lãnh đạo điều hành còn lúng túng. Người lao động chưa nhận thức đầy đủ quyền và trách nhiệm của cổ đông. Thu nhập của lao động thấp. Lực lượng công nhân kỹ thuật có tay nghề vững nghỉ "chế độ 41" khá nhiều. Từ 286 người, sau cổ phần hóa doanh nghiệp chỉ còn 86 người. Là một trong những người trụ lại Công ty CP Xây lắp 3, ông Bôn đã cùng một số đồng nghiệp thành lập thêm Công ty CP Xây dựng số 6. Năm 2012, ông tham gia tích cực trong việc mua lại 51% vốn Nhà nước trong Công ty CP Xây lắp 3 Hải Dương. Với cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị cả 2 doanh nghiệp, ông định hướng hoạt động là chuyên thi công xây dựng các công trình văn hóa, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử. Với phương châm đổi mới cung cách hoạt động, ông cùng lãnh đạo các doanh nghiệp củng cố tổ chức bộ máy công ty. Các đội sản xuất trước đây được tập hợp lại và phân thành các bộ phận chuyên sâu. Việc thi công được tổ chức theo công trường, bảo đảm khả năng chủ động cao, thi công đa dạng hơn. Doanh thu của mỗi doanh nghiệp từ năm 2013 đến nay đều đạt hơn 40 tỷ đồng/năm. Người lao động có đủ việc làm và thu nhập ổn định, hiện bình quân đạt hơn 6 triệu đồng/người/tháng.
Trên thương trường, doanh nhân Nguyễn Văn Bôn luôn được tín nhiệm. Ở nhà, ông cũng là tấm gương cho các con về học tập. Ông có 4 người con đều đỗ đạt, 1 người là tiến sĩ, 2 người có bằng thạc sĩ và 1 người là kỹ sư.
THÀNH LONG