Thị trường

Mỗi lượng vàng miếng giảm hơn 1 triệu đồng

T.H (theo VnExpress) 16/12/2024 11:50

Mỗi lượng vàng miếng giảm hơn 1 triệu đồng, trong khi nhẫn trơn cũng hạ hơn nửa triệu.

gia-vang-giam.jpg
Hiện mỗi lượng vàng nhẫn cao hơn đầu năm khoảng 33%

Sáng 16/12, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng tại 82,6 - 85,1 triệu đồng, giảm 1,2 triệu một lượng so với cuối tuần. Bốn ngân hàng quốc doanh hạ giá bán vàng miếng SJC xuống 85,1 triệu đồng.

Vàng nhẫn trơn cũng đi xuống nhưng với biên độ thấp hơn. SJC niêm yết giá loại này tại 82,6 - 84,3 triệu đồng, giảm 700.000 đồng chiều mua vào và 400.000 đồng bán ra. DOJI báo giá vàng nhẫn 24K tại 83,5 - 84,6 triệu, còn PNJ là 84,3 - 84,4 triệu đồng một lượng.

Một tháng trở lại đây, giá vàng trong nước không biến động mạnh và thường giao dịch kém hơn vùng đỉnh 4-5 triệu đồng một lượng. Hiện mỗi lượng vàng nhẫn cao hơn đầu năm khoảng 33%, còn hiệu suất vàng miếng hơn 15%.

Trên thị trường quốc tế, mỗi ounce vàng neo quanh 2.652 USD, quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank tương đương 81,5 triệu đồng một lượng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện khoảng 3-3,6 triệu đồng.

Thời gian qua, người dân thường khó khăn khi mua vàng miếng và nhẫn trơn tại các thương hiệu lớn. Doanh nghiệp thường trong tình trạng khan hàng, trừ một vài thời điểm gần đây nhiều người có xu hướng chốt lời, khiến cung - cầu trên thị trường cân bằng hơn.

Trong dự báo mới nhất của Goldman Sach, đơn vị này cho rằng căng thẳng thương mại sẽ leo thang khi ông Donald Trump nhậm chức vào đầu năm sau, có thể kéo nhu cầu vàng lên cao. Kim loại quý khả năng đạt 3.000 USD một ounce vào 2025.

Bên cạnh đó, lo ngại về sự bền vững của chính sách tài khóa của Mỹ cũng giúp kim loại quý tăng giá. Goldman Sach nhấn mạnh các ngân hàng trung ương, đặc biệt là những nước nắm nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ, có thể chọn tăng mua vàng.

Đưa ra các chính sách phù hợp để ổn định thị trường vàng

Tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, thị trường vàng của Việt Nam biến động thời gian qua cũng là diễn biến chung của các nước trên thế giới. Từ năm 2014 đến năm 2019, thị trường vàng Việt Nam tương đối ổn định và nhu cầu mua vàng của người dân giảm. Nhưng từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao, theo đó, giá vàng trong nước cũng tăng theo. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến tháng 6/2024, Ngân hàng Nhà nước chưa can thiệp.

Từ tháng 6/2024, giá vàng thế giới lập đỉnh cao, chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước tăng cao. Do đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt. Trên cơ sở pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu. Trong bối cảnh giá vàng lập đỉnh cao và tâm lý kỳ vọng của thị trường cũng rất cao, Ngân hàng Nhà nước đã cân nhắc qua 9 phiên đấu thầu, đây là giải pháp khá hiệu quả.

Để thực hiện thu hẹp nhanh khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế ở mức cao theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang phương án bán vàng SJC trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước. Do đó, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế từ khoảng 15-18 triệu đồng/lượng đến nay chỉ còn khoảng 3-4 triệu/lượng.

Chỉ rõ diễn biến vàng tiếp tục phức tạp, khó lường, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết nước ta không sản xuất vàng nên việc can thiệp tùy thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu vàng quốc tế. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường để đưa ra các chính sách phù hợp để ổn định thị trường vàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới ở mức phù hợp.

T.H (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỗi lượng vàng miếng giảm hơn 1 triệu đồng