Sáng 18-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2014-2015.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tại Hội nghị
Ông Phạm Viết Muôn (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp) cho biết, theo các đề án đã phê duyệt, do 3 năm 2011-2013 đạt thấp nên số doanh nghiệp cổ phần hóa còn lại trong hai năm 2014-2015 là 432 doanh nghiệp, bình quân mỗi năm 216 doanh nghiệp. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế mới phù hợp, khả thi để bán, giao, giải thể, phá sản 22 doanh nghiệp. Đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt gần 22 nghìn tỷ đồng đã xác định. Xây dựng lộ trình chặt chẽ, khả thi để thoái những khoản đầu tư không hiệu quả, có thể phải bán dưới mệnh giá.
Ông Muốn nói để cổ phần hóa được 432 doanh nghiệp như nhiệm vụ đề ra còn lại cho hai năm 2014-2015, cần thực hiện giải pháp đột phá. Thủ tướng Chính phủ, các bộ, địa phương theo thẩm quyền phê duyệt và có quyết định chuyển thành công ty cổ phần tất cả các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa đã phê duyệt và chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ.
Những doanh nghiệp có điều kiện IPO, thì thực hiện IPO theo quy định hiện hành. Những doanh nghiệp chưa có điều kiện IPO ngay, thì chuyển thành công ty cổ phần với các cổ đông là nhà nước, tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, tổ chức công đoàn, người lao động, cổ đông chiến lược (nếu có) hoặc các cổ đông tự nguyện khác. Tùy điều kiện cụ thể ở mỗi doanh nghiệp loại này, Nhà nước có thể giữ cổ phần tuyệt đối lớn.
“Giải pháp này không phải là hình thức, chạy theo số lượng. Mục tiêu là thay đổi hình thức pháp lý doanh nghiệp, đa dạng hóa sở hữu, góp phần dân chủ hóa kinh doanh, tạo hàng hóa sẵn sàng cho thị trường khi có điều kiện thì đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư”, Ông Muôn khẳng định.
Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho rằng cần có chỉ đạo tập trung, quyết liệt đối với những đơn vị có nhiều doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa nhưng kết quả kém. Đặc biệt là: TP.HCM (77 doanh nghiệp), Hà Nội (49 doanh nghiệp), Hải Phòng (15 doanh nghiệp), Bình Đình (7 doanh nghiệp), Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch (16 doanh nghiệp), Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản (8 doanh nghiệp), Tổng công ty hàng hải Việt Nam (11 doanh nghiệp). Các đơn vị trên chiếm 183/432 doanh nghiệp cổ phần hóa của cả nước, việc hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp ở các đơn vị này có tác động quan trọng đến kết quả chung.
Bộ trưởng các bộ quản lý ngành, chủ tịch UBND tỉnh, thành, chủ tịch HĐTV tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả tái cơ cấu DNNN thuộc phạm vi phụ trách. Đồng thời xử lý nghiêm, cách chức, miễn nhiệm, điều chuyển lãnh đạo DN không nghiêm túc thực hiện, thực hiện không có kết quả tái cơ cấu DNNN và nhiệm vụ chủ sở hữu giao trong quản lý, điều hành DN.
Trong tháng 2-2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết về thoái vốn DNNN, định hướng cho thoái vốn dưới mệnh giá sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư tài chính theo quy định; chuyển nhượng các khoản đầu tư tại công ty cổ phần chưa niêm yết có giá trị lớn theo mệnh giá; phương thức thoái vốn, lựa chọn tổ chức tài chính trung gian; thoái vốn đầu tư tại các công ty đại chúng thua lỗ...
Sau khi nghe các đại biểu phát biểu, chiều 18-2 Thủ tướng Chính phủ sẽ kết luận Hội nghị.
V.V.THÀNH (Tuổi trẻ)