Là "cái nôi" của môn vật cổ truyền nhưng mấy năm gần đây số người tham gia luyện tập, thi đấu môn này ở xã Nhân Huệ (Chí Linh) ngày càng ít.
Đô vật Nhân Huệ tham gia giải vật lèo ở Giải vật dân tộc lễ hội đền Cao (Chí Linh) năm 2018
Từ lâu, xã Nhân Huệ (Chí Linh) đã được nhiều người say mê võ thuật truyền thống biết đến vì là "cái nôi" của môn vật cổ truyền. Nhưng những năm gần đây, số người tham gia luyện tập võ vật ở đây đang dần thưa thớt.
Một thời vang bóng
Theo lời kể của một số cụ cao niên trong xã, môn vật xuất hiện ở Nhân Huệ từ hàng trăm năm nay. Trẻ em lớn lên được ông cha dạy lại hoặc theo tập ở các sới vật trong làng, xã. Thậm chí có gia đình cả ba thế hệ đều là đô vật.
Ngày xưa, để chuẩn bị cho mỗi giải vật, các gia đình đều dành thời gian cho các đô vật luyện tập. Những đô vật giành giải cao được dân làng trọng vọng. Không chỉ tham gia đấu vật ở hội làng, các đô vật của Nhân Huệ còn đi khắp các vùng trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận để thi tài. Ở giải nào họ cũng giành thành tích cao, tạo tiếng vang về vùng đất sản sinh nhiều đô vật giỏi.
Đã có một số đô vật đạt đẳng cấp quốc gia như Bùi Chí Cường, Đặng Văn Thắng, Bùi Văn Sỹ... Ông Bùi Văn Mến (54 tuổi), huấn luyện viên đội vật của xã Nhân Huệ cho biết: “Vào mỗi dịp lễ hội, địa phương thường tổ chức các giải đấu thu hút rất đông đô vật trong xã và các vùng lân cận đến tranh tài”.
Người tập ít dần
Mặc dù là vùng đất nổi tiếng về môn võ vật nhưng khoảng 3 năm gần đây, số người luyện tập môn võ này tại Nhân Huệ ngày càng ít. Việc giữ gìn tinh hoa môn võ vật cổ truyền ở đây đang gặp nhiều khó khăn.
Toàn xã hiện chỉ còn khoảng vài chục người biết vật, phần lớn là những cựu đô vật đã lớn tuổi. Riêng đội tuyển vật của xã chỉ còn hơn chục đô vật luyện tập. “Ngày trước, số người biết vật ở quê tôi đông lắm. Hầu hết nhà nào cũng có người biết vật. Những năm gần đây, do cuộc sống mưu sinh, thanh niên trong làng bận học hành, đi làm ăn xa hoặc làm công nhân nên không có thời gian luyện tập, số người tập luyện cũng thưa dần. Vì thế nhiều người không còn mê vật như trước”, ông Mến cho biết thêm.
Cũng chính vì lý do này mà lực lượng vận động viên vật của xã tham gia các giải đấu trong thời gian qua cũng không ổn định và ngày càng ít đi. Từ năm 2015 trở về trước, đoàn vật của xã thường xuyên duy trì từ 12-13 người tham gia các giải vật nhưng 2 năm trở lại đây chỉ còn lại 3 người tham gia.
Việc mở lớp vật cho lứa tuổi thiếu niên cũng gặp không ít khó khăn vì các cháu có nhiều sự lựa chọn và thường thích các môn thể thao khác. Năm 2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp kinh phí cho địa phương mở lớp vật dân tộc cho lứa tuổi thiếu niên để xây dựng đội ngũ đô vật kế cận. Qua rà soát đã lựa chọn được 22 em đủ tiêu chuẩn nhưng chỉ có 18 em theo học. Đến khi kết thúc khóa học kéo dài 3 tháng, chỉ còn 11 em tham gia luyện tập.
Ông Quán Dương Hưng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao thị xã Chí Linh cho biết: “Ngoài việc thiếu nguồn tuyển chọn vận động viên, khó khăn về kinh phí cũng là một trở ngại không nhỏ. Năm 2017, toàn bộ kinh phí tập luyện, trang bị, bồi dưỡng huấn luyện viên, vận động viên chỉ vỏn vẹn có 10 triệu đồng được trích từ nguồn của trung tâm và ngân sách địa phương”.
Để tinh hoa võ vật truyền thống của Nhân Huệ không bị mai một, ngành văn hóa và chính quyền các cấp cần quan tâm dành kinh phí phù hợp để thường xuyên mở các lớp dạy vật cho thanh thiếu niên. Địa phương cũng cần nỗ lực tuyên truyền, khích lệ niềm đam mê vật trong giới trẻ nhằm xây dựng lực lượng kế cận.
ĐỨC TÂM