Một chuyện tình ở Khâu Vai

01/01/2018 15:29



Nếu không được về thủ đô học tiếp thì tôi cũng không thể biết phiên chợ tình của đất Khâu Vai nhà tôi lại nổi tiếng dường ấy. Thấy tôi là người Mông ở Khâu Vai về, bạn bè ai cũng hỏi, thầy cô nào cũng hỏi, kể cả thầy cô, bạn học người nước ngoài. Họ không khỏi ngạc nhiên khi tôi kể về phiên chợ tình, về những cặp vợ chồng già hằng năm vẫn cơm nắm cơm đùm dắt díu nhau đi dăm bảy ngày đường, chỉ để tới đây tìm lại người tình cũ. Ông giúp bà gặp người yêu của mối tình đầu; bà giúp ông gặp người của thời yêu nhau chả lấy được nhau. Có những cặp tình nhân mỗi năm gặp nhau một lần - vào đúng một ngày như thế, để được sống thỏa thích, được sống hết mình với nhau trong rừng trong núi, rồi sau đó lại đường ai nấy về, nhà ai nấy ở, vợ chồng ai nấy ái ân...

Tôi sinh ra và lớn lên ở giữa chợ tình Khâu Vai nên tôi không thấy chuyện đó có điều gì đặc biệt. Các bạn tôi đều bảo độc nhất vô nhị, trên thế giới này chỉ có một chợ tình Khâu Vai, và chỉ có một mà thôi. Vì có một nên nó độc đáo và nổi tiếng. Mẹ tôi bảo, con nhìn ngọn đèn đi. Dưới chân cái đèn có sáng bằng phía ngoài này không? Nói rồi mẹ giơ bàn tay sần sùi những vết chai khum khum lại hứng ánh sáng cho tôi xem. Con biết ý mẹ muốn nói với con rồi, tôi ôm vai mẹ hít hít mùi của mồ hôi và bụi hoa ngô tạo thành mùi thơm nồng nàn đặc trưng của người phụ nữ Mông chúng tôi. Chỉ có yêu thật lòng mới ngửi được mùi thơm ấy, mẹ tôi bảo thế. Người Mông mình sinh ra ở xứ núi tuyết, sống chung với cây rừng, với đá rừng của thời xa xưa, bây giờ hết rừng cây gọi là rừng đá. Chân người Mông đi qua vạn nẻo trên các đỉnh cao cùng đi chung với gió, đi chung với mây và với hoa cỏ, rồi ở lại với hoa ngô. Mồ hôi của người Mông tự thấm vào trong da thịt của người Mông, làm nên mùi thơm, mùi nhớ mà tôi gọi là nồng nàn đặc trưng, khiến mẹ tôi cười khì.

Bố mẹ tôi là thầy cô giáo ở Khâu Vai, nên tôi có cái may mắn nhất của đứa con gái Mông bản Kóm xứ Khâu Vai rồi. Lớp học của chúng tôi ở chung với chợ, các học sinh được tập trung về với bố mẹ tôi thành một nhà, ăn chung, ở chung, tất cả đều chung. Mẹ tôi dạy thuở xa xưa, thuở tốt đẹp nhất của loài người, con người ta ăn hang ở lỗ, nhưng là sướng nhất, không có cái gì riêng, cái gì cũng chung. Vui chung, buồn chung, sướng chung, khổ chung. Chung hết cả. Bố tôi chả nói nhiều. Suốt ngày bố lên nương cùng con bò cày xới trong các khe đá, moi đất trong các khe đá, gùi đất từ chỗ đất lên chỗ đá trồng ngô nuôi ngô, trồng cây lanh nuôi cây lanh lấy sợi cho mẹ tôi dệt vải. Những ngày rảnh rỗi, tháng rỗi trong năm, bố tôi "mượn" mẹ mấy thanh niên trong lớp bí mật vác giàn khoan do bố chế tạo vào rừng, lập nên một công xưởng nhỏ, khoan nòng súng kíp. Đó là những cây xà beng của người dưới xuôi được cắt bằng hai đầu, đặt thẳng đứng lên giàn, mũi khoan điểm trúng tâm, hai thanh niên giữ kìm hai bên, hai thanh niên nữa cò cưa kéo dây khoan bằng da thú cho quả sắt quay đều, năm ngày năm đêm liền, thanh xà beng nóng lên khi mũi khoan ngập vào sâu trong bụng thép và cơ bắp các chàng trai cũng nóng lên theo. Chí kiên nhẫn của người Mông làm ra vũ khí săn bắn thú được truyền lại đời này qua đời nọ. Bố tôi được ông nội truyền cho cả nghề làm nòng súng, thuốc súng và cả nghề săn thú một mình. Bố tôi bắn được lợn lòi, được nai ba chạc, được gấu xám, beo vằn. Mỗi lần có thú đưa về bản, bố tôi đều tổ chức cúng thần rừng, ma núi, không để ăn một mình, không để hưởng một mình nên dân bản mê lắm. Người ta mê bố vì tính bố hiền, vì bố thông thạo nhiều việc. Bà con gọi bố là ông giáo vì cứ có bài học khó là mẹ tôi đưa cả lớp lên nương tìm bố giảng giải cho. Bố tôi là thầy của mẹ tôi. Thế nên mẹ tôi bảo các con cũng phải gọi bố là thầy.

Nếu không có phiên chợ tình Khâu Vai làm sao bố tôi gặp được mẹ. Và mẹ cũng làm sao có được tôi trong cái đêm rừng linh thiêng đầy quyến rũ, như chuyện thần tiên ông bà để lại cho con cháu sau này nhớ thôi. Bố tôi ngồi thổi kèn lá, chơi đàn môi, xướng lên những bản tình ca chờ đón mẹ tôi nhớ lời hẹn ra bờ suối đá gặp nhau, hát chung bài hát say tình. Một đống lá vun cao dưới chân bố. Mẹ từ trong khói trong sương, trong mơ màng tiếng nhạc thao thiết của bố hiện ra ngời ngợi dưới trăng. Bố đi bộ bảy ngày bảy đêm tìm về Khâu Vai, tìm về mối tình quá vãng đau buồn của ông bà cha mẹ ngày xưa, thuở bố mẹ chưa có mặt trên đời. Ôi cha, chẳng phải sớm cũng chẳng phải muộn, chỉ có mỗi năm ấy đúng ngày hai bảy tháng ba ta, ngày phiên chợ tình lại mưa dầm gió bấc, bố ướt như con chuột, run rẩy như bắp ngô non trước gió, mới sớm tinh sương đã chui vào lớp học của mẹ xin trú nhờ. Mẹ lấy nước nóng cho bố rửa mặt, rồi lấy củi chất thêm vào bếp cho bố hơ khô áo quần. Con trai gì đi chợ tình mà không thấy mang theo ngựa thồ, cũng không thấy có cả cây khèn. Mẹ bảo sáng ấy mẹ lấy mèn mén mời bố ăn, bố ăn rất ít, rồi chào cô giáo bước ra cửa, nhập vào rừng người, rừng ngựa đang hồ hởi đổ từ trong các hẻm núi cao xuống chợ Khâu Vai. Mẹ ở Khâu Vai từ tấm bé, lớn lên bằng những kỷ niệm mà bố đi tìm, nhưng nào bố có tìm ra? Bố đâu có ngờ cái cô giáo bé con con ấy lại chính là con gái bà Mùa. Bà Mùa ngày xưa đẹp nhất Khâu Vai, đẹp đến mức người thiên hạ tới Khâu Vai mà chưa thấy cô Mùa, vợ trưởng bản Kóm thì chưa thể nói tôi đã đến đó rồi. Bố không về đây để tìm chuyện đó. Bố tìm một chuyện tình linh thiêng lớn lao hơn thế rất nhiều. Đến đâu hỏi người ta cũng bảo hình như có bà Mùa hay bà Mủa gì đó đẹp người đẹp nết một thời, nhưng giờ thì lắc đầu chịu thua. Bố đi tìm đến tối hôm sau tàn chợ mới trở lại chào cô giáo rồi về. Cô giáo không mặn mà, không hờ hững đem mèn mén ra mời. Anh về có xa đây không? Tôi đi bảy ngày, bảy đêm liền. Xa thế sao không đi ngựa? Ngựa tôi không có. Anh về đây tìm người tình cũ à? Không phải đâu. Tôi về đây tìm gặp cô con gái út nhà bà Mùa. Bà Mùa nào? Bà Mùa con thầy giáo Thào Luông. Thế không phải anh đi chợ Khâu Vai để tìm lại mối tình đầu à? Cô giáo hỏi lại lần nữa. Không phải đâu. Tôi đi tìm lại mối tình đầu không thành của bố tôi. Sao ông cụ không tự đi mà tìm? Bố tôi trước khi khuất núi bảo với tôi rằng bố phải xa Khâu Vai vì mối tình không thành với cô Mùa, con gái thầy giáo Thào Luông. Cô Mùa khổ từ khi thầy giáo Thào Luông mất, mẹ cô đi bước nữa nên cô phải ở chung với bố dượng. Bố dượng cô lại có thời đi theo phỉ, sau ra đầu thú, không hiểu sao lắm của nhiều tiền thế, nhưng cái thứ của thứ tiền "không hiểu" làm sao lại khiến đầu óc con người ta trở nên độc ác cô giáo à. Bố tôi bảo cô Mùa mà sống đến nay thì cũng khổ thân thôi, vì cô ấy yêu bố nhưng lại phải lấy thằng Dín hay Dỉn gì đấy dở ta dở địch do ông bố dượng gán ghép, hình như sau đó có sinh được một cô con gái... Thế sao bố anh yêu người ta lại đi lấy người khác? Cô giáo hỏi như hỏi chính mình. Tôi cũng hỏi bố tôi câu ấy. Bố tôi bảo bố lấy mẹ vì mẹ biết bố yêu cô Mùa không thành nên bỏ về quê cũ ở Ma Lé. Mẹ theo bố lẵng nhẵng, khi bố đi chợ uống rượu say, mẹ cầm ô che nắng, che mưa, rồi nhờ người đi đường khiêng bố vắt lên lưng ngựa thồ bố về bản. Ngày xưa nhà anh ở Ma Lé ư? Ma Lé, ngày xưa nữa là xưa kia, cả bản tôi ở Ma Lé, cả dòng họ nhà tôi, dòng họ nhà cô Mùa đều ở trên đó. Nhưng do có năm núi lở liên miên, cả bản mất đi hơn nửa số người nên mới theo vó ngựa cụ Thào Sang, cụ tổ dòng họ Thào ở Ma Lé về Mã Pì Lèng, về Khâu Vai tìm nơi cư trú. Ở mãi một nơi thành quê cha đất tổ, bố tôi họ Giàng bảo tôi cái lý của người Mông mình không bao giờ chịu ngồi im một chỗ nên mới lấy sự du cư làm lẽ sống ở đời! Thuở trời long đất lở đã thế rồi, cho đến bây giờ vẫn thế cô giáo à. Vâng! Vậy anh có biết phiên chợ tình Khâu Vai này có từ thuở nào không? Người ta bảo phiên chợ tình có từ sau cái khi trời long núi lở, bốn phương tám hướng đều loạn lạc, người Mông từ trên Đồng Văn, Mèo Vạc, từ Yên Minh, Phó Cáo... chạy dọc theo các triền núi đá cao chất ngất, nhìn xuống sông Nho Quế lúc nào cũng ngầu ngầu đỏ. Núi cứ lở. Vó ngựa người Mông cứ leo lên, leo mãi, leo mãi không hiểu sao lại gặp Khâu Vai. Ôi chao, chuyện này dài lắm, xưa cũ lắm, thuở ấy chỉ có mỗi Khâu Vai là bình yên vì núi không lở, đất Khâu Vai lại lành, trồng cây lanh, lanh mọc ngút ngàn, trỉa hạt ngô, ngô bời bời tốt, mỗi cây ra ba bắp to, hai bắp nhỏ. Hoa mơ, hoa mận, hoa đào trùm kín các mom núi, người Mông định cư ở đây không lấy cái lý du cư làm lẽ sống nữa. Nhưng hằng năm những người thân do thời loạn lạc lại đến chợ Khâu Vai tìm nhau, tìm nhau dần dà cũng được hết, nhưng những mối tình mới lại nẩy nở, những mối tình tìm nhau càng lắm càng nhiều, tìm mãi mà không ra cái lý để ở với nhau, nên người xưa mới lập nên phiên chợ tình cho phép các mối tình không thành mỗi năm một lần được về đây công khai đầu mày cuối mắt, tìm lại thuở ban đầu.

Nghe đến đây cô giáo mẹ tôi không kìm được nữa đã ôm mặt quay lưng khóc nấc lên. Chàng trai bố tôi ngẩn người không hiểu. Chàng đi tìm mối tình đầu của cha, ngờ đâu lại gặp cô giáo con bà Mùa xưa. Lớp học của chúng tôi mấy chục năm nay vẫn thế, vẫn chỉ là một mái nhà chung trong chợ Khâu Vai, hằng năm cứ đến phiên chợ tình mẹ tôi cho lớp nghỉ học. Bố tôi bảo những ngày ấy hai người bận, tôi không dám hỏi bận gì, chỉ thấy hai người trang điểm cho mình diêm dúa cầu kỳ lắm, mờ sáng tinh sương bố tôi đã dắt ngựa ra ngõ, dìu mẹ tôi lên, tôi nhìn qua khe cửa thấy bóng ngựa vút qua, cảm thấy yên lòng, lại trùm chăn kín đầu ngủ tiếp. Mãi sau này khi tôi lớn lên, được xuống thủ đô học tiếp, rồi lại về Khâu Vai nối nghiệp mẹ cha, lấy anh bộ đội biên phòng người bản Kóm, sinh con đẻ cái, lúc vui hỏi ông bà ngày ấy giả vờ đưa nhau đi đâu rồi lại quay về chợ tình tìm nhau cho mới mẻ có đúng không thì "khai" ra. ông bà chỉ móm mém cười không nói.

Vậy đó, thoắt cái bây giờ bố tôi không còn lên nương được nữa. Mẹ tôi cũng không còn đứng lớp nổi. Cả hai người chỉ quẩn quanh bên bếp lửa sống cùng nhau bằng mèn mén lương hưu, bằng mối tình xưa cũ lặp đi lặp lại như thật như mơ của tuổi già.

Truyện ngắn củaTRUNG TRUNG ĐỈNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một chuyện tình ở Khâu Vai