Phong trào luyện tập, thi đấu cầu lông ở Hải Dương phát triển khá mạnh nhưng thành tích thi đấu môn thể thao này ở các giải đấu còn hạn chế.
Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức nhiều giải đấu cầu lông để tuyển chọn các vận động viên có tố chất
Phong trào rộng khắp
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong tỉnh hiện có khoảng 350 câu lạc bộ cầu lông lớn, nhỏ khác nhau, với hàng nghìn người luyện tập mỗi ngày. Hằng năm có trên 600người tham gia các giải thi đấu cấp tỉnh và khoảng 1.000 người thi đấu các giải cấp huyện. Một số câu lạc bộ như Cầu lông 360 (TPHải Dương) và Nhà Thiếu nhi tỉnh có đông người tham gia. Các địa phương có phong trào luyện tập cầu lông sôi nổi là Bình Giang, Cẩm Giàng, TP Hải Dương, TP Chí Linh…
Ông Trịnh Công Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện thể thao tỉnh cho biết: Chi phí để luyện tập môn cầu lông không quá lớn, đây cũng là môn dễ chơi. Có gia đình cả 3 thế hệ cùng chơi môn thể thao này. Vì vậy, các địa điểm tập luyện cầu lông phát triển rộng khắp từ nhà văn hóa thôn, khu dân cư đến sân tập của các cơ quan nhà nước, trường học, doanh nghiệp, thậm chí là sân của nhà dân. Các giải thi đấu cầu lông được tổ chức thường xuyên nhân dịp chào mừng các sự kiện của tỉnh, ngành hay trong các lễ hội, sự kiện của địa phương thu hút nhiều người tham gia. Phong trào còn phát triển mạnh trong các cơ sở giáo dục hay thông qua các khóa học cầu lông từ tỉnh đến địa phương. Dịp hè năm nay, chỉ riêng TP Hải Dương đã thu hút trên 1.000 lượt người tham gia các khóa học cầu lông.
Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều giải đấu khác nhau, điển hình có Giải cầu lông trẻ thiếu niên - nhi đồng tỉnh thu hút lực lượng vận động viên (VĐV) trẻ hùng hậu tham gia. Qua các giải đấu đã phát hiện được các VĐV có tố chất và khả năng đạt thành tích cao như Đoàn Thị Hạnh, Phạm Trần Bảo Huy, Nguyễn Hải Thanh Phong, Hứa Duy Cảnh.
Ông Thắng cho biết thêm hiện bộ môn cầu lông của tỉnh có 8 VĐV, trong đó có 3 VĐV tập luyện ở đội tuyển trẻ quốc gia. Thành tích tốt nhất của các VĐV thi đấu tại các giải lớn trong nước là huy chương bạc đơn nam, huy chương đồng đơn nữ ở Giải cầu lông các cây vợt thiếu niên trẻ xuất sắc toàn quốc 2018; huy chương đồng đội nam ở Giải vô địch cầu lông các nhóm tuổi toàn quốc năm 2017; huy chương vàng đơn nữ ở Giải Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2016. Tại Giải cầu lông các cây vợt thiếu niên trẻ xuất sắc toàn quốc 2019, đoàn Hải Dương không giành được huy chương nào.
Kinh phí đầu tư quá thấp
Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện thể thao tỉnh Nguyễn Văn Chinh, môn cầu lông cũng như các môn thể thao khác, nếu muốn phát triển cần phải đầu tư có chiều sâu và bài bản, phụ thuộc nhiều yếu tố. Ngoài các cơ chế chính sách, cử VĐV tham gia các giải đấu tầm cỡ để cọ xát thì khâu phát hiện nhân tố rất quan trọng, tiếp đến là cơ sở vật chất và chế độ tập luyện, chế độ dinh dưỡng, huấn luyện viên... Trong khi đó, kinh phí hằng năm cho bộ môn cầu lông của tỉnh chỉ vỏn vẹn 150 triệu đồng là quá thấp so với yêu cầu phát triển và so với nhiều địa phương khác.
Hiện các VĐV bộ môn cầu lông của tỉnh đang tập luyện ở sân thuê của Nhà Thiếu nhi tỉnh, phải phụ thuộc, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng luyện tập. Trang thiết bị tập luyện chưa đáp ứng đủ nên chất lượng chuyên môn không đạt yêu cầu. Trong quá trình tập luyện, cước căng vợt phải thay 1 lần/tuần nhưng ở đây phải hơn 1 tháng mới thay. Mỗi ngày 1 VĐV cần 3 quả cầu để tập luyện nhưng hiện chưa có đủ 1 quả cầu/người/ngày.
Chế độ dinh dưỡng cho VĐV được 150.000 đồng/ngày khi đi thi đấu. Nhiều lúc huấn luyện viên phải bỏ tiền cá nhân để hỗ trợ thêm. Môn cầu lông chưa có nhà tài trợ, công tác xã hội hóa gần như chưa có. Một số gia đình phải hỗ trợ thêm kinh phí cho con em mình đi thi đấu. Trong khi đó, hoàn cảnh của đa số gia đình các VĐV khá khó khăn. Tư tưởng huấn luyện viên có phần bị ảnh hưởng do chế độ ưu đãi hạn chế và làm việc hợp đồng. Đó là chưa kể kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu của các tay vợt còn thấp do ít tham gia các giải đấu tầm cỡ. Hơn nữa, trước ngày đi thi đấu VĐV mới được thuê sân và mua đúng loại cầu để tập. Số lượng VĐV hiện quá ít, mức độ cọ xát không nhiều dẫn đến chất lượng thi đấu không cao.
Thiếu các lớp nghiệp dư gây khó khăn cho tuyển chọn VĐV. Việc phát hiện nhân tố đã khó nhưng giữ chân VĐV còn khó hơn. Điều này có sự ảnh hưởng trực tiếp từ chính gia đình các VĐV. Khi đào tạo được 1 VĐV gần đến độ chín thì một số gia đình lại xin về để theo ngành nghề khác.
Để môn cầu lông mang về những thành tích cao, thời gian tới tỉnh nên quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện. Nâng cao chế độ cho VĐV và huấn luyện viên, tuyển thêm huấn luyện viên để huấn luyện các cấp độ khác nhau. Đầu tư kinh phí thỏa đáng để các tay vợt tham gia thi đấu nhiều giải lớn nhằm tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện bản lĩnh...
THẾ ANH