Mối tình đầu của ông tôi

23/07/2016 07:44



Minh họa: VĂN HÀ


Đầu tháng vừa rồi mấy đứa chúng tôi năn nỉ:

- Chúng cháu biết rồi đấy ông nhá, ông đừng giấu chúng cháu, bà đã kể hết rồi.

- Biết gì mới được chứ?

- Mối tình đầu của ông ấy.

- Tưởng gì chứ, điều đó thì ông kể ngay thôi, mà ông muốn còn kể cho nhiều người nghe nữa ấy chứ.

*


Ngày ấy, tôi đang cầm phấn nắn nót tên một bài giảng văn trên bảng "Dáng đứng Việt Nam", bỗng tin đến như sét đánh: "Hoan hy sinh rồi". Viên phấn rời khỏi tay. Buốt nhói trong tim, tôi lặng người đi, ôm ngực rời khỏi bục giảng, tưởng như ngạt thở. Ngồi một lúc, lấy lại bình tĩnh rồi đứng dậy: "Không, không, tôi không tin, em đang là nguồn hy vọng của đời tôi. Em không thể chết".

Ngồi trên chiếc xe Thống Nhất, tôi đạp như bay trên đoạn đường đá cộn lên đường 5. Gió đông bắc thổi ngược chiều như bão. Cứ thế tôi cúi đầu rạch gió về phía phà qua sông Kinh Thầy. Cũng như mọi lần, trong lúc đợi phà tôi ngước nhìn về phía ngọn núi xa, nơi ấy là quê em. Nhà em ở chân núi núp dưới rặng tre xanh, phía trước là hàng cau bóng lá la đà, ấp ủ làn khói lam chiều. Ðã mấy lần tôi leo núi kiếm củi, hái hoa núi cùng em. Ðôi mắt ấy, chiếc răng khểnh và đôi lúm đồng tiền ấy, cả hương hoa trong người em thoang thoảng… Cô em xóm núi rực rỡ quyến rũ tôi làm sao. Em nhảy từ mô đá này sang mô đá khác, chuyền từ cành cây này sang cành cây khác. Em cười: "Em là chim sáo mà anh, người xóm núi thường gọi em như vậy". Hoa núi cài trên mái tóc. Dải tóc lúc tung bay, lúc quấn lấy tấm thân óng ả mềm mại.

- Ðố anh bắt được em?

Tôi nhẩy theo, mệt nhoài nhưng chẳng thể gần em được. Ðúng là chim sáo thật rồi, con chim sáo yêu quý của anh. Chỉ đến lúc em dừng lại, tôi đến bên bỗng dâng trào khát vọng, muốn ôm trọn em trong vòng tay. Tôi nắm tay em. Và… Nhưng em đã nhẹ nhàng rút bàn tay thon thả mát rượi ra khỏi tay tôi rồi lùi một chút, đưa tay che mặt khi đã bừng đỏ: "Ðể dành chứ anh, chúng mình phải dành dụm không phung phí được". Tôi hiểu rằng chưa đến lúc chín muồi, em phải giữ gìn. Và chính sự từ chối đáng yêu đó khiến tôi càng yêu em, trân trọng em, em càng hấp dẫn với tôi. Em bảo phải dành dụm, dành dụm… Có lẽ cho một ngày nào đó tôi sẽ được thỏa mãn ngụp lặn trong em...

Ấy vậy mà hôm nay một vành mây trắng ôm lấy đỉnh núi như một vành khăn tang, những hàng cây cúi đầu vật vã trước cơn gió đầu mùa. Có phải là đất trời cũng chia sẻ nỗi đau cùng tôi.

Bà mẹ ôm chầm lấy tôi rồi buông tay đổ sầm xuống. Mãi sau mẹ mới thổn thức: "Chính ơi, con ơi, cái Hoan đã bỏ mẹ, bỏ con rồi!". Tôi nén lòng vực mẹ lên ghế. Mẹ mở hòm lấy chiếc ba lô đưa cho tôi: "Ba lô của em đây. Người chỉ huy trận đánh hôm đó đã cử chiến sĩ của mình đưa về tận nhà cho mẹ". Tôi ôm lấy chiếc ba lô màu xanh phòng không có thêu hai chữ  "Chính - Hoan" bằng chỉ vàng, như đang ôm em vào lòng. Hơi ấm, mùi hương quen thuộc nồng nàn của em ngày nào đang trỗi dậy, tràn ngập trong tôi. "Có chiếc hộp nó gửi cho con đấy. Ngoài niêm phong và ghi rõ: Chỉ có anh Chính mới được mở thôi. Mẹ và các em giữ gìn cẩn thận, con mở ra xem đi!". Tôi run run bóc lớp giấy dán ngoài rồi mở nắp hộp. Trời, tôi lặng người. Dải tóc mượt bóng ngát hương của em gửi cho tôi. Mái tóc đó đã có lần tôi vuốt chải cho em. Em biết tôi rất yêu mái tóc của em. Chiếc lược làm bằng vỏ đạn cũng khắc hai chữ "Chính - Hoan". Tôi mở nhanh bức thư. Ôi nét chữ như còn ướt mực: "Anh yêu, ngày mai em vào trận. Ðây là trận thứ bao nhiêu em không nhớ. Nhưng trận đánh này rất lớn và chắc chắn là ác liệt. Em cứ viết sẵn mấy dòng. Em về được thì coi là bức thư kỷ niệm, không về được thì anh coi như lời trăng trối của em. Nhưng không đâu, nhất định em sẽ về với anh. Anh yêu! Không có gì thay đổi, ngày hòa bình thống nhất chúng mình sẽ cưới nhau. Em sẽ dành ngàn, vạn nụ hôn cho anh…". Tôi cúi mặt vào bức thư để đựng dòng nước mắt đang tuôn chảy. Và tôi cũng chẳng kìm nén làm gì, cứ để cho dòng nước mắt chảy, hòa vào nét chữ từ chính bàn tay, gan ruột của em viết ra. Ðược khóc em hết nước mắt âu cũng là để giãi bày cõi lòng chân thực của tôi với em.

Mãi tới lúc ông mặt trời sắp lặn xuống sông Kinh Thầy tôi mới bừng tỉnh và xin phép mẹ ra về. Mẹ giữ tôi ở lại để chia sẻ nỗi buồn cùng mẹ, nhưng ngày mai trường tôi mở hội giảng mà tôi lại là người chủ trì. Tôi gỡ bàn tay mẹ ra về…

Tôi đứng trên bờ đê nhìn xuống chiếc phà uể oải giữa dòng đang hướng về bờ kia. Lại lỡ phà rồi. Tôi tự nói một mình. Bỗng có ai đó thúc giục, níu kéo tôi đi dọc bờ đê đến chỗ có bụi cây giữa vạt bông lau trắng đang lắc đầu trước gió và từng mảng lục bình hoa tím xô đẩy dưới dòng nước đỏ ngầu nỗi nhớ: "Ngồi xuống đây với em, cả đêm nay nữa. Mai em đi rồi chẳng còn biết khi nào em lại được ngồi bên anh". Hoan ngả vào lòng tôi không chút giữ gìn như mấy lần trước. Tôi ôm ghì em vào lòng ngụp lặn trong suối tóc mềm mại ngan ngát hương chanh và gương mặt có đôi môi đỏ thắm cùng em ngây ngất tưởng như đang sống ở thế giới huyền diệu nào.

...Bỗng có bàn tay nào lay nhẹ vai tôi: "Dậy, dậy đi, lúc nào cũng Hoan, em Hoan. Nằm với vợ mà cứ mơ người khác. Vâng, em biết, em làm sao bằng Hoan của anh được!". Thì ra tôi đang nằm mơ. Bừng tỉnh, tôi nói vài câu trí trá với vợ: "Em mới chính là Hoan của anh, em là hiện thân của Hoan đang sống bên anh đấy chứ". Vợ tôi cười khùng khục: "Thôi đi ông, chỉ khéo biện bạch. Thế này được không. Không phải chỉ mình ông mơ chị ấy mà chính em, đêm nào chị ấy cũng về bên em". Tôi reo lên nho nhỏ: "Ðã bảo mà, em là hình ảnh của Hoan". Vợ tôi véo vào tai tôi: "Ðược thể lắm phải không? Thôi thế này, em bàn với anh: vợ chồng mình thu xếp công việc, hè này dành hẳn một tháng theo địa chỉ của bác Tôn đại tá đã hướng dẫn để vào nghĩa trang Tây Ninh đón hài cốt chị Hoan về, cũng là thực hiện lời trăng trối của mẹ chị ấy trước lúc qua đời". Ôi, tôi xúc động nghẹn ngào. Vợ tôi, vợ yêu của tôi: "Em có tấm lòng thơm thảo cao cả đến vô cùng. Chính em là Hoan, Hoan của anh đây!".

Chúng tôi lên xuống xe không biết bao nhiêu chặng để đến nghĩa trang Tây Ninh. Khi đưa hài cốt của Hoan lên, vợ tôi ôm lấy hình hài của Hoan khóc nức nở: "Chị Hoan ơi, hôm nay vợ chồng em đón chị về  miền đất xứ Ðông đây, sống khôn chết thiêng chị phù hộ cho chuyến đi an toàn, suôn sẻ". Thật lạ kỳ, một con chim sáo từ cao vụt xuống ríu rít bên chúng tôi. Tôi mừng, đưa tay vẫy: "Có phải Hoan đó em, con chim sáo xóm núi của anh. Nay vợ chồng anh đón em về bên mẹ". Bỗng xuất hiện chiếc com-măng-ca ghé sát cổng nghĩa trang. Một đại tá xuống xe, tự xưng: "Tôi là Phan Ðông, Tỉnh đội trưởng, người chỉ huy trận đánh, chứng kiến tinh thần chiến đấu hy sinh anh dũng của chị Hoan ngày ấy". Vợ chồng tôi vui hẳn lên khi có mặt của người sĩ quan đã từng chung chiến hào với Hoan bấy giờ. Anh mau mắn bảo vợ chồng tôi: "Anh chị mau chuyển chị Hoan lên xe đi. Biết gia đình vào chuyển hài cốt chị Hoan về quê, tỉnh cử tôi đem xe đón gia đình và chị Hoan về tận quê. Lẹ tay lên đi". Chiếc xe chuyển bánh. Chim sáo lúc nãy chao mình mấy vòng rồi bay về hướng bắc như người dẫn đường cho chúng tôi.

Trên dọc đường xe ra Bắc, người đại tá kể tỉ mỉ cho chúng tôi về 5 năm Hoan có mặt ở đơn vị. Chuyện anh kể thì dài, trên trang viết ngắn này tôi chỉ nêu vắn tắt.

Từ Bắc hành quân vào, y sĩ Trần Thị Hoan được giao phụ trách một bệnh xá của sư đoàn. Bọn Mỹ, ngụy thường xuyên ném bom, đột kích bệnh xá, do đó bệnh xá cũng thường xuyên phải di chuyển địa điểm. Thương binh có lúc lên đến hàng trăm. Hoan phải trực tiếp cầm dao, kéo mổ xẻ, băng bó, có lúc thức liền ba bốn ngày đêm. Có nhiều trận Hoan trực tiếp cầm súng đánh địch bảo vệ thương binh, cõng thương binh xuống hầm hoặc sơ tán nhanh khi có máy bay thám báo. Mình cô đã diệt hàng chục tên địch, hai lần bị thương được phong là dũng sĩ, kết nạp Ðảng ngay tại trận địa. Ðó là trận lớn, cấp sư đoàn mở chiến dịch, bệnh xá của Hoan di chuyển bám sát đơn vị. Vào chiến dịch được ba ngày, thương binh khá nhiều, suốt ba ngày ấy nhân viên bệnh xá không một phút ngơi nghỉ. Ðêm đó địch tập kích bệnh xá. Hoan chỉ huy cả tiểu đội bảo vệ thương binh, vừa đánh địch cho đến khi có đơn vị bạn chi viện, cũng là lúc các chiến sĩ bệnh xá hết đạn, hai y tá và một bảo vệ hy sinh, còn Hoan bị trọng thương. Máu ra nhiều, biết mình không còn sống nữa, cô chỉ hỏi về chiến thắng của sư đoàn trong trận đánh, hỏi về mấy đồng đội vừa hy sinh và dặn đồng đội nhớ báo tin cho mẹ Hoan biết rằng cô đã hoàn thành nhiệm vụ, xin lỗi anh Chính vì đã không trọn lời hẹn ước, rồi cô nhắm mắt trên tay đồng đội.

Xóm núi ùa ra bám chặt khi chiếc xe chở hài cốt Hoan chưa kịp tắt máy. Cả làng, cả xóm khóc Hoan. Lúc đó vợ chồng tôi cũng không kìm được xúc động. Lễ đón hài cốt liệt sĩ Trần Thị Hoan được tổ chức rất long trọng tại hội trường xã và nghĩa trang liệt sĩ. Con chim xóm núi lại xuất hiện, rúc rích trên đài cao, trong làn khói hương lan tỏa. Vợ chồng tôi thắp thêm tuần hương, đặt bó hoa núi lên mộ Hoan rồi xin phép địa phương và gia đình ra về. Trên đường chúng tôi đèo nhau về phà Mây, vẫn con chim sáo ấy dẫn đường. Mãi khi chúng tôi sang phà, chim mới chịu quay về xóm núi để bắt đầu cuộc đời tái sinh như vợ chồng tôi cầu mong.

*

Bấy giờ cầu Phú Lương bị không quân Mỹ bắn phá ngày đêm, người đi lại thường qua sông bằng những con đò nhỏ. Tôi học bồi dưỡng nghiệp vụ bên huyện Gia Lộc thường qua đò Neo vào chiều thứ bảy và chủ nhật. Hôm đó đã chiều muộn, tôi dong xe xuống bến thì gặp em đang đợi đò: "May quá có anh là hai, em đỡ sợ qua đò một mình". "Em về đâu?". "Em về thị trấn Thanh". "Tôi cũng về đó đây, em về nhà ai?". "Em về thực tập công tác y tế". Vậy là đúng rồi, hôm tuần trước ông bệnh viện trưởng sang trường tôi hỏi nhờ chỗ ở cho năm y sĩ về thực tập. Tôi đồng ý và xếp ở chung với mấy cô giáo. Tôi bèn vui vẻ: "Thế là tôi với em cùng đường rồi đó, tôi sẽ đèo em đến tận chỗ ở". Em sung sướng reo lên: "Em may thế. Nếu không, em cuốc bộ về đến đó thì đêm mất". Chúng tôi xuống đò, chiếc đò nan chòng chành. Nước sông mùa mưa ngầu đục, sôi réo cuốn theo cành cây, bèo rác vun vút lao đi khi chiều đã gần tắt nắng. Ông lái đò nhảy lên bờ dòng dây kéo ngược thuyền lên một đoạn xa, lợi dụng dòng chảy mới sang sông. Chỉ còn cách bờ chừng vài chục mét, bị cuốn đúng vào dòng xoáy thuyền lúng liếng lượn quanh, chúng tôi lảo đảo. Bỗng em trượt chân lao xuống dòng xoáy, nước tràn vào thuyền nghiêng ngả. Em chơi vơi thoắt ngụp, thoắt nhô đầu tóc lên. "Cứu. Cứu...", tôi hét lên rồi nhảy ùm xuống lao tới túm được tóc em, một tay bơi, hai chân đạp nước thục mạnh vào bờ. Tôi đặt em nằm ngửa, lập tức mút mũi, làm các động tác sơ cứu người ngạt nước như đã được hướng dẫn. Ông lái đò chưa hết kinh hoàng, dốc sức kéo được thuyền và chiếc xe đạp của tôi vào bờ vội chạy xô đến chỗ chúng tôi. Ông bảo ông không sợ chết mà sợ khách đò chết. Em tỉnh nhanh, ôm lấy tôi, khóc: "Em tên là Hoan, hôm nay không có anh, em không còn được về với mẹ".

Những ngày Hoan thực tập, em và tôi trở nên thân thiết rồi hai đứa yêu nhau. Em đưa tôi về xóm núi, giới thiệu tôi với mẹ: "…Ðấy, con đã kể với mẹ, không có anh Chính, con không còn được về với mẹ". Bà mẹ hết sức xúc động, từ chỗ hốt hoảng đến chỗ sung sướng: "Ôi, thật là hú vía, phúc đức cho mẹ con tôi!". Bà cụ xởi lởi hỏi tôi về quê quán, gia đình. Hình như bà đọc được trong ý tứ cả tôi và em Hoan, bà vui vẻ: "Sau khi thực tập xong, nhờ anh xin cho em ở lại bệnh viện và nếu gia đình không chê tôi nghèo, tôi sẽ gả cái Hoan cho anh đấy. Nó là con nghé ngốc nghếch, nhờ anh vực giúp". Hoan có vẻ nghiêm túc: "Chưa được đâu mẹ ạ, con còn phải phấn đấu nhiều mới lấy chồng… Còn anh Chính thì…". Tôi biết em nói câu đó chỉ là để "rào đón" có chút khách khí thôi.

Bỗng có lệnh, chiến trường kêu gọi. Ba mươi y, bác sĩ vào chiến trường gấp. Em bùi ngùi lên xe với bao lời ước hẹn, dặn dò. Xe đã nổ máy em còn bíu lấy tay tôi. Tay em và tay tôi xoắn chặt lấy nhau cho đến khi xe chuyển bánh, bàn tay em mới rời nhẹ, xa dần. Lên đến đường 5, cánh tay trắng ngần của Hoan vẫn còn vẫy mãi và sau này bàn tay ấy cứ vẫy mãi trong tôi trong mỗi bữa ăn, giấc ngủ và sẽ còn vẫy mãi trong cả đời tôi.

*


Nghe xong câu chuyện ông tôi kể, mấy đứa cháu chúng tôi đều xúc động: "Vậy thì, bà ơi, ông ơi, ngày giỗ bà Hoan tới, gia đình mình lên thăm mộ bà". Hình như lời đề nghị của chúng tôi trúng với ý nghĩ của ông bà nhà tôi vui vẻ: "Các cháu nghĩ thế là phải: Uống nước phải nhớ đến nguồn. Các cháu cứ chuẩn bị hương nến, hoa tươi, quả ngọt đi, ông bà lo xe chục chỗ ngồi, đi cả nhà".

Truyện ngắn của NGUYỄN LONG NHIÊM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mối tình đầu của ông tôi