Bài thơ “Ông ngoại” của Thai Sắc ra đời cách nay 18 năm (năm 2002), khi ở tuổi “Ngũ thập tri thiên mệnh”, nhà thơ được làm ông ngoại. M
Bài thơ “Ông ngoại” của Thai Sắc ra đời cách nay 18 năm (năm 2002), khi ở tuổi “Ngũ thập tri thiên mệnh”, nhà thơ được làm ông ngoại. Mà làm ông ngoại có gì lạ đâu? Đó là quy luật cuộc đời, khi con cái đến tuổi trưởng thành, có gia đình, thì việc lên chức ông ngoại cũng là điều hiển nhiên. Nhưng với Thai Sắc hình như không chỉ vậy. Có phải vì cái quy luật ấy đến nhanh quá khi nhà thơ thấy mình chưa hẳn “thành người chững chạc”, khi mà “lời yêu em” vẫn ảo mờ “bên dốc mù sương” chăng? Vậy nên, xuyên suốt bài thơ là tâm trạng vừa ngỡ ngàng, vừa rưng rưng xúc động và hình như có một chút ngậm ngùi luyến tiếc… Ở đó, có niềm vui, hạnh phúc đan xen sự bỡ ngỡ; có cả nỗi trăn trở, suy tư về bản thân mình và cuộc đời, khi bước chân của thời gian cứ đi vùn vụt.
Khổ thơ đầu là cảm xúc khó tả của nhân vật trữ tình khi được làm “ông ngoại”. Từ “bỗng” diễn tả tâm trạng vừa bất ngờ, vừa bâng khuâng vui sướng của tác giả khi lần đầu được đón đứa cháu ngoại. Cái sự kiện ấy dường như đến nhanh quá, bất ngờ quá khiến tâm trạng người ông chộn rộn, đan xen nhiều cảm xúc. Mà trên hết là nỗi xúc động được biểu đạt bằng câu thơ rất đẹp “Tay rưng rưng mở cửa mùa thu”. Ở đây, biện pháp nghệ thuật hoán dụ, nhân hóa đã diễn tả tinh tế cảm giác khó nói thành lời của nhà thơ khi được làm ông ngoại. Những tia nắng ban mai của mùa thu được phủ đầy tâm trạng qua từ “bỡ ngỡ”. Dù vậy, hình như người thơ có chút buồn khi cảm thấy bất lực trước thời gian? Không thế sao lại “Hỏi tóc phai có xanh lại bao giờ”. Tóc phai là dấu hiệu của tuổi già. Nhưng hạnh phúc được làm ông ngoại đến sớm quá, khi nhà thơ mới ở tuổi năm mươi - cái tuổi đang vào độ chín và trớ trêu là trong lòng vẫn tràn ngập lời yêu, thì việc được làm ông ngoại khiến tác giả ngờ ngợ: “Ông ngoại ư ta già chưa hỡi gió/ Mới hôm nào vừa hát ru con/ Mà hôm nay bên tao nôi ru cháu/ Ôi thời gian nước chảy đá mòn”. Mà đã được gọi là ông thì chắc phải già rồi? Thế nên, nhà thơ tự hỏi lòng, hỏi gió, hỏi thời gian và chợt ngộ ra: "Ôi thời gian nước chảy đá mòn". Sự so sánh "Mới hôm nào… Mà hôm nay", đối tượng so sánh là hai thế hệ tiếp nối con và cháu nói lên sự khắc nghiệt của thời gian, mà con người dù muốn hay không cũng không thể nào cưỡng lại được.
Nếu hai khổ thơ đầu là khoảnh khắc bâng khuâng, ngỡ ngàng của nhà thơ khi được làm ông ngoại thì hai khổ thơ cuối lại là những chiêm nghiệm, suy tư về con người và cuộc đời. Nỗi xúc động ban đầu qua đi, lắng lại, trong tâm tưởng nhà thơ là sự tự vấn: “Được làm ông có thành người chững chạc/ Mà ra đường lời chào chú nhiều hơn”. Hóa ra, việc lên chức của nhà thơ chưa biết có khiến ông trở thành người “chững chạc” hay không, nhưng chắc chắc người thơ sẽ già đi, chững chạc lên trong mắt mọi người. Việc thay đổi cách xưng hô của mọi người với ông là một minh chứng rõ ràng nhất. Nhà thơ từng chia sẻ: “Sau khi bài thơ "có vẻ đình đám" này ra đời, Thai Sắc "chết danh" từ đó. Gần như sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp đã gọi ông ngoại thay vì gọi thầy”. Sự khắc nghiệt của thời gian là điều nhà thơ luôn ý thức và càng thấm thía hơn cái mong manh của cuộc đời: “Thế mới thấm cuộc đời là sợi tóc/ Chênh vênh treo bên gió giận mưa hờn”. Đó là những câu thơ hay, hình ảnh đẹp thể hiện sự tự ý thức khi nhà thơ được mang một trọng trách mới: ông ngoại. Dường như trước điều kỳ diệu này càng làm cho nhà thơ nhìn sâu hơn vào bản thân mình và cuộc đời, rồi băn khoăn tự vấn một lần nữa: “Năm mươi tuổi đời trải nhiều chưa nhỉ”. Hỏi để mà hỏi thế thôi, chứ trong lòng nhà thơ đã có câu trả lời: “Lẽ nhân sinh đâu đã thấm ngọn nguồn”. Có thể xem đó là lời trải lòng chân thật của tác giả trước cuộc đời và thi ca. Bởi người làm thơ chân chính nào cũng hướng đến lẽ nhân sinh của cuộc đời. Mà để thấm được đến ngọn nguồn lẽ nhân sinh thì đâu phải dễ? Đó chính là cái đích phấn đấu suốt đời của mỗi nhà thơ. Bởi vậy, trước niềm vui được lên chức ông ngoại, nhà thơ tạm bằng lòng và thỏa hiệp với chính mình: “Thôi hẵng vậy cứ về làm ông ngoại”. Nhưng còn tình yêu? “Lời yêu em gửi qua dốc mù sương”. Có thể hiểu đây là lời đoạn tuyệt với tình yêu? Được làm ông ngoại ở tuổi năm mươi, nhà thơ luôn ý thức rằng mình phải “chững chạc”. Có nghĩa là “Lời yêu em gửi qua dốc mù sương” và hạnh phúc gia đình mới là quan trọng, còn tình yêu có thể coi là một thứ ảo ảnh chăng? Điều đó dù đúng, dù sai không còn quan trọng. Mà quan trọng là nhà thơ đã được làm ông ngoại.
“Ông ngoại” của Thai Sắc là một bài thơ hay, để lại nhiều dư âm trong lòng người đọc. Hay bởi nó rất đời thường, dung dị mà sâu sắc. Hay còn ở cách chọn từ ngữ, hình ảnh gần gũi mà trau chuốt. Hay còn bởi cái tình rất thật... Bên cạnh đó, bài thơ còn đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm về hạnh phúc gia đình, về trách nhiệm với thơ, với cuộc đời mà bất cứ ai, ở bất cứ xã hội nào cũng cần phải quan tâm. Đó chính là sự hấp dẫn từ “Ông ngoại”.
NGUYỄN THỊ BÌNH
Ông ngoại Bỗng một sớm ta thành ông ngoạiTay rưng rưng mở cửa mùa thu Từng tia nắng vuốt dài bỡ ngỡ Hỏi tóc phai có xanh lại bao giờ Ông ngoại ư ta già chưa hỡi gió Mới hôm nào vừa hát ru con Mà hôm nay bên tao nôi ru cháu Ôi thời gian nước chảy đá mòn Được làm ông có thành người chững chạc Mà ra đường lời chào chú nhiều hơn… Thế mới thấm cuộc đời là sợi tóc Chênh vênh treo bên gió giận mưa hờn Năm mươi tuổi đời trải nhiều chưa nhỉ Lẽ nhân sinh đâu đã thấu ngọn nguồn Thôi hẵng vậy cứ về làm ông ngoại Lời yêu em gửi qua dốc mù sương. THAI SẮC |