Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam có những câu chuyện xúc động về tình thầy trò đã trở thành đạo lý cao đẹp, bài học sâu sắc cho muôn đời.
Khu di tích Đại Triều là nơi thờ danh nho Phạm Tử Hư
Một trong những câu chuyện đó chính là ân tình thầy trò đặc biệt của danh nho Phạm Tử Hư. Ông là người làng Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng), tên Nôm là làng Xưa - nơi có đền Xưa nổi tiếng thờ đại danh y Tuệ Tĩnh. Phạm Tử Hư là người văn tài kiệt xuất, sống coi trọng đạo nghĩa. Ông thi đậu Thái học sinh năm Mậu Thìn (1208) đời Lý Huệ Tông, niên hiệu Kiến Gia 3 (1213), làm quan đến chức Tham tụng, Lại Bộ Thượng thư. Khi ông mất được triều đình phong Trình Quốc Công (Tể tướng). Theo tài liệu hiện còn, ông là một trong 4 vị đại khoa của tỉnh Hải Dương (Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quan, Bùi Quốc Khái, Phạm Tử Hư), được đưa vào danh sách tiến sĩ tỉnh Hải Dương thời Lý.
Không chỉ nổi tiếng trong khoa bảng xứ Đông, cuộc đời của Phạm Tử Hư, đặc biệt là ân tình của ông với thầy dạy học khi qua đời đã được lưu truyền trong sử sách. Ông theo học một nhà Nho hay chữ có tên Dương Trạm và được thầy uốn nắn chỉ bảo nhiều điều hay. Khi thầy qua đời, các học trò ly tán, riêng Phạm Tử Hư làm lều ở mộ để tang đúng 3 năm.
Câu chuyện ân tình với thầy dạy học đó đã được văn học dân gian lấy làm khuôn mẫu để giáo dục đạo lý tôn sư trọng đạo. Theo sách "Lĩnh Nam chích quái", vào thời Lý Huệ Tông có người tên Tử Hư ở xã Nghĩa Lư (Cẩm Giàng), gia đình bần hàn, dời nhà sang sinh sống ở làng Hoa Phong. Lúc nhỏ mồ côi, theo thầy là Dương Trạm (tự là Công Trực). Tử Hư rất ham học, thông minh, hiếu kính và vâng lời dạy bảo của thầy. Khi Công Trực mất, con còn nhỏ dại, không có tiền để làm đám tang, Tử Hư về nói với mẹ rằng: “Nhà thầy nghèo, con cái còn bé. Nhà ta còn được mấy mẫu ruộng?”. Mẹ nói: “Nhà ta để lại cho con tất cả 6 sào ruộng”. Tử Hư vừa khóc vừa xin với mẹ rằng: “Xin mẹ đem bán đi 2 sào, lấy tiền giúp đỡ nhà thầy”. Bà mẹ cũng khóc theo, rồi đem bán 2 sào ruộng được tất cả 30 quan tiền. Tử Hư liền đem đến giúp đỡ việc tang ma. Sau đó lại cho dựng lều bên mộ thầy, ngày đêm hương đèn cúng vái xong đến 3 năm mới trở về nhà.
Trong tác phẩm "Truyền kỳ mạn lục" của Nguyễn Dữ, mối ân tình thầy trò đặc biệt của danh nho Phạm Tử Hư cũng được ghi lại đầy xúc động trong truyện "Phạm Tử Hư lên chơi thiên tào". Câu chuyện nhằm ca ngợi những người ăn ở trung hậu với thầy và là lời răn cho những kẻ học trò bạc bẽo.
Dù trải qua hơn 800 năm song về Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ ngày nay, vẫn được nghe người trong dòng họ Phạm kể lại những giai thoại về danh nho Phạm Tử Hư. Đặc biệt, tại đây vẫn còn những hiện vật liên quan đến ông, nổi bật là đôi voi đá uy nghi án ngữ tại khu di tích Đại Triều cách di tích đình, đền Xưa khoảng 600 m về hướng nam. Di tích Đại Triều là một khoảng đất trống, trên có ban thờ lộ thiên, 2 bên là 2 voi đá liền khối theo kiểu quỳ phủ phục, màu xanh. Đôi voi đá được chạm khắc tinh xảo, mặc dù trải qua nhiều biến thiên của thời gian song vẫn vẹn nguyên. Theo các tài liệu ghi chép, khi Phạm Tử Hư mất, vua Lý Huệ Tông thương tiếc ban tặng cho đôi voi đá để thờ ở khu đất trống đầu làng, từ đó có tên gọi Đại Triều voi phục.
Theo ông Nguyễn Văn Non, Bí thư Chi bộ thôn Nghĩa Phú, Đại Triều là nơi dừng chân của các bậc đại khoa khi vinh quy bái tổ về làng. Trải qua thời gian, Đại Triều trở thành nơi tôn vinh đạo học của người trong thôn. Đôi voi phục vua ban trở thành báu vật, di sản được người dân ở đây gìn giữ từ hàng trăm năm nay. Với mục đích giữ gìn và tôn tạo các di sản mà người xưa để lại, cán bộ và nhân dân thôn Nghĩa Phú đã chung tay tôn tạo khu di tích Đại Triều trên diện tích hơn 400 m2 với kinh phí hơn 100 triệu đồng. Công trình được hoàn thành tháng 10 vừa qua đã trở thành một di tích lịch sử độc đáo tưởng nhớ danh nho Phạm Tử Hư.
NGỌC HÙNG