Trong số 2 công nhân đang lái máy xúc bị nước cuốn trôi mất tích có anh Đặng Văn Tuyên (37 tuổi, quê Hải Dương).
Ban Chỉ huy quân sự huyện Nam Giang đang vạch phương án tìm kiếm người dân bị nạn |
Đến sáng 14-9, việc cứu nạn, tìm kiếm người mất tích sau sự cố bục đường ống dẫn dòng của thủy điện Sông Bung 2 (Quảng Nam) vẫn đang tiến hành khẩn trương.
Ngoài 2 công nhân lái xe xúc của đơn vị thi công công trình này mất tích, 10 chiếc xe bị nước cuốn trôi, hàng chục người dân địa phương trong vùng hạ lưu thủy điện vẫn chưa liên lạc được.
Hai công nhân lái máy xúc là Đặng Văn Tuyên (37 tuổi, quê huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Minh Luân (24 tuổi, quê Phú Thọ). Tuy nhiên, chưa có thông tin về số phận những công nhân và người dân gặp nạn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn đã trực tiếp chỉ huy các lực lượng gồm công an, quân đội và y tế tục trực tại bờ đập để sẵn sàng ứng cứu.
Hiện tại các cơ quan của Bộ chỉ huy quan sự huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đang điều lực lượng theo dọc sông Bung phần hạ lưu của đập thuỷ điện Sông Bung 2 để tìm kiếm nạn nhân. Các y bác sĩ cũng có mặt tại hiện trường để sẵn sàng ứng cứu
Tuy nhiên nước phần dưới thân đập vẫn còn chảy mạnh. Dòng nước đỏ ngầu nên công tác tìm kiếm hết sức khó khăn. Các thiết bị thi công như máy ủi, máy đào, máy xúc, ôtô con nằm la liệt dưới dòng chảy.
Các cơ quan chức năng cũng đang tích cực liên lạc với gia đình những người còn chưa liên lạc được để nắm tình hình. Hy vọng những người dân chưa liên lạc được đêm qua vẫn còn trên rẫy...
Nhiều thiết bị thi công như máy ủi, máy đào, máy xúc, ôtô con nằm la liệt dưới dòng chảy |
Báo cáo với phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam tại hiện trường ngay trong đêm, ông A Lăng Mai, chủ tịch huyện Nam Giang cho biết người dân ở nhiều thôn thuộc Zuôih đang rất lo lắng cho số phận người thân của mình.
Tại thôn Tà Oi có 12 người dân đi rẫy nhưng khi về nhà thì chỉ còn 2 người. Tương tự tại thôn A Zin vẫn còn 20 người chưa liên lạc được, chưa biết những người này có ở lại rẫy hay không?.
“Hiện tại do trời tối và công tác liên lạc ở vùng núi rất khó khăn nên chưa biết những người này hiện nay như thế nào?” - ông Mai lo lắng.
Cũng theo ông Mai thì trước đó tại thôn Pà Oi có gần 400 hộ dân đã thoát được dòng nước cơn lũ dữ trong may mắn.
Khi dòng nước mạnh từ thủy điện đổ về nhờ sự giúp sức của các chiến sĩ đồn biên phòng La Êê và Đoàn kinh tế Quốc phòng 207 của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam đã giúp những người dân này rời khỏi làng sớm.
Trung tá Phạm Hồng Hải - Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Nam Giang cho biết lực lượng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ của các xã, mỗi xã một trung đội (gần 30 người) túc trực tại trụ sở UBND xã. Các phương tiện vật chất tập kết sẵn sàng ứng cứu.
Ngoài ra, các lực lượng dân quân khác cũng đã bố trí ở nhiều nơi xung yếu để sẵn sàng cứu, vớt nạn nhân trong trường hợp trôi nổi trên sông suối nếu có.
Một góc sạt lở ở bờ đập Thuỷ điện Sông Bung 2 nơi vừa xảy ra sự cố |
Ông Ngô Việt Hải - Tổng Giám đốc công ty phát điện 2 (thuộc tập đoàn điện lực Việt Nam - EVN), chủ đầu tư của dự án cho biết sự cố bục nước đường ống dẫn dòng của thủy điện Sông Bung 2 xảy ra lúc 16g25 phút ngày 13-9.
Lúc đó lượng nước mưa về hồ chứa đạt 560m3/ giây. Và lượng nước trong hồ khoảng 28 triệu m3 nước. Lượng nước này chưa đến 1/3 dung tích của hồ chứa (khoảng 94 triệu m3 nước).
Quang cảnh tan hoang sau sự cố bục đường ống dẫn nước đường hầm tại thủy điện Sông Bung 2 |
Được biết khi thi công thủy điện người ta thường xây một đường hầm dẫn dòng trước. Sau khi xây đập ngăn chính gần hoàn tất đơn vị thi công sẽ tiến hành đổ bê tông bịt kín hầm dẫn dòng để tích nước.
Hầm dẫn dòng của thủy điện Sông Bung 2 dài 393 mét, rộng 12 mét, cao 14 mét. Theo đơn vị thi công để ngăn hầm này đơn vị đã đặt ở cửa van hai tấm thép lớn, mỗi tấm nặng gần 125 tấn.
Ông Hải cho hay do lượng nước chảy về hồ còn khá lớn và lượng nước chảy qua hầm thoát nước còn rất mạnh nên chưa thể điều tra và khẳng định nguyên nhân ban đầu của vụ việc.
“Việc mất mát hai công nhân của đơn vị thi công đã là tổn thất quá lớn. Chúng tôi mong mỏi những điều tồi tệ không xảy ra với những người dân vùng hạ du. Hiện tại đơn vị đang tìm mọi cách liên lạc với người dân hạ du và tìm cách khắc phục sự cố” - ông Hải nói.
Ông A Lăng Mai cho biết ông được người dân báo cáo lại rằng trước khi bục nước ở đường hầm dẫn nước qua thân đập này người dân nghe có tiếng nổ lớn. Sau đó là dòng nước ầm ào như sóng thần cuốn phăng mọi thứ ở hạ du.
Theo ông Mai thì may mắn là các hồ chứa nước bên dưới thủy điện Sông Bung 2 như Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6, đang thiếu nước nên với lượng nước 28 triệu m3 đổ về các lòng hồ này đã hứng trọn.
Và chính vì vậy người dân các vùng hạ du hoàn toàn an tâm rằng không thể có sự cố nước tràn về xuôi hoặc gây vỡ đập liên hoàn.
Và nếu sự cố xảy ra khi thủy điện Sông Bung 2 tích đầy nước và các thủy điện bậc thang phía dưới cũng đầy nước thì những gì thực sự xảy ra sẽ không tưởng tượng được.
Theo Tuổi trẻ