Trong chặng đường 35 năm xây dựng và phát triển, nhiệm kỳ 5 năm 2008 - 2013, Hội VHNT tỉnh ở giai đoạn phát triển cao, có tính chuyên sâu...
Đồng chí Bùi Thanh Quyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh,
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh với các văn nghệ sĩ Hải Dương. Ảnh: THÀNH CHUNG
Đây là giai đoạn Hội VHNT tỉnh Hải Dương có số lượng đội ngũ đông đảo nhất từ trước tới nay với 238 hội viên hai khối văn học và nghệ thuật. Hội có nhiều tác phẩm, công trình đóng góp vào đời sống xã hội với những thành tựu khá toàn diện. Các cá nhân và tập thể của hội đã xuất bản, tái bản 110 đầu sách văn học và nghệ thuật, tăng 6 đầu sách so với nhiệm kỳ trước (trong đó có 13 đầu sách tập thể, 97 đầu sách của cá nhân). Hội phối hợp tổ chức 10 cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh cấp tỉnh; tham gia 10 cuộc triển lãm mỹ thuật và Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực các tỉnh đồng bằng sông Hồng; đăng cai tổ chức triển lãm Mỹ thuật khu vực lần thứ 14 (năm 2009)… Hội viên của hội đã tham gia nhiều cuộc triển lãm toàn quốc, quốc tế; tham gia 19 cuộc thi, hội diễn chuyên nghiệp cấp tỉnh, khu vực, toàn quốc... đoạt 62 giải thưởng cấp toàn quốc, 23 giải thưởng khu vực và của các bộ, ngành Trung ương...
Hội có hơn 70 hội viên ở lĩnh vực văn học. Trong 5 năm qua, các tác giả đã xuất bản 91 đầu sách gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, tản văn, tập thơ, tiểu luận, nghiên cứu phê bình, khảo cứu, văn nghệ dân gian... Một số cuốn được tái bản nhiều lần. Nhiều tác giả có từ 3 - 5 đầu sách xuất bản. Một số đầu sách nghiên cứu, khảo cứu ở phạm vi quốc gia phát huy hiệu quả về xuất bản như: “Anh em Nguyễn Tường Tam - Nhất Linh - Ánh sáng và bóng tối”, “Phạm Quỳnh - Con người và thời gian”, “Phạm Quỳnh trong dòng chảy văn hóa dân tộc”... của tác giả Khúc Hà Linh. Các cuốn “Lễ hội dân gian tỉnh Hải Dương”, “Văn hóa dân gian vùng ven sông Bạch Đằng...”, “Văn hóa dân gian làng Xuân Nẻo”... của tác giả Văn Duy; “Thành hoàng phiêu bạt” (truyện ngắn), “Cổng làng” (tiểu thuyết)... của tác giả Nguyễn Thanh Cải... khẳng định những giá trị có gốc tích ngàn đời của văn hóa xứ Đông. Các tác phẩm thể hiện tương đối đa dạng nhiều mặt của đời sống xã hội với các mảng đề tài và thể loại như các tập tiểu thuyết “Đất thức”, “Vùng mắt bão”, “Thăm thẳm Ka Tang” của Thương Huyền; các tập truyện thiếu nhi: “Quà tặng bất ngờ”, "Quà tặng mẹ", "Áo cũ của bà" của Nguyễn Thị Việt Nga; “Sen trong giếng ngọc”, “Đường về bản”, “Bà chúa Sao Sa” của Đinh Ngọc Hùng. Có những tác phẩm ở mảng đề tài về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với những góc nhìn vừa mới, vừa truyền thống như “Duyên đất” (tập truyện ngắn), “Hoa lúa” (truyện và ký) của Nguyễn Long Nhiêm. Có những đầu sách thu hút sự chú ý của người đọc Hải Dương như với 2 tập tiểu thuyết “Gió chuyển mùa”, “Một lần trót dại” của Đỗ Thị Hiền Hòa... “Gió chuyển mùa” đã đoạt giải C về tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011. Nhiều tác giả khác cũng có từ 1 - 2 đầu sách với những thiên hướng đi sâu vào từng góc khuất hoặc lộ thiên của đời sống xã hội. Mỗi người mỗi vẻ đều thể hiện năng lực, sở trường và sự dày công của mình trong lao động sáng tạo văn học.
Hằng năm, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức cho hội viên đi thực tế sáng tác. Trong ảnh: Hội viên các ban:
Mỹ thuật, Thơ, Nhiếp ảnh đi thực tế sáng tác tại vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn). Ảnh: MAI ANH
Ở Hội VHNT tỉnh, các tác giả thơ đông đảo hơn, đã liên tiếp cho ra đời 2-3 tập thơ với nhiều sắc thái, độ sâu, độ chín khác nhau như các tác giả: Hà Cừ, Bùi Hải Đăng, Phạm Trọng Tuấn, Phạm Ánh Sao, Vũ Minh Thoa, Nguyễn Huy, Nguyễn Đình Vinh, Nguyễn Viết Luyện... Các tác giả khác số lượng xuất bản ít hơn nhưng cũng có những dấu ấn đáng kể như với Thùy Linh, Huệ Văn, Nguyễn Việt Thanh, Vũ Minh Tuấn, Nguyễn Khắc Hiền...
Các tác giả nghiên cứu tuy không nhiều nhưng là những đại diện khá tiêu biểu. Nhà nghiên cứu Tăng Bá Hoành có nhiều kinh nghiệm về các đề tài lịch sử, văn học sử, văn nghệ dân gian. Cây viết lý luận, phê bình Nguyễn Thị Lan có sức đọc, sức viết không mệt mỏi với góc độ thẩm định của mình qua hầu hết các tập văn, thơ của các tác giả. Chị đã cho ra đời tập nghiên cứu văn học nước ngoài trong nhà trường bằng đúc kết cả chặng đường tích lũy của người làm nghề sư phạm.
Đỉnh cao của văn học Hải Dương tính đến nay được khẳng định với Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012 với cụm tác phẩm “Phá vây” (tiểu thuyết), “Con nuôi trung đoàn” (truyện vừa) của cố nhà văn Phù Thăng. Các tác phẩm của nhà văn là những giá trị không thể phai mờ trong ký ức nhiều thế hệ người Hải Dương về một thời kháng chiến.
Trong lĩnh vực sân khấu, bên cạnh các tác giả lâu năm có nhiều thành tựu về sáng tác, đạo diễn như Lê Phúc, Ngọc Phúng, Xuân Ba, Vũ Công Bằng thì tác giả trẻ Trần Phương Hạnh cũng trở nên quen thuộc với nhiều chương trình sân khấu truyền thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Hoàng Tiến Điểm những năm gần đây liên tiếp có kịch bản hài được Đài Truyền hình Việt Nam dàn dựng, phát sóng. Các hội viên diễn viên Nhà hát Chèo Hải Dương vẫn sung sức và ngày càng tinh luyện, là những người sáng tạo thứ hai sau tiến sĩ Trần Đình Ngôn và đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Bùi Đắc Sừ, làm nên các vở mới như “Đào Lý một cành”, “Chuông ngân rừng trúc”, “Huyền Quang tôn giả”... với hàng trăm đêm diễn trong và ngoài tỉnh. Các nghệ sĩ ưu tú Thanh Vấn, Thúy Mơ, Trịnh Thái, nghệ sĩ Bùi Quang Toàn luôn nhiệt huyết, đầy trách nhiệm với sân khấu của tỉnh. Đến nay, 8 diễn viên của tỉnh đã được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú...
Hoạt động mỹ thuật của hội cũng có nhiều kết quả khá nổi bật. Tại các cuộc triển lãm mỹ thuật và thi tranh cổ động cấp toàn quốc, các họa sĩ của tỉnh đoạt 2 giải nhì, 9 giải ba, nhiều giải khuyến khích. Trong đó tiêu biểu như các tác phẩm hội họa sơn dầu, sơn mài, lụa của Đỗ Khải, tranh cổ động của Hà Huy Chương, Đinh Thu Mai... với các đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, mở đường Trường Sơn, biển đảo, xây dựng nông thôn mới... Các họa sĩ cao niên và trung niên như Phạm Khải Hồng, Hạ Bá Định, Phạm Dũng, Lê Hướng Quỳ, Sĩ Ẩn, Cường Đệ, Đỗ Chuyển, Đặng Việt Cường,Trần Phóng... vẫn giữ nhịp độ sáng tác, có tác phẩm tham gia triển lãm ở tỉnh, khu vực và toàn quốc. Họa sĩ Đặng Việt Cường mở 2 cuộc triển lãm mỹ thuật tại Hà Nội và Hải Dương. Các họa sĩ Phạm Khải Hồng, Đặng Việt Cường, Phạm Trí Tuệ, Lê Hướng Quỳ đã xuất bản tuyển tập sách mỹ thuật cá nhân. Các họa sĩ Mạc Văn Sơn, Vũ Văn Long, Mai Anh (Thi Nguyên), Lương Văn Tiến, Nguyễn Tiến Quân, Nguyễn Văn Long... có tác phẩm được Hội Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu dự Giải thưởng hằng năm của Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam. Nhóm biếm họa Chu Đức Tiến, Huy Chương, Phạm Huynh vẫn nhanh nhạy, đều đặn có tranh trên các báo, tạp chí Trung ương, địa phương, tham gia triển lãm biếm họa do Hội Mỹ thuật Việt Nam và một số cơ quan Trung ương tổ chức...
Về nhiếp ảnh, các tác giả Trần Quang Thông, Tiến Thành, Văn Cả Quyết, Thành Chung, Trần Tuấn, Nguyễn Thiện Tín, Long Xây, Đỗ Thanh Mai, Tăng Bá Hanh... là những tay máy hoạt động khá bền sức, có ảnh tham gia nhiều triển lãm ở Trung ương, khu vực, địa phương. nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Quang Đức đang ở tuổi 98 vẫn sáng tác, vẫn có tác phẩm tham gia triển lãm, đoạt giải thưởng. Tác giả Đỗ Thanh Mai hội viên nhiếp ảnh duy nhất là nữ, có tác phẩm tham gia triển lãm quốc tế tại nhiều nước, đoạt giải khuyến khích triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc chủ đề “Khám phá văn minh sông Hồng”. Nghệ sĩ Trần Quang Thông giữ nhịp với tác phẩm đoạt giải nhì khu vực. Các tác giả Văn Cả Quyết, Tiến Thành, Thành Chung, Thiện Tín... có tác phẩm đoạt giải thưởng Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng, được giải thưởng hằng năm của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam... đồng thời cũng là những tác giả nòng cốt trong sáng tác ảnh nghệ thuật của tỉnh.
Với âm nhạc, múa, 5 năm qua, các nhạc sĩ của hội vẫn thường xuyên miệt mài sáng tác, phổ biến tác phẩm. Nhạc sĩ Mai Đoan đoạt 2 giải C của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Cố nhạc sĩ Phạm Hữu Đức đoạt giải C, nhạc sĩ Bùi Hăng Ri đoạt giải khuyến khích giải thưởng hằng năm của Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam về ca khúc. Hoàng Thành đoạt giải C cuộc thi sáng tác ca khúc về tỉnh Hải Dương. Ngọc Cuông đoạt 4 huy chương vàng về tiết mục biểu diễn liên hoan âm nhạc các nhà văn hóa toàn quốc. Biên đạo múa Phạm Ngọc Thái, Đào Thị Liên dàn dựng nhiều chương trình, màn múa tham gia hội thi, liên hoan và sinh hoạt văn nghệ cộng đồng.
Ở lĩnh vực kiến trúc, các kiến trúc sư của tỉnh luôn luôn đồng hành với nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội quy mô toàn tỉnh, thiết kế nhiều công trình và quy hoạch nằm trong dự án lớn của tỉnh và các huyện, thành phố. Các kiến trúc sư của tỉnh đóng góp 30 công trình thiết kế, quy hoạch, trong đó có 7 công trình tham gia 2 cuộc triển lãm toàn quốc với đề tài “Nhà ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ”...
Các tác phẩm văn học và nghệ thuật sáng tác theo chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Hội VHNT tỉnh đã được tặng 2 bằng khen của Trung ương. Đồ án kiến trúc “Nhà ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ” của nhóm kiến trúc sư Hải Dương được trao giải A. Các hội viên của hội được UBND tỉnh trao tặng 67 trong 71 giải thưởng VHNT Côn Sơn lần thứ VI (2006 - 2010).
Khó có thể kể hết những tác phẩm, công trình VHNT cũng như những đóng góp về công tác tổ chức hoạt động nhiều mặt của tập thể, cá nhân hội viên Hội VHNT tỉnh trong 5 năm sáng tạo, nhưng có thể khẳng định rằng, những kết quả đạt được là đáng ghi nhận, đem lại hiệu quả thiết thực trong đời sống văn hóa, tinh thần ở tỉnh Hải Dương; đóng góp tích cực với sự phát triển của VHNT cả nước.
HÀ HUY CHƯƠNGChủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh