Những ngày lễ, Tết, tại các khoa 2 Bệnh viện Tâm thần và Khoa Nội 4 Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số bệnh nhân nhập viện lại tăng cao, nhất là những bệnh nhân liên quan tới sử dụng rượu.
Sau nhiều ngày điều trị, anh L. vẫn hôn mê do xơ gan nặng kèm đông máu
Tại Khoa Nội 4 Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhiều bệnh nhân xơ gan nặng do rượu, xuất huyết tiêu hóa phải nằm điều trị. Nhiều bệnh nhân sử dụng rượu với nền bệnh xơ gan nặng nên tiên lượng tử vong cao. Gia đình anh Nguyễn Xuân L. (38 tuổi, ở Hiệp Lực, Ninh Giang) sống trong cảnh thấp thỏm đứng ngồi không yên. Ngày 23-1, anh L. nhập viện với các biểu hiện đau bụng, mệt và được chẩn đoán xơ gan dẫn tới rối loạn đông máu. Đây là một trong số hàng trăm bệnh nhân xơ gan nặng do sử dụng rượu lâu năm và quá nhiều đang nằm cấp cứu tại Khoa Nội 4 Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Thạc sỹ Lê Quang Đức, Trưởng khoa Nội 4 Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Những ngày Tết, Khoa Nội 4 luôn là khoa trọng điểm với số lượng bệnh nhân nằm điều trị đông. Trong ngày 29 Tết, khoa có tới gần 50 bệnh nhân nằm điều trị chủ yếu liên quan tới tiêu hóa và rượu. Trung bình những ngày Tết có trên 10 bệnh nhân liên quan tới rượu vào điều trị, thậm chí ngày cao điểm lên tới trên 20 bệnh nhân.
Không chỉ gây biến chứng với các bệnh trong nội tạng, sử dụng rượu quá lâu với số lượng nhiều sẽ ảnh hưởng tới não bộ và thần kinh. Tại khoa 2 Bệnh viện Tâm thần, những năm trở lại đây, lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý thần kinh do rượu nằm điều trị tăng nhanh, chiếm tới 1/6 số bệnh nhân đang điều trị nội trú. Năm 2016, bệnh viện tiếp nhận điều trị 520 ca bệnh rối loạn tâm thần do tác hại của rượu. Nhiều bệnh nhân ảo giác, hoang tưởng, sảng rượu, rất khó khăn cho các cán bộ bệnh viện trong khi điều trị. Anh Nguyễn Ngọc T. (41 tuổi, ở cụm 6, thị trấn Gia Lộc) đã sử dụng rượu trên 20 năm. Từ lúc làm thợ xây uống cho vui, dần dà thành nghiện và phụ thuộc vào rượu. Mất ngủ triền miên, gần đây anh T. mắc ảo giác với các hình ảnh kinh dị trong đầu như giết người, ma tà đến bắt và cứ nửa đêm lại phá khóa cửa ra ngoài đường… Anh T. được gia đình đưa đến Bệnh viện Tâm thần điều trị, hiện sức khỏe đã tiến triển tốt và ý thức được những tác hại từ rượu.
Anh Nguyễn Ngọc T. đã dần ý thức được tác hại từ rượu
Thạc sỹ Ngô Lê Phong, Trưởng khoa 2 Bệnh viện Tâm thần cho biết: “Theo khảo sát của bệnh viện, tỷ lệ, cơ cấu người bệnh điều trị bệnh lý do rượu đứng hàng thứ hai sau các bệnh tâm năng suy nhược. Người bệnh vào bệnh viện điều trị do bệnh tình đã nặng phát hiện ra bệnh mới được gia đình đưa đến, nên việc điều trị khá khó khăn. Đại đa số các triệu chứng ban đầu không được mọi người quan tâm để ý, đó là khả năng tăng dung nạp rượu. Do sử dụng rượu thường xuyên nên uống nhiều dần và không thấy biểu hiện say. Giai đoạn tiếp theo người dùng rượu đang uống bình thường tự nhiên uống ít dần, thậm chí không uống được rượu, người thấy mệt mỏi, ốm đau. Các triệu chứng tiếp đến đó là người dùng rượu mất ngủ, bồn chồn lo lắng, vã mồ hôi, chân tay bứt rứt, nhiều lúc thấy mỏi nhức như có dòi bò trong người… mới được gia đình đưa đi bệnh viện. Đây là những dấu hiệu người bệnh mắc tâm thần và dần sẽ gây ảo giác khiến việc điều trị khó khăn và tốn kém.”
Uống rượu quá nhiều không chỉ tổn hại sức khỏe, mang các mầm bệnh nan y, nhiều trường hợp tham gia giao thông gây nên những tai nạn thảm khốc. Việc sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, rượu giả, rượu pha cồn gây ngộ độc cấp tính thậm chí tử vong do rượu.
Để bảo đảm sức khỏe và phòng ngừa các bệnh do rượu gây ra, trước mỗi cuộc vui, mỗi người hãy tự ý thức rằng không nên sử dụng rượu bia quá nhiều. Có như vậy mới giữ tinh thần tỉnh táo hơn trong những ngày xuân, để có được niềm vui trọn vẹn bên gia đình và người thân.
ĐỨC THÀNH