Phụ nữ, đặc biệt là chị em trẻ, vốn là một đề tài truyền thống của thi ca. Đã có những bài thơ ca ngợi gương mặt trái xoan, dáng đi uyển chuyển, rồi khóe mắt, nụ cười, bàn tay thon thả… Nhà thơ Huy Cận đã có một bài thơ về “mười ngón tay thon” của chị em làm nghề đánh máy chữ ở cơ quan Bộ Văn hóa. Bài thơ có nhan đề Em đánh!
Nghe cái tên, đã gợi. Từ đánh vốn đa nghĩa. Câu mở đầu như đặt ra các tình huống của một truyện ngắn đang độ cao trào:
Em đánh chồng hay em đánh con?
Vấn đề lớn quá: đánh chồng? đánh con?
Và:
Hăng say em đánh tháng năm tròn
Hai từ hăng say đã phần nào giải tỏa sự tò mò của người đọc. Khổ thơ bốn câu đầu, có tới năm từ đánh, nhưng là để ngợi ca người con gái cả đời “đánh”.
Đánh khoan, đánh nhặt, không hề
mỏi
Máu ửng đầu tay, mười ngón thon
“Máu ửng đầu tay, mười ngón thon”, một sự lao động nghề nghiệp, dẫu là công việc văn phòng, đâu có nhàn nhã gì. Nửa thế kỷ trước chưa có máy vi tính, mà đều dùng máy chữ, gõ chữ nào, chữ ấy mổ vào giấy than và hằn lên trên giấy. Người đánh máy chữ điều khiển mười ngón tay như múa. Yêu nghề, đánh các văn bản cho chính xác, là nghề nghiệp của họ. Anh bảo: Em ơi hãy nghỉ tay, là lời khuyên, sự chia sẻ của nhà thơ. Nhưng các cô gái thì:
Phận em là đánh ở đời này
Anh đừng ái ngại can ngăn nữa
Tiếng “đánh”, đời em là tiếng hay
Tác giả tỏ rõ lòng cảm phục. Bởi Văn phòng Bộ Văn hóa có bốn cô nhân viên đánh máy tên là Dung, Hạnh, Loan, Phượng, đều là tay đánh máy có nghề, “đánh đẹp vô chừng”, “ai chẳng ưng”. Nhà thơ chỉ còn biết khen: em đánh, “làm đẹp cho đời”, “mười ngón hoa bay, đẹp cả mười”. Nhà thơ - Thứ trưởng đã từng duyệt nhiều văn bản trước khi đưa xuống văn phòng, chắc cũng rất thông cảm. Có nhiều văn bản phải sửa đi sửa lại, không ít lần làm cho nhân viên đánh máy phải bối rối, luận từng câu, từng chữ. Nhà thơ chơi chữ ở mấy từ “đánh”cuối cùng:
Chỉ khổ những bài văn đáng “đánh”
Mà em cũng phải đánh em ơi!
Như một truyện ngắn, bài thơ đã được cởi nút, với sự sẻ chia chân tình của nhà thơ tài hoa.
Cần nói thêm đôi điều về xuất xứ của bài thơ Em đánh! Là thủ trưởng cơ quan, song cũng là đoàn viên công đoàn, Cù Huy Cận góp bài (ký cả họ và tên) để dán trên báo tường của Văn phòng Bộ nhân ngày 8-3-1968, mừng Quốc tế phụ nữ và kỷ niệm Hai Bà Trưng. Hết thời hạn, công đoàn bóc các bài đó đi, tác giả không còn bản thảo. Sau này, nhờ mấy cán bộ trong ngành nhớ lại (trong đó có các anh Hoàng Nguyên Ái và Thế Kỷ), bài thơ mới được ghi chép đầy đủ. Phải nói rằng đây là trường hợp không chủ định sáng tác, chỉ làm thơ theo “nghĩa vụ”, nhưng Em đánh! là một bài thơ rất Huy Cận, một bài thơ hay về đề tài phụ nữ Việt Nam .
Em đánh! Tặng các cô đánh máy ở VP Bộ 8-3-1968 CÙ HUY CẬN Em đánh chồng hay em đánh con? Hăng say em đánh tháng năm tròn Đánh khoan, đánh nhặt không hề mỏi Máu ửng đầu tay, mười ngón thon Anh bảo: Em ơi hãy nghỉ tay Phận em là đánh ở đời này Anh đừng ái ngại can ngăn nữa Tiếng “đánh”, đời em là tiếng hay Cảm ơn em đánh đẹp vô chừng Đã Dung, lại Hạnh, ai không mừng Tay em đánh đẹp như Loan, Phượng Thật đánh đường ni ai chẳng ưng! Để em đánh mãi, đẹp cho đời Mười ngón hoa bay, đẹp cả mười Chỉ khổ những bài văn đáng “đánh” Mà em cũng phải đánh em ơi! |