Món chè đỗ đen của mẹ

25/08/2019 17:01

Ký ức rưng rưng đưa tôi trở về ngày đang còn ở quê, cũng mùa gió Lào rát bỏng, mẹ nấu những nồi chè đỗ đen ngon tuyệt!

Cô bạn phòng bên từ quê lên khệ nệ mang một ba lô đầy ắp quà quê. Cả xóm trọ rôm rả, xúm lại tranh thủ có thể chôm được đồ gì thì chôm. Đó là truyền thống của xóm trọ tôi mỗi khi ai đó từ quê lên. Chẳng phải vì chúng tôi lộn xộn, nghèo khát đến nỗi giành giật quà của bạn mình. Mà tất thảy chỉ thể hiện sự tinh nghịch, tình nghĩa bạn bè, anh em trong xóm trọ thân thiết với đa phần sinh viên nghèo như vậy. Chẳng một ai câu nệ, khách sáo bởi từ lâu chúng tôi coi nhau như những người thân trong gia đình. Trong mớ quà quê lỉnh kỉnh nào là trứng gà, bí đỏ, ngô nếp, khoai lang, cải bắp, mướp hương, lạc... tôi chú ý tới bọc đỗ đen. Giữa thời tiết nắng nóng mà có một bát chè đỗ đen để ăn thì còn gì bằng. Ký ức rưng rưng đưa tôi trở về ngày đang còn ở quê, cũng mùa gió Lào rát bỏng, mẹ nấu những nồi chè đỗ đen ngon tuyệt! 

Ở quê tôi cây đỗ đen dễ trồng lắm. Cứ đầu tháng hai âm lịch mẹ lại ra vườn xới đất tra hạt. Chưa đầy ba tháng sau cây đỗ lớn lên ra hoa và kết quả. Quả đỗ đen khi chín có màu đen nhạt, rất dễ nhận thấy. Mẹ hái quả chín phơi dưới nắng cho đến khi khô giòn thì bắt đầu tách hạt. Hạt đỗ phơi khô được bảo quản trong hũ sành hoặc sứ, dùng qua năm này đến năm khác mà không hề sợ bị hư hỏng. Trước ngày gặt lúa, mẹ nấu nồi chè đỗ đen sẵn từ đêm trước để nguội. Buổi trưa hôm sau đi gặt về, mua thêm túi đá lạnh nữa là có bát chè đỗ đen tuyệt hảo. Trước khi nấu mẹ rửa đỗ thật sạch, ngâm qua nước lạnh cho hạt mềm đi cũng như loại bỏ được nước chát từ đỗ. Mẹ chỉ đổ nước xâm xấp. Đợi khi nước sôi mẹ mới cho nước vào thêm và đun đến khi hạt mềm, bở thì thôi. Đó là bí quyết của mẹ để hạt đỗ nhanh mềm và bở hơn. Sau khi ninh đỗ thật nhừ, bở tơi mẹ nhấc xuống bếp và bắt đầu cho đường vào. Bát chè đỗ đen nếu có thêm ít sợi dừa, chút đậu phộng rang giòn thì ngon hơn nữa. Còn không thì ăn riêng chè đỗ với đá lạnh cũng quá tuyệt vời. Chè đỗ đen mẹ nấu ăn đến no thì thôi, chứ không có chuyện ăn một bát đã ngán.

Vào những đêm trăng mùa hạ, thảnh thơi mẹ cũng nấu chè đỗ đen cho cả nhà. Thi thoảng có các cô chú hàng xóm ghé chơi ở lại ăn chè, nói chuyện rôm rả đến khuya mới về. Tình làng nghĩa xóm được hàn gắn từ bát chè đỗ đen dân dã như vậy. Mẹ tôi tuy làm ruộng nhưng nhiều lúc tôi tưởng chừng mẹ là một thầy thuốc uyên bác với một kho tàng kiến thức y khoa. Nhờ mẹ mà tôi biết được hạt đỗ đen là một trong những loại ngũ cốc có tính lành, nhiều công dụng. Hạt đỗ đen chứa nhiều chất xơ, có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chống oxy hóa. 

Khi lên phố tôi có dịp thưởng thức lại món chè đỗ đen. Chè đỗ đen ở phố được thêm nhiều nguyên liệu như thạch đen, trân châu, nước cốt dừa... nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn thấy bát chè đỗ đen nguyên chất của mẹ là ngon nhất. Phải chăng mẹ còn gửi gắm tình yêu thương vào trong đó? Tình yêu thương mẫu tử thiêng liêng mà chỉ có những người con mới cảm nhận được!

Tản văn của TĂNG HOÀNG PHI

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Món chè đỗ đen của mẹ