Phóng viên Báo Hải Dương đã "mục sở thị" khu vực triển khai dự án nhà máy sản xuất phân bón và hạt nhựa tái sinh tại khu đất khoảng 1,3 ha ở xã Cẩm Định (nay là Định Sơn, Cẩm Giàng) và phát hiện ra nhiều điều khuất tất ở đây.
Toàn bộ diện tích trong nhà máy đang được sử dụng để tập kết, tái chế phế liệu
Khu nhà xưởng được quây kín với tổng diện tích hàng nghìn m2 nằm trên khu đất cạnh đường tỉnh 194C thuộc địa bàn xã Định Sơn (Cẩm Giàng) hoạt động "bí ẩn" khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn trong thời gian qua.
Thâm nhập vào bên trong, chúng tôi ngỡ ngàng khi toàn bộ khu đất này được sử dụng làm nơi tập kết, phân loại và tái chế các loại phế liệu. Không ai nghĩ rằng khu đất này là địa điểm thực hiện dự án nhà máy sản xuất phân bón vi sinh.
Mục sở thị bãi phế liệu “khủng”
Vào quán nước ven đường tỉnh 194C thuộc địa bàn thôn Tân An, xã Định Sơn, chúng tôi tình cờ nghe một số người dân bàn tán xôn xao về nhà máy cách đó vài trăm mét, có nhiều nhà xưởng xập xệ hoạt động "bí ẩn”. Chỉ tay về phía nhà máy, chủ quán nước nói trong hoài nghi: "Nhiều năm nay, khu vực đó thường xuyên phát sinh mùi lạ, có thời điểm mùi khét nồng nặc, khi thì mùi chua, ẩm mốc bốc lên”. Từng có kinh nghiệm hơn 10 năm lái xe tải chở hàng cho một số doanh nghiệp từ cảng Hải Phòng về một số huyện của Hải Dương, Hưng Yên, anh B.Q.H. ở thôn An Điềm A, xã Định Sơn nhận định nhiều khả năng các nhà xưởng này tái chế nhựa. “Khu vực đó thường xuyên có xe tải lớn chở hàng bọc kín ra vào, đặc biệt là ban đêm. Nhiều khả năng là rác thải nhựa được các lái xe chở về từ cảng Hải Phòng. Đây là rác thải bị Trung Quốc cấm nhập khẩu, đang được tuồn về Việt Nam để tái chế. Tôi đã từng chở phế liệu nhựa từ cảng Hải Phòng về cho một số đơn vị trong tỉnh”, anh H. nói thêm.
Để làm rõ những nghi ngờ của người dân, nhóm phóng viên đã tìm hiểu, theo dõi nhiều ngày và tìm cách đột nhập vào bên trong khu vực nhà máy. Theo quan sát của chúng tôi, dù không có công trình xây dựng nào xung quanh nhưng nhiều đống cát, đá lớn được đổ dọc theo tường rào của nhà máy, che lấp một phần biển tên của doanh nghiệp. Qua tìm hiểu của chúng tôi, đây là Nhà máy sản xuất phân vi sinh của Công ty CP Việt Tiên Sơn. Theo dõi từ bên ngoài, cổng nhà máy này luôn đóng kín và chỉ mở vừa đủ khi có xe tải ra vào.
Trong vai người có nhu cầu tìm thuê mặt bằng kho bãi cho doanh nghiệp, chúng tôi được một người phụ nữ trung tuổi tên Hương làm việc bên trong nhà máy này cho vào và giới thiệu một số vị trí. Một người phụ nữ khác làm việc ở đây cho biết: “Nếu tìm thuê nhà xưởng để chứa rác thải nhựa thì rất phù hợp vì mặt bằng ở khu này rộng. Các cô muốn thuê kho bãi cứ làm việc với bà Hương. Chúng tôi không biết chủ doanh nghiệp là ai nhưng bà Hương làm quản lý ở đây. Con trai bà ấy đứng sau, sắp xếp khu vực cho thuê”. Sau khi trao đổi, lấy số điện thoại để liên hệ thuê nhà xưởng, chúng tôi được đi tham quan các khu vực trong khuôn viên nhà máy.
Ngay từ cổng vào, rác thải nhựa gồm nhiều loại như túi nilon, bao tải, ống nhựa, dây cao su, vải vụn, xốp… chất đống hoặc vứt ngổn ngang từ ngoài sân vào bên trong các nhà xưởng. Bên cạnh những dãy nhà cấp 4 được cho là văn phòng làm việc thì có nhiều nhà xưởng quây tôn đã cũ. Bên trong các nhà xưởng đều được sử dụng để chứa phế liệu và không có hệ thống bảo đảm an toàn về phòng chống cháy nổ. Mỗi xưởng chứa một loại phế liệu khác nhau, chất thành từng đống cao gần đến nóc. Thẳng cổng nhà máy đi vào là nhà xưởng chứa rác thải nhựa công nghiệp, phía bên phải là 3 nhà xưởng liền nhau với diện tích mỗi xưởng cả nghìn m2. Trong đó có 2 xưởng chứa phế liệu nhựa, 1 xưởng chứa và tái chế vải vụn. Nhiều nhóm công nhân liên tục phân loại nhựa, bốc vải vụn cho vào máy nghiền. Mùi nhựa xen lẫn mùi rác thải và bụi bẩn khiến bầu không khí trở nên ngột ngạt. Trong khuôn viên nhà máy có hồ nước đen kịt.
Sau khi lân la hỏi chuyện, chúng tôi được một công nhân làm việc ở đây giới thiệu, toàn bộ các nhà xưởng của nhà máy đã được các đơn vị thuê lại để chứa và tái chế phế liệu. Các xưởng của người Việt Nam thuê chỉ để phân loại rác thải sau đó bán lại cho các đơn vị khác, còn xưởng của người Đài Loan thuê chuyên để nấu, tái chế hạt nhựa. Tuy nhiên không rõ vì lý do gì, mấy ngày trước doanh nghiệp này đã chuyển máy móc, thiết bị đi nơi khác, tạm đóng cửa, dừng hoạt động.
Khi phát hiện có dấu hiệu đáng ngờ, bà Hương đi theo và yêu cầu chúng tôi ra ngoài.
Vật liệu xây dựng tập kết phía ngoài cổng công ty, che lấp một phần tên doanh nghiệp và dự án
“Hô biến” dự án phân vi sinh
Qua tìm hiểu của phóng viên, khu tập kết phế liệu “siêu khủng” này có nguồn gốc ban đầu là dự án nhà máy xử lý phế thải chăn nuôi thành phân hữu cơ, được tỉnh phê duyệt từ năm 2004. Dự án rộng khoảng 1,3 ha tại xã Cẩm Định (nay là Định Sơn). Mục tiêu mỗi năm nhà máy sẽ xử lý 6.000 tấn phế thải chăn nuôi để thu hồi 4.000 tấn phân hữu cơ. Nhà máy có tổng mức đầu tư hơn 16,8 tỷ đồng, trong đó có hơn 11 tỷ đồng từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Cộng hòa Séc, hơn 4 tỷ đồng của Công ty CP Việt Tiên Sơn, còn lại là vốn đối ứng của ngân sách nhà nước. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh là chủ đầu tư, Công ty CP Việt Tiên Sơn tiếp nhận đưa công trình vào sử dụng, tổ chức thực hiện dự án theo quy định.
Năm 2006, Công ty CP Việt Tiên Sơn đã tiếp nhận, vận hành nhà máy. Sau khi đi vào hoạt động, việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, nhà máy bị thua lỗ kéo dài nên năm 2015 Công ty CP Việt Tiên Sơn đã đề xuất điều chỉnh giảm quy mô sản xuất phân hữu cơ và đầu tư bổ sung dây chuyền sản xuất hạt nhựa. Tháng 6.2016, UBND tỉnh đã có văn bản chấp thuận cho Công ty CP Việt Tiên Sơn sử dụng 1.704 m2 nhà xưởng của nhà máy để sản xuất hạt nhựa với quy mô 5.000 tấn/năm trong thời hạn 5 năm; yêu cầu công ty phải sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, máy móc thiết bị hiện đại và tuân thủ các quy định của pháp luật, không gây ô nhiễm môi trường.
Đầu năm 2017, Công ty CP Việt Tiên Sơn tiếp tục có hồ sơ đề xuất thực hiện nhà máy sản xuất phân bón và hạt nhựa tái sinh với quy mô sản xuất mỗi năm 4.000 tấn phân bón hữu cơ và 5.000 tấn hạt nhựa tại khu đất nhà máy này với thời hạn 25 năm. Tháng 4.2017, UBND tỉnh đã có quyết định chủ trương đầu tư dự án. Dự án được tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) vào tháng 8.2017. Tuy nhiên, công ty chỉ tái chế nhựa từ nguồn phế liệu và cho doanh nghiệp khác thuê mặt bằng, nhà xưởng.
Có khuất tất khi lập dự án?
Điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm tại dự án này là việc tỉnh chấp thuận đầu tư cho ngành nghề đã bị hạn chế, tạm dừng thu hút đầu tư. Từ tháng 2.2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 423/QĐ-UBND về việc ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư và tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh từ năm 2015. Trong đó sản xuất nhựa tổng hợp có sử dụng nguyên liệu đầu vào là phế liệu thuộc danh mục các dự án tạm dừng thu hút đầu tư.
Qua tìm hiểu của phóng viên, việc sản xuất hạt nhựa của Công ty CP Việt Tiên Sơn được chấp thuận do trong quá trình đề xuất đầu tư dự án, công ty này cam kết sử dụng nguyên liệu nhựa đầu vào là nguyên liệu sạch, không có nguyên liệu bẩn. Trong hồ sơ đề xuất dự án, công ty thuyết minh quy trình sản xuất hạt nhựa bằng công nghệ khô của Đức. Nguyên liệu đầu vào là nhựa PE, PP, HD được nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và các nguồn trong nước. Tuy nhiên, khi phóng viên tìm hiểu quy trình sản xuất hạt nhựa tại hồ sơ công ty trình thẩm định ĐTM tại Sở Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện có sự khác biệt trong quy trình công nghệ, nguồn nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, tại hồ sơ báo cáo ĐTM, công ty này mô tả quy trình sản xuất hạt nhựa từ phế liệu nhựa PP, PE và PET với 2 quy trình công nghệ khô và ướt. Trong đó nguyên liệu nhựa đầu vào được nhập khẩu từ Đài Loan, Nhật Bản và các nguồn trong nước. Sau khi phân loại, bóc tách tem mác, nguyên liệu bẩn được sản xuất theo công nghệ ướt. Trong khi hồ sơ đề xuất dự án không có những thông tin này.
Sau khi có phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhà máy này, tháng 4.2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty CP Việt Tiên Sơn. Qua kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra các vi phạm tại dự án như chưa đầu tư đầy đủ các công trình xử lý môi trường theo báo cáo ĐTM được duyệt, chưa có giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành, đốt lưới tạo hạt nhựa không có trong báo cáo ĐTM được duyệt...
Phóng viên làm việc với lãnh đạo UBND xã Định Sơn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Giàng thì thấy các cơ quan này không biết hoạt động sản xuất cụ thể của doanh nghiệp tại khu đất thực hiện dự án do một số hạn chế trong thẩm quyền quản lý doanh nghiệp.
Xem clip
PHAN KHÁNH