Mỗi người dân tự phòng bệnh sốt xuất huyết

03/08/2017 16:10

Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố.


Tại Hải Dương đã ghi nhận 31 trường hợp bệnh nhân vãng lai mắc SXH, trong đó, riêng tháng 7, ca bệnh vãng lai đã tăng đột biến với 24 trường hợp (cả năm 2016 chỉ có 6 ca vãng lai mắc). 

Một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát được cho là do người dân còn chủ quan, xem thường bệnh SXH, chưa chủ động thay đổi thói quen trữ nước, loại bỏ các vật phế thải là nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH.

Được biết, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tiến hành điều tra dịch tễ các hộ xung quanh khu vực nhà bà Lê Thị Quạt ở thôn Khánh Mậu, xã Thanh Thủy (Thanh Hà), người đầu tiên mang mầm bệnh SXH có yếu tố nội tỉnh cho thấy các chỉ số véc-tơ truyền bệnh SXH đều cao vượt quá ngưỡng cảnh báo. Chính quyền, các đoàn thể đã vận động nhân dân phát quang bụi rậm, tổng vệ sinh môi trường; Đài Truyền thanh xã đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh. Tuy nhiên, nhiều người dân nơi đây vẫn còn xem nhẹ tới sự nguy hiểm của bệnh SXH và các yếu tố phát sinh mầm bệnh. Một số hộ dân xung quanh nhà bà Quạt còn rất nhiều chum, vại, chai lọ chứa nước đọng lâu ngày không được thau rửa và lật úp.

Thực tế không ít người cho rằng phòng bệnh SXH là việc của ngành chức năng, đặc biệt là ngành y tế. Chỉ khi ngành y tế vào cuộc phun thuốc muỗi, các cơ quan, đoàn thể ra quân tổng vệ sinh môi trường ở những điểm nghi ngờ có dịch, người dân nơi đó mới bắt tay vào dọn vệ sinh nhà mình. Trong khi đó, việc phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm cần phải thực hiện hằng ngày chứ không phải đợi nhắc nhở mới thực hiện. Chính tâm lý chủ quan, thờ ơ với việc phòng chống nên những năm trước một số ổ dịch ở các phường Tân Bình, Thanh Bình (TP Hải Dương) đã tái diễn mỗi khi đến mùa dịch.

Bên cạnh đó, hiện nay không ít người còn hiểu sai về đường lây SXH và cho rằng bệnh lây giống như ho gà, cảm cúm nên chỉ cần cách ly với người bệnh là không bị mắc. Bệnh SXH không lây trực tiếp bằng con đường hô hấp hay dịch tiết của người bệnh mà nó được lây truyền qua muỗi vằn. Loài muỗi này hút máu người bệnh SXH, sau đó chích người lành sẽ làm cho người lành mắc bệnh. Người từng mắc bệnh SXH vẫn có thể mắc lại và có nguy cơ bệnh nặng hơn.

Thời gian qua, ngành y tế liên tục đưa ra những khuyến cáo phòng chống bệnh SXH. Thông điệp "không có loăng quăng sẽ không có bệnh" liên tục được phát đi và biện pháp hữu hiệu nhất để diệt loăng quăng (bọ gậy) chính là từ mỗi người dân. Loại bỏ môi trường sinh sôi của loăng quăng ngay trong ngôi nhà của mình, ở môi trường xung quanh sẽ khiến muỗi truyền bệnh SXH không còn đường sinh sôi, phát triển.

Trước tình trạng xuất hiện nhiều bệnh nhân vãng lai mắc SXH về tỉnh ta, trong khi bệnh chưa có vaccine, không có thuốc đặc trị thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh cho mình, góp phần ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.

NGUYÊN THẢO (TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Mỗi người dân tự phòng bệnh sốt xuất huyết