Không biết từ bao giờ, hai câu thơ: “Hôm nay mồng tám tháng ba/ Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi…” đã trở thành quen thuộc và đi vào đời sống.
Mồng tám tháng ba muôn năm Hôm nay mồng tám tháng ba Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi Tôi phần bà một đĩa xôi Sợ bà yếu bụng tôi xơi hộ bà. TÚ SÓT |
Để rồi hằng năm, cứ đến dịp mồng tám tháng ba, người ta (nhất là các đấng mày râu) lại đọc cho nhau nghe để cùng vui, cùng cười vì tính chất hóm hỉnh và bất ngờ của nó. Cũng vì lẽ đó, không ít người lầm tưởng đó là một sáng tác tập thể - một bài ca dao. Nhưng thật ra, đó chỉ là hai câu đầu trong bài thơ "Mồng tám tháng ba muôn năm" của nhà thơ Tú Sót.
Tú Sót tên thật là Chu Thành (1930- 2006), quê ở Nghệ An. Ông từng là thành viên Câu lạc bộ “Cảo thơm thư hiên” - câu lạc bộ của những người viết thư pháp, cho những người chơi chữ vào dịp Tết. Những câu thơ này - nhất là hai câu thơ đầu của Tú Sót, được truyền miệng trong dân gian từ những năm 80 của thế kỷ XX, trước khi nó được in trong tập thơ “Gà trống đẻ” (1989) của ông.
"Mồng tám tháng ba muôn năm" là một bài thơ vui và rất độc đáo. Mỗi khi ai đó đọc lên: “Hôm nay mồng tám tháng ba/ Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi” là đã có ngay những tiếng cười sảng khoái phụ họa. Nhưng nếu ngẫm ngợi kỹ, ta sẽ nhận ra, đằng sau tiếng cười sảng khoái ấy là cả một tấm lòng kính trọng, biết ơn đối với người phụ nữ. Bởi lẽ, trong mỗi gia đình truyền thống Việt Nam, người phụ nữ luôn là những người chịu thiệt thòi và hy sinh nhiều nhất. Gần như họ bị bó gọn trong những việc nội trợ bếp núc gia đình. Nhà thơ Lưu Trọng Lư từng viết về người phụ nữ trong xã hội phong kiến: “Em là gái trong song cửa/ Anh là mây bốn phương trời”. Trong các gia đình hiện đại, người phụ nữ ngoài việc đảm đang công tác xã hội, họ còn phải làm tròn thiên chức của người vợ, người mẹ, như một câu thơ vui của ai đó: “Ngày làm tám tiếng như anh/ Chiều về em bỗng hoá thành Ô sin”… Vậy nên, bài thơ "Mồng tám tháng ba muôn năm" mà nhà thơ Tú Sót viết tặng vợ và tặng phái nữ cũng nói lên được phần nào sự thật ấy.
Câu thơ đầu của bài thơ chỉ là một lời thông báo chứ chưa có gì đặc biệt, chưa gây được chú ý. Chất hài của hai câu thơ trên chỉ bật ra ở câu thơ thứ hai và chính xác hơn là ở hai chữ cuối của câu thơ thứ hai: “Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi”. Nếu giặt hộ cái áo của bà thì cũng là điều ông nên làm, như vậy, câu thơ chẳng có gì đáng cười và bài thơ cũng không có gì đáng nói. Nhưng, cái việc ông muốn giúp bà vào một ngày trọng đại của phái nữ lại là: “Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi”. Cách dùng từ “hộ bà cái áo của tôi” có ý nghĩa như một sự mặc định, nói tới sự vất vả chịu đựng và vị tha của người phụ nữ. Hoá ra, bà quanh năm vất vả vì chồng con, vì gia đình, hôm nay nhân ngày hội của bà và của những người phụ nữ, tôi mới “giặt hộ bà cái áo”, nhưng là áo… của tôi. Tiếng cười được bật ra ở đấy. Nhưng ẩn sau tiếng cười, chính là niềm kính trọng, sự biết ơn của ông đối với người phụ nữ. Bởi ai cũng hiểu trong mỗi gia đình, người phụ nữ - người vợ, người mẹ là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Thế nên, bằng cách nói hài hước, nhà thơ muốn khẳng định sự tần tảo đảm đang và đức hy sinh của người phụ nữ trong mỗi gia đình.
Hai câu thơ sau: “Tôi phần bà một đĩa xôi/ Sợ bà yếu bụng tôi xơi hộ bà” cũng là hai câu thơ hay, nhưng cái đặc sắc, bất ngờ của hai câu thơ trước đã phần nào lấn át cái ý nghĩa thú vị của hai câu thơ này. Nhân vật trữ tình - người chồng trong bài thơ cũng tỏ ra biết thương vợ, cũng nghĩ đến vợ trong ngày mồng tám tháng ba. Chả thế mà ông “phần bà một đĩa xôi” đó sao? Nhưng cũng bởi hiểu vợ, lo cho vợ "sợ bà yếu bụng" nên ông đã làm một việc, âu cũng là để chứng tỏ tình cảm của ông đối với bà, đó là: “xơi hộ bà”. Vậy là, một chút hưởng thụ về vật chất của bà trong ngày vui cũng… hóa không. Bài thơ có 4 câu nhưng đã hai lần ông "hộ" bà, nhưng rồi cả hai lần "hộ" ấy, bà chả được chút quyền lợi gì mà lại càng nhấn thêm phần thiệt thòi. Thú vị ở chỗ, cái thiệt thòi ấy lại được nhà thơ diễn tả một cách hài hước, nên cho dù thế, hẳn là bà cũng không cảm thấy tủi thân, bởi đó chỉ là cách nói thể hiện sự hy sinh lặng thầm của bà và những người phụ nữ mà thôi!
Người chồng trong bài thơ, thoạt nghe có vẻ là một người “vô tích sự”. Nhưng ngẫm ra mới thấy được cái sự biết mình, hiểu người của ông. Không phải chỉ dùng những lời khen trực diện mới là cách thể hiện sự tôn vinh phụ nữ. Ở bài thơ này, tác giả đã dùng cách nói hài hước gây cười, để gián tiếp thể hiện niềm trân trọng, biết ơn của ông đối với người phụ nữ. Phải là người yêu vợ, thấu hiểu sự chịu đựng vất vả, hy sinh của vợ như thế nào, nhà thơ mới thể hiện tình cảm của mình một cách đặc biệt bằng cách nói dí dỏm, hài hước như vậy.
Giờ đây, mặc dù nhà thơ Tú Sót đã thành người “muôn năm cũ”, nhưng hằng năm, cứ đến dịp mồng tám tháng ba những câu thơ vui và đầy ý nghĩa của ông: “Hôm nay mồng tám tháng ba/ Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi…” vẫn đồng hành với mọi người, để cùng cười, cùng vui, cùng ngẫm ngợi và tôn vinh những người phụ nữ - một nửa nhân loại.
N.T.B