Mỗi lá phiếu gửi gắm niềm tin và hy vọng

22/05/2016 08:10

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ diễn ra vào hôm nay 22-5-2016.


Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý; nó là một dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thật sự làm chủ nước nhà. Nhân dân ta đã đấu tranh lâu dài và anh dũng, đã hy sinh biết bao xương máu trong cách mạng và trong kháng chiến mới giành được và giữ được quyền dùng lá phiếu ấy. Vì vậy, đối với lợi ích chung của Tổ quốc cũng như đối với lợi ích riêng của mỗi người, đồng bào cử tri phải làm tròn nhiệm vụ của mình tức là phải nhắc nhủ nhau hăng hái đi bỏ phiếu ngày tổng tuyển cử”.

Xác định rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử lần này, trong suốt những tháng qua, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở đã khẩn trương, tích cực chuẩn bị cho công tác bầu cử. Trong đó, mấu chốt của công tác này là chuẩn bị về mặt nhân sự. Qua các hội nghị hiệp thương một cách dân chủ, khách quan, chất lượng, danh sách chính thức những người ứng cử để bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021 đã hoàn tất.

Khi đã có những thông tin rõ ràng về những ứng cử viên, mỗi cử tri cần phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm của mình, nghiên cứu kỹ các thông tin liên quan đến từng người trong danh sách ứng cử để có được lá phiếu xác đáng nhất trong ngày hội toàn dân 22-5 tới. Đó là cách tốt nhất để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, phát huy quyền làm chủ của mình trong xây dựng bộ máy cơ quan công quyền và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Bởi những người được lựa chọn vào Quốc hội không chỉ là người mang tiếng nói của cử tri đến nghị trường, mà còn là những người sẽ quyết định bầu ra, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo trong bộ máy cơ quan Nhà nước, quyết định nhiều vấn đề khác liên quan tới tổ chức bộ máy Nhà nước, hoạch định chính sách, pháp luật và quyết định tất cả những vấn đề hệ trọng của đất nước…

Vì thế, việc hiểu rõ về nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong bầu cử sẽ giúp cử tri nâng cao tinh thần trách nhiệm công dân bầu chọn người tiêu biểu nhất bầu vào cơ quan quyền lực các cấp...

Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đó cũng là những tư tưởng chỉ đạo trong việc tổ chức bầu cử, thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta. Trong đó nguyên tắc phổ thông thể hiện tính toàn dân và toàn diện trong bầu cử; nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử là một nguyên tắc nhằm bảo đảm tính khách quan, không thiên vị để mọi công dân đều có khả năng như nhau khi tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào. Nguyên tắc bầu cử trực tiếp là việc cử tri trực tiếp đi bầu cử, tự bỏ lá phiếu của mình vào hòm phiếu để lựa chọn người đủ tín nhiệm vào cơ quan quyền lực Nhà nước.

Có thể khẳng định rằng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đồng thời cũng đòi hỏi trách nhiệm của mỗi công dân. Mỗi cử tri khi tham gia bầu cử không những là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với đất nước.

NGUYỄN THANH(TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Mỗi lá phiếu gửi gắm niềm tin và hy vọng