Tuy là môn thể thao mới nhưng do đầu tư đúng hướng nên các vận động viên Wushu của Hải Dương đã sớm thu “quả ngọt“...
|
Đội tuyển Wushu tỉnh đã chọn những nội dung và hạng cân ít tỉnh, thành phố nào trong nước đầu tư nên tạo thành thế mạnh riêng
|
Ở tỉnh ta môn Wushu tuy mới được phát triển vài năm nay nhưng đã nhanh chóng gặt hái được thành công và có những đóng góp quan trọng vào thành tích của thể thao tỉnh.
Khắc phục khó khănNăm 2011, với mục tiêu tiếp tục giành thành tích cao ở Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc lần thứ VII, Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh mở rộng quy mô, phát triển thêm 10 môn thể thao mới, trong đó có Wushu.
Thời gian đầu, công tác đào tạo, huấn luyện môn Wushu gặp không ít khó khăn. Năm 2012, đội tuyển Wushu của tỉnh chính thức bắt tay vào tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, với 10 vận động viên (VĐV), trong đó có 1 VĐV từ đội tuyển Pencak Silat chuyển sang, còn lại được tuyển chọn mới. Huấn luyện viên (HLV) của đội cũng không phải người chuyên sâu mà từ đội tuyển Pencak Silat chuyển sang.
Anh Nguyễn Đức Huấn, HLV đội tuyển Wushu cho biết: "Khi được nhận nhiệm vụ sang huấn luyện đội tuyển Wushu, tôi khá lo lắng, vì đây là công việc hoàn toàn mới. Tuy cũng là một môn võ nhưng đòn đánh, thể thức thi đấu của Wushu khác nhiều so với môn trước đây tôi huấn luyện. Để nâng cao trình độ, khả năng đào tạo, huấn luyện, tôi được cử đi học, tập huấn. Ngoài ra, chúng tôi còn đến các đơn vị có môn Wushu phát triển, nhất là đội tuyển quốc gia để "tầm sư học đạo" và xem cả băng đĩa, chương trình thi đấu trên ti vi, mạng internet. Do đó, qua mỗi chu kỳ huấn luyện, mỗi giải đấu, chất lượng đào tạo, huấn luyện lại được nâng cao thêm một bước".
Không giống như những môn võ khác, môn Wushu thi đấu trên khán đài và các VĐV ghi điểm nhiều bằng đòn vật ngã, đẩy đài. Thời gian tập luyện ở địa phương, do chưa có đài, VĐV chủ yếu tập đòn đẩy đài bằng cách đẩy qua thảm tập. Vì thế, những lần đầu tham gia giải, VĐV của tỉnh khá bỡ ngỡ, lúng túng về thể thức, không gian thi đấu. Để khắc phục khó khăn này, hằng năm, đội tuyển liên tục được đi tập huấn, tham gia tất cả các giải để thích nghi với điều kiện, nâng cao kỹ thuật, tâm lý thi đấu. Đội liên tục tập huấn cùng đội tuyển Wushu quốc gia với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ HLV có trình độ cao nên các VĐV nhanh chóng hoàn thiện các kỹ thuật thi đấu.
VĐV Đỗ Minh Cửu cho biết ngoài những bài tập của ban huấn luyện, anh còn tự tìm tòi, học hỏi thêm để nâng cao kỹ thuật, khả năng thi đấu. Những đợt tập huấn dã ngoại, anh và đồng đội luôn cố gắng khai thác triệt để điều kiện cơ sở vật chất, từng bước đáp ứng yêu cầu thi đấu.
Gặt hái thành côngBằng sự cố gắng, nỗ lực của ban huấn luyện, của từng VĐV, môn Wushu của tỉnh đã từng bước khẳng định tên tuổi trên đấu trường quốc gia và đoạt nhiều thành tích cao.
Ngay trong mùa giải đầu tiên tham gia thi đấu, các VĐV của tỉnh đã giành được 2 huy chương bạc (HCB), 2 huy chương đồng (HCĐ) ở Giải vô địch trẻ quốc gia năm 2012. Tuy chưa có được huy chương vàng (HCV) nhưng kết quả trên đã khẳng định việc phát triển môn Wushu là đúng hướng. Sau đó, ở các giải vô địch trẻ, giải cúp, giải vô địch quốc gia, các VĐV của Hải Dương liên tục đạt được thành tích cao. Đặc biệt tại Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc lần thứ VII, Wushu giành được 1 HCV do công của VĐV Đỗ Minh Cửu (hạng 75 kg). Đây là tấm HCV có ý nghĩa rất lớn đối với đoàn Hải Dương. Vì Wushu là một trong những môn thi đấu cuối cùng của đại hội và thời điểm ấy, sự cạnh tranh huy chương, vị trí trên bảng tổng sắp của các đoàn rất quyết liệt. Nhờ tấm HCV này mà đoàn Hải Dương đã vượt lên giữ vị trí thứ 7 toàn quốc.
Khi được hỏi về cảm xúc giành được HCV ở đại hội, VĐV Đỗ Minh Cửu chia sẻ: "Trước khi vào trận đấu, tôi rất hồi hộp và lo lắng, vì đây là lần đầu tiên có mặt ở trận chung kết của đại hội, cộng thêm sức ép về thành tích. Nhưng được sự động viên của mọi người, tôi nhanh chóng lấy lại tinh thần bình tĩnh và tự tin thực hiện những đòn đánh sở trường là đá cầu vồng, vật ngã đối thủ".
Để gặt hái được thành tích cao trong những năm qua, đội tuyển đã đầu tư phát triển nội dung tán thủ (thi đấu đối kháng) và tập trung vào những hạng cân từ 65 kg trở lên của VĐV nam, vì có ít đơn vị trên toàn quốc đi theo hướng này. Ngoài ra, một nhân tố quan trọng đem đến thành công là sự khắc phục khó khăn, kiên trì luyện tập của các VĐV.
VĐV Vũ Văn Quang vừa giành được 1 HCV hạng 65 kg ở Giải vô địch trẻ toàn quốc năm 2015 kể: "Do ở nội dung đối kháng và dùng nhiều đòn tay, chân nên trong thời gian tập luyện, thi đấu, VĐV hay bị chấn thương, nhất là ở những đòn vật ngã, đối luyện nhưng không vì thế chúng tôi chùn bước. Ngoài những giờ tập cùng đội, chúng tôi thường tập thêm các bài bổ trợ như chạy cự ly trung bình, tập tạ để nâng cao thể lực, sức bền, sự dẻo dai".
Thời gian tới, ngoài những hạng cân đang có, đội tiếp tục mở rộng đào tạo, huấn luyện thêm những hạng cân thấp hơn để thi đấu ở các giải trong khu vực. Hiện nay, đội tuyển Wushu mong muốn được đầu tư cho một đài võ để công tác đào tạo, huấn luyện chủ động hơn và VĐV có nhiều thời gian rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật thi đấu.
Hiện nay, đội tuyển Wushu tỉnh có 12 VĐV (10 nam, 2 nữ). Từ năm 2012 đến nay, đội giành được 5 HCV, 7 HCB, 8 HCĐ tại các giải đấu cấp quốc gia. Hiện có 2 VĐV của đội được triệu tập vào đội tuyển quốc gia là Nguyễn Văn Cường và Hoàng Văn Hiệp.
|
DANH TRUNG