Mười hai giờ đêm, chiếc xe Mercedes do con trai cầm lái vừa đỗ ngoài đầu ngõ, tôi đã vội xuống xe, tất tả chạy vào. Đường vào ngõ có vài trăm bước chân mà sao tôi thấy dài quá.
Minh hoạ: HUY CHƯƠNG
Mấy con chó ở các nhà ven đường lao ra cổng sủa inh ỏi càng khiến tôi thêm rối trí. Nhà anh trai tôi kia rồi, đèn điện bật sáng trưng, rất đông người đang ngồi uống nước, trò chuyện, không lẽ mẹ tôi đã… Tôi cuống lên, vấp chúi về phía trước. Thấy tôi lao vào cổng, chị dâu lật đật chạy ra, cất giọng run run:
- Cô vào gặp mẹ đi! Mẹ chỉ đợi cô về thôi.
Tôi vội vào buồng, mọi người líu ríu đi sau tôi. Mẹ tôi nằm đó, người mỏng dính, xẹp lép, mái tóc màu bông lơ thơ vài sợi bất động trên gối. Khuôn mặt mẹ hằn sâu những nếp nhăn của sự cam chịu, nhẫn nại, hy sinh. Anh trai đang ngồi gục đầu bên cạnh mẹ, đôi vai anh rung rung. Tôi lại gần, run run nắm lấy những ngón tay khô gầy đầy vết chai sần lam lũ, nước mắt trào ra, rơi xuống ướt đẫm tay mẹ. Tôi khẽ gọi:
- Mẹ ơi! Con đã về đây!
Dường như mẹ nghe thấy tiếng tôi, mí mắt mẹ khẽ động, các ngón tay mẹ khẽ động, rất khẽ. Một hơi thở nhẹ, mỏng tang thoát ra từ lồng ngực già nua. Mẹ đi.
Anh trai tôi đổ gục xuống ôm chặt lấy mẹ. Nghẹn ngào:
- Mẹ ơi, mẹ đừng bỏ con! Đừng bỏ chúng con!
Ngước nhìn người đàn ông hơn sáu mươi tuổi đang khóc như một đứa trẻ qua màn nước mắt mờ nhòa, tôi sụp xuống ôm lấy lưng anh, òa khóc. Ngoài trời, chợt đổ mưa như thác, sấm nổi lên ì ùng, chớp giật nhoang nhoáng. Cách đây hơn bốn mươi năm. Một đêm mưa như đêm nay…
Ấy là năm tôi vừa mười bốn tuổi, vào một buổi chiều hè oi nồng, tôi vừa cắp rổ ổi mới trảy bên vườn nhà ông Hạnh về đến sân thì giật mình vì tiếng bố tôi quát lớn:
- Tôi không biết anh là ai. Anh đi đi! Đi ra khỏi nhà tôi!
Tôi vội mang rổ ổi vào bếp, thấy mẹ tôi đang ngồi giã riềng, vẻ mặt buồn bã. Tôi vội hỏi:
- Có chuyện gì vậy mẹ?
Mẹ tôi không đáp lời, khuôn mặt khắc khổ, chịu đựng của bà dường như tối lại. Bà ngước đôi mắt rầu rĩ lên nhìn tôi rồi lại cúi xuống, nhìn vào cái cối, những miếng riềng đã nát tươm mà bà vẫn hối hả giã như trút bỏ những giận dữ. Tôi liền đi lên nhà. Đập vào mắt tôi lúc này là hình ảnh một thanh niên chừng mười tám tuổi đang níu lấy tay bố tôi:
- Con xin bố! Bố cho con ở lại đây với! Mẹ con mất rồi. Trước khi mất, mẹ đưa con tấm ảnh này, cho con địa chỉ này. Mẹ con nói về tìm bố…
Bố tôi hất tay anh ra và gằn giọng:
- Cút! Cút ngay! Mày định lừa đảo nhà tao à?
Người thanh niên buông tay. Anh quay ra nhìn tôi. Đôi mắt anh loáng ướt. Tôi sững sờ, anh ấy giống tôi như hai giọt nước.
Anh đưa cánh tay áo màu xanh trứng sáo đã sờn rách lên lau mặt. Mồ hôi đang chảy ròng ròng trên mặt anh. Hình như trong những dòng mồ hôi ấy có cả nước mắt. Anh cúi xuống, đút vội tấm ảnh cũ và mảnh giấy nhỏ vào cái ba lô lộn cũng đã cũ rích, khoác lên vai, lủi thủi bước đi.
- Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Anh xem lại xem, tôi thấy thằng bé nó giống anh như đúc khuôn. Ngày trước, anh chẳng làm ăn trên ngược là gì.
Bà nội tôi lấy tay quệt nước trầu loang đỏ bên mép, đưa võng kẽo kẹt. Bà vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa phe phẩy cái quạt mo, gióng giả nói.
Bố tôi hậm hực với tay rót nước chè xanh từ cái siêu nhôm méo trên cái bàn uống nước đã cũ ở giữa nhà ra cái bát cáu lại vì nhựa chè rồi ngửa cổ uống ừng ực. Bố dằn mạnh cái bát xuống bàn, giọng đầy bực bội:
- U biết gì mà nói. Đừng can thiệp vào chuyện của tôi.
Bà nội dỗi dằn, đập mạnh cái quạt mo vào chân, tru tréo lên:
- Phải, tôi không biết gì nên mới đẻ ra cái ngữ vô nghì, vô nghĩa như anh.
Bố vùng vằng quay ra, nhìn thấy tôi đứng lớ xớ gần đó. Ông gằn giọng:
- Không đi hái lá mơ còn đứng đó làm gì?
Tôi không nói gì, quay mình bước ra vườn. Giàn mơ lông non mởn mẹ trồng phục vụ cho quán thịt chó của bố hôm nay hình như cũng khác hơn mọi ngày. Tôi cặm cụi hái và không thể không nghĩ về người thanh niên vừa xuất hiện trong gia đình mình. Rất có thể anh ấy là anh trai tôi. Không, chắc chắn anh ấy là anh trai tôi. Linh cảm của tôi mách cho tôi biết vậy. Tôi chợt dừng tay, ngó ra đầu ngõ nơi anh vừa lặng lẽ rời đi.
Trời đã sập tối, mẹ tôi ngồi trong bếp đun nồi cám lợn, bàn tay gày gò, đen đúa của bà cứ khời khời mãi vào lòng bếp mặc cho lửa đang cháy bùng bùng. Nước trong nồi cám bỗng trào ra phát ra những tiếng xèo xèo rất lớn, những ngọn lửa tắt lịm dần. Mẹ buông tay thẫn thờ. Im lặng. Mồ hôi, nước mắt đua nhau rơi. Oi nồng, ngột ngạt. Tôi mang ngọn đèn dầu vào bếp, ngồi xuống bên cạnh mẹ. Chạm khẽ vào người mẹ. Mẹ rùng mình, vội vã đưa tay lau mặt. Bà cúi xuống hối hả thổi lửa, bụi bay mù. Bà vừa ho sặc sụa, vừa giụi giụi mắt. Miệng bà lẩm bẩm:
- Củi ướt quá!
Tôi với tay vào đống củi bên cạnh, nhặt mấy thanh mỏng, khô đưa cho bà. Lửa bùng lên. Bà đến bên thùng cám ngô, đong một đấu đổ vào nồi rồi nhanh tay quấy. Tôi vừa nhìn bà làm, vừa nghĩ xem mình nên nói gì lúc này. Sau cùng, tôi lên tiếng:
- Mẹ này, mẹ đừng buồn nhé! Chắc không phải đâu. Có khi có sự nhầm lẫn gì đấy.
Mẹ tôi gõ cái thanh tre đang quấy cám vào thành nồi cho cám tuột hết vào nồi một cách gọn gàng rồi đậy vung lại. Bà bảo:
- Ừ. Con đi ngủ đi. Mai đi bán ổi sớm.
Trở trời nên bà nội tôi đau xương khớp lắm, bà rên thật khẽ nhưng mẹ tôi cũng nghe thấy. Mẹ tôi trở dậy, cầm đèn dầu soi ra giậu cúc tần trước ngõ, hái một nắm to bỏ vào một cái bát tô, vò nát rồi chế một ít dầu từ đèn trộn cùng. Mẹ xoa bóp cho bà. Bà vừa phe phẩy cái quạt mo, vừa rên. Bỗng, bà lên tiếng:
- Mẹ cả cũng đừng giận bố nó nữa. Gì thì nó cũng có nhận cái thằng cu ấy đâu.
Mẹ tôi khẽ “vâng” vẻ chịu đựng. Tôi khó chịu trở mình, với cái quạt nan quạt phành phạch. Trong buồng, tiếng ngáy của bố tôi vang lên, ba gian nhà chợt trở nên chật chội. Rồi tôi cũng chìm vào giấc ngủ trong nhễ nhại mồ hôi.
- Bố ơi! Cho con vào nhà với!
- Bố ơi! Mở cửa cho con với!
Tiếng đập cửa chìm trong tiếng sấm nổ đì đùng, chớp giật nhoay nhoáy. Tiếng van xin chìm vào tiếng mưa ào ào như thác đổ. Tôi bừng tỉnh, mở mắt ra nhìn quanh. Bà nội tôi đã ngồi dậy từ khi nào. Bà lặng lẽ nhai trầu trong bóng tối. Tôi thì thào:
- Bà ơi! Có người gọi cửa.
- Ngủ đi! Sấm to quá! Mưa to quá ấy mà! – Bà dỗ dành tôi.
Tôi nghe thấy tiếng loạch xoạch từ trong buồng, rồi đèn được thắp lên. Tôi chỉ kịp nhìn thấy khuôn mặt cũ nhàu của mẹ qua ánh đèn dầu leo lét thì đã nghe bố tôi quát:
- Tắt đèn đi!
Mẹ vội vã thổi tắt đèn rồi lần mò trong bóng tối đi ra cửa nghe ngóng. Qua ánh chớp lọt qua khe cửa, tôi thấy bố tôi nhanh như một con mèo lao tới, lôi ngược mẹ trở vào buồng. Bố gằn giọng:
- Kệ nó! Nó gọi mãi rồi sẽ thôi. Đứng mãi rồi cũng phải đi.
Tôi vẫn biết bố là người khắc nghiệt với vợ con. Tôi vẫn biết đối với bố không có gì lớn hơn đồng tiền. Bà nội nói đó là di chứng của những đói nghèo ngày trước. Bố chỉ cho tôi học hết cấp hai và dạy tôi buôn bán kiếm tiền. Quan điểm của bố là con người ta làm gì cũng chỉ với mục đích kiếm tiền để sống. Không kiếm bằng cách này thì kiếm bằng cách khác. Ra đời sớm sẽ học khôn sớm, kiếm được tiền sớm sẽ nhanh giàu. Bố yêu cầu tất cả mọi người đều phải đóng góp vào quỹ chung để chi dùng, kể cả bà nội đã già yếu thì mỗi khi bà ốm đau hay ai tới chơi có biếu ít tiền cũng bị bố lấy hết. Nhiều khi tôi nghĩ hình như cái gì ông cũng quy ra tiền cả. Có lần tôi vô tình làm đổ cốc rượu của ông, tôi cũng phải đền tiền cho ông để khỏi bị nghe ông chửi bới. Nhưng, tôi không nghĩ ông có thể nhẫn tâm như thế này. Tự dưng, tôi bật khóc.
Bên ngoài. Mưa. Gió. Sấm. Chớp không ngừng.
Tiếng gọi thưa dần và lặng hẳn. Tiếng chân nặng nề vang lên xa dần. Bỗng, tôi thấy mẹ tôi từ trong buồng lao ra. Bà mở bật tung cửa. Gạt cánh tay níu lại của bố tôi khiến ông loạng choạng ngã ngồi xuống nền nhà, bà chạy ào ra giữa cơn mưa.
Tôi vùng dậy, chạy ra cửa đứng ngóng mặc mưa hắt vào người.
Lâu sau, mẹ tôi trở về cùng người thanh niên, cả hai cùng ướt sũng. Bố tôi chắn ngang cửa, gầm lên:
- Cút!
Mẹ tôi nắm chặt tay người thanh niên, dùng tấm thân gầy guộc, khô như nhành củi xô mạnh vào người bố một cách quyết liệt khiến bố phải né sang một bên. Tôi vội chạy vào thắp đèn. Trong ánh đèn dầu, tôi thấy rõ khuôn mặt khắc khổ của mẹ sáng lên. Mẹ nhìn thẳng vào mắt bố không chút e sợ. Mẹ cao giọng nói:
- Nó sẽ ở đây. Từ nay, đây sẽ là gia đình của nó.
Bố ngồi phịch xuống ghế. Im lặng. Bà nội lập cập đứng dậy thắp hương lên bàn thờ. Mùi trầm thơm làm căn nhà bỗng trở nên trang nghiêm đến lạ. Ngoài kia, tiếng sấm đã lặng. Mưa ngớt dần. Trời sắp sáng rồi. Tôi biết điều ấy khi con gà trống tía trong chuồng vỗ cánh phành phạch và cất tiếng gáy vang.
Truyện ngắn của ÚT NINH NINH