Đó là trường hợp bài "Tự nguyện", xuất hiện trong phong trào học sinh, sinh viên "Hát cho đồng bào tôi nghe" giữa Sài Gòn năm 1968, khi quân dân ta đang đồng loạt tổng tiến công Mỹ ngụy.
Đó là trường hợp bài "Tự nguyện", xuất hiện trong phong trào học sinh, sinh viên "Hát cho đồng bào tôi nghe" giữa Sài Gòn năm 1968, khi quân dân ta đang đồng loạt tổng tiến công Mỹ ngụy. "Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng. Nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương. Nếu là mây tôi sẽ là một vầng mây ấm. Là người tôi sẽ chết cho quê hương..."
Trước đó, vào năm 1960, một bài thơ có nội dung tương tự cũng đã ra đời tại Trường Âm nhạc Việt Nam (Hà Nội). Chả là lớp nhạc ấy quy định học viên hằng tháng phải nộp bài dán lên báo tường. Trong lớp, nhạc sĩ Hồng Đăng phụ trách báo tường, giục nhạc sĩ Thế Bảo là đã đến kỳ nộp bài. Nhạc sĩ Thế Bảo (em ruột nhà thơ Tế Hanh, sau này là PGS, TS, nhạc sĩ, từng làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc) bí quá. Ông chợt nhớ tới một bài thơ của Victor Hugo liền lấy ra "xào xáo" lại, đại ý: "Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương. Nếu là đá hãy là đá kim cương. Nếu là chim hãy là bồ câu trắng. Nếu là người hãy cháy hết mình cho tình yêu". Thế Bảo viết và nộp cho tờ báo tường của lớp. Thấy bài thơ có ý lạ, Hồng Đăng liền gửi sang báo Văn nghệ và được đăng. Bấy giờ có nhạc sĩ Trương Quang Lục (người nổi tiếng với bài "Vàm Cỏ Đông") đang là kỹ sư nhà máy hóa chất Việt Trì, đọc được bài thơ của Thế Bảo. Ông đã phổ nhạc, gửi Đài Tiếng nói Việt Nam. Đài mời ca sĩ Trung Kiên thể hiện và phát trên sóng, vang đi cả hai miền Bắc và Nam. Nhưng rồi bài hát cũng rơi vào quên lãng.
Năm 1968, bài hát của Trương Quang Lục - Thế Bảo tự nhiên "sống lại" dưới dạng ca khúc "Tự nguyện" như đã nói ở đầu bài. Người sáng tác là nhạc sĩ Trương Quốc Khánh, lúc ấy mới 21 tuổi, đang học Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, là phó trưởng đoàn văn nghệ học sinh, sinh viên. Nhớ ý bài đã nghe từ sóng phát thanh trước đây, Trương Quốc Khánh sáng tác bài "Tự nguyện" nổi tiếng. Chính nhạc sĩ Trương Quang Lục cũng nhận xét đó là bài hát có giá trị về nhạc, về lời cùng thủ pháp sáng tác đạt tới mức hoàn chỉnh. Nhạc sĩ Trương Quốc Khánh, năm 1972 rời Sài Gòn ra chiến khu, năm 1974 ra Bắc học tập và công tác. Sau ngày giải phóng miền Nam, ông trở về Sài Gòn, lần lượt giữ các chức vụ Tổng Biên tập Tạp chí Sân khấu, Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu TP Hồ Chí Minh. Ông sáng tác nhiều thể loại sân khấu và điện ảnh. Ông qua đời năm 1999 khi mới 52 tuổi, nhưng nhiều tác phẩm của ông, trong đó có "Tự nguyện" sống mãi với thời gian.
VƯƠNG BẠCH(st)