Một bức ảnh quý có bút tích Hồ Chủ tịch

19/05/2018 07:00

Đó là bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, có bút tích và chữ ký của Người tặng chiến sĩ diệt dốt Lê Huy Kiêm, nhân viên hóa nghiệm Mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng) năm 1958.


Ông Lê Huy Kiêm cẩn thận giữ gìn bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh có bút tích và chữ ký của Người


Bức ảnh được Bộ Giáo dục ủy nhiệm cho Thư ký công đoàn khu mỏ trao tặng ông Lê Huy Kiêm.

Ngót 60 năm trôi qua, bức chân dung không còn giữ được đường nét màu sắc như trước, nhưng dòng bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên vẹn. Ông Kiêm kể: Hồi ấy đa số người dân, cán bộ, công nhân, nhân viên trình độ văn hóa còn rất thấp, những người có trình độ cấp 2 rất hiếm. Bác Hồ đã phát động phong trào diệt dốt. Mọi người, nhất là lớp thanh niên có học vấn đều nhiệt tình hưởng ứng, người biết bảo người chưa biết, người biết nhiều hướng dẫn, truyền đạt lại cho người biết ít. Khắp nơi, nhất là ở những công trường, nhà máy, xí nghiệp, đâu đâu cũng có những lớp học xóa mù chữ. Hầu hết các lớp được mở vào buổi tối thứ 2, thứ 5 hằng tuần, không ít nơi tùy điều kiện cụ thể học viên, giáo viên tổ chức lớp vào cả buổi trưa và bất cứ lúc nào có điều kiện.

Ông Kiêm khi ấy đang độ mười tám đôi mươi không quản ngày đêm, điều kiện đi lại khó khăn ở khu mỏ, tận tình lên lớp. Ông thấm nhuần tư tưởng học để hiểu biết, làm người có ích cho xã hội, học để tiến bộ, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trong đó có chính bản thân và gia đình mình. Vừa dạy học tại cơ quan, ông vừa tự tìm hiểu trau dồi kiến thức nâng cao trình độ. Từ ngày ấy, cả khu mỏ đã có phong trào học tập liên tục. Rất nhiều công nhân, nhân viên, cán bộ khu mỏ sau đó đã trưởng thành, là những kỹ sư, người lao động giỏi. Bản thân ông Kiêm từ một nhân viên phòng hóa nghiệm được cử đi học lớp trung cấp hóa chất rồi học đại học. Ông luôn nhớ câu nói: mọi người vừa là thầy, vừa là học trò của nhau. Bởi những kiến thức trên giảng đường các trường đại học chuyên nghiệp mới là những hiểu biết cơ bản, còn những kinh nghiệm, cách xử lý thực tiễn lại nằm ở chính những người thợ.

Sau thời gian công tác ở Tĩnh Túc (Cao Bằng), ông Kiêm đã từng làm việc tại Nhà máy Cơ khí Đống Đa Hà Nội, sau đó nhà máy chuyển một bộ phận về Hải Dương với tên gọi Nhà máy Chế tạo bơm. Một kỷ niệm đáng ghi nhớ là việc ông đã tự tìm hiểu học tập, tìm ra cách luyện quặng boxit dưới nhiệt độ rất cao của những thanh điện cực khổng lồ chế tạo nên nguyên liệu cô-ranh-đông có độ cứng xấp xỉ kim cương. Từ những hạt cô-ranh-đông này làm ra những viên đá mài các loại rất cần trong tất cả các nhà máy, xí nghiệp lúc bấy giờ. Thành công này đã giúp ta thêm chủ động trong sản xuất cơ khí. Đá mài một loại vật tư không thể thiếu trong công nghiệp chế tạo máy, ta vẫn phải nhập của nước ngoài và luôn bị động, nay nhờ tự chế tạo ra cô-ranh-đông còn giúp ta giảm đáng kể ngoại tệ nhập khẩu đá mài.

Ông Kiêm cho biết nhờ vốn ngoại ngữ tiếng Pháp, tiếng Tiệp, tiếng Nga mà ông đã có nhiều tài liệu tham khảo quý của bạn trong sản xuất đá mài và nhiều công việc khác như mạ điện crom, niken. Việc học ngoại ngữ cũng xuất phát từ học theo Bác... Ngoại ngữ được xem như chìa khóa mở kho tàng trí thức nhân loại, Bác Hồ kính yêu là người đã đi khắp năm châu bốn biển, thông thạo rất nhiều ngoại ngữ, làm việc, học tập không mệt mỏi. Noi gương Bác, ông Kiêm thường tâm niệm bất cứ ở đâu cũng tranh thủ học hỏi nâng cao hiểu biết.  Học từ thực tiễn, học trong sách vở trong và ngoài nước.

Nay đã ở tuổi ngoài 80, hằng ngày ông vẫn thường xuyên tìm đọc các tài liệu khoa học kỹ thuật, giao lưu với mọi người, nhất là những đồng nghiệp xưa. Ham hiểu biết đã thành bản chất của một chiến sĩ diệt dốt năm xưa.

NGUYỄN ĐỨC TRÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một bức ảnh quý có bút tích Hồ Chủ tịch