Các doanh nghiệp đang có nhiều cơ hội tự khẳng định và thể hiện văn hóa doanh nghiệp của mình, một trong những "yếu tố vàng" của thành công.
Các doanh nghiệp giữ một vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế thị trường, có liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân. Theo định hướng về cơ cấu thành phần kinh tế, trong khi giảm dần tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước, thì tỷ trọng doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ ngày càng tăng. Các nhà sản xuất, kinh doanh có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ có thể cạnh tranh với hàng ngoại. Các doanh nghiệp phải ra sức bảo vệ thương hiệu, quảng bá sản phẩm, bảo đảm chất lượng ổn định và chăm sóc tốt khách hàng. Chính trong bối cảnh ấy, vấn đề văn hóa doanh nghiệp được cả xã hội quan tâm.
Văn hóa doanh nghiệp trước hết là phải tạo ra việc làm ổn định, bảo đảm mức thu nhập thỏa đáng cho người lao động, đưa người lao động vào quy trình chuyên môn hóa và nâng cao tay nghề, gắn bó công nhân với doanh nghiệp, xây dựng doanh nghiệp vững mạnh. Những doanh nghiệp ấy không có hiện tượng công nhân dừng việc tập thể, đấu tranh đòi quyền lợi như đã từng xảy ra đây đó.
Văn hóa doanh nghiệp thể hiện rõ nhất ở việc tạo ra cho mình một thương hiệu vàng, được người tiêu dùng tin tưởng. Phải nghiêm túc lắng nghe nguyện vọng của người dân, phát huy khả năng sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa, giá cả phù hợp với túi tiền người dân. Cần hạn chế sử dụng nguyên liệu nhập ngoại, đẩy giá lên cao, doanh nghiệp cần hướng đến các nguồn nguyên liệu trong nước, theo phương thức "liên kết 4 nhà". Thực tế đã chứng tỏ, các doanh nghiệp nào liên kết chặt chẽ với nông dân trong cung ứng vật tư nông nghiệp, khoa học, kỹ thuật, tiêu thụ nông sản, các doanh nghiệp ấy dễ dàng tạo việc làm ổn định cho công nhân và tạo nguồn hàng dồi dào quanh năm. Đã có những doanh nghiệp kiên trì thực hiện theo hướng này, như Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Dương, Doanh nghiệp tư nhân Hùng Sơn (Ninh Giang)...
Văn hóa doanh nghiệp thể hiện ở nguyên tắc ứng xử với khách hàng. Phải quan tâm đến các hội chợ kích cầu, xây dựng và phát triển hệ thống phân phối bán lẻ, dịch vụ bán hàng, coi trọng thị trường nông thôn lâu nay chưa được khai thác tốt. Phải kiên quyết chống tệ hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng gia công... Trong sản xuất, phải coi trọng bảo vệ môi trường (nước, không khí...), không làm ảnh hưởng xấu đến đời sống và sản xuất trong khu vực.
Văn hóa doanh nghiệp còn được biết đến ở các nghĩa cử đối với các hoạt động từ thiện, chia sẻ lợi nhuận giúp trẻ em nghèo vượt khó, nạn nhân chất độc da cam và các đóng góp công ích khác cho cộng đồng.
Các doanh nghiệp hiện nay đang phải tháo gỡ nhiều khó khăn, như khó vay vốn hoặc còn lúng túng vì các thủ tục hành chính. Song, điều quan trọng là Đảng và Nhà nước đang tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển như công khai, minh bạch, sớm thông tin cho các doanh nghiệp về cơ chế chính sách, đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nêu rõ, "xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh phát triển các loại hình dịch vụ mới và mở rộng thị trường ra tỉnh ngoài và nước ngoài; nâng cao chất lượng xã hội hóa các hoạt động dịch vụ. Chú trọng khai thác thị trường tiêu thụ nội địa, mở rộng thị trường nông thôn, tăng cường quản lý thị trường". Như vậy, các doanh nghiệp đang có nhiều cơ hội tự khẳng định và thể hiện văn hóa doanh nghiệp của mình, một trong những "yếu tố vàng" của thành công.
HỮU NGUYỄN