Mọi con mắt đang đổ dồn về Triều Tiên

10/10/2014 09:32

Hôm nay 10-10 là ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên. Cả thế giới đang hướng về đây xem có sự xuất hiện của ông Kim hay không sau hơn 1 tháng ông này biến mất bí ẩn...


Việc vắng mặt thời gian gần đây làm dấy lên nhiều đồn đoán về nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bị bệnh hoặc mất quyền kiểm soát đất nước. Trong ảnh: Ông Kim thăm một bệnh viện ở Thủ đô Bình Nhưỡng hồi tháng 6-2014

Nhiều đồn đoán

Hơn một tháng qua, nhà lãnh đạo trẻ 31 tuổi Kim Jong-un của Triều Tiên đã biến mất một cách bí ẩn trước công chúng, sau khi xuất hiện với hình ảnh bước tập tễnh trên truyền hình khiến dư luận dấy lên những đồn đoán về sức khỏe và thậm chí là cả tính mạng của ông này.

Trong bối cảnh đó, phiên họp Quốc hội của Triều Tiên ngày 25-9 vừa qua, nhà lãnh đạo trẻ tuổi này cũng không tham dự. Tại phiên họp đó, ông Hwang Pyong-so được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên - người có quyền lực thứ 2 chỉ sau nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Những đồn đoán tiếp tục được đẩy lên khi tối 4-10, ông Hwang Pyong-so cùng đoàn đại biểu cấp cao nước này đã có chuyến đi đầy bất ngờ tới Hàn Quốc để dự lễ bế mạc Á vận hội Incheon (ASIAD 2014) và thăm chính thức Triều Tiên trong ngày 5-10. Điều đáng chú ý là ông Hwang đến Hàn Quốc bằng chính chiếc chuyên cơ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tháp tùng ông Hwang là các cận vệ của ông Kim, cùng với các trợ lý cấp cao khác như ông Choe Ryong-hae và ông Kim Yang-gon - một quan chức cấp cao có nhiều kinh nghiệm đàm phán với Hàn Quốc.

Có phải ông Kim Jong-un đã bị lật đổ hay không? Chúng ta nên chờ đến lễ kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên 10-10 tới.
Hãng tin CNN dẫn lời một nhà phân tích Michael Green của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho biết: "Tôi không nghĩ rằng bất cứ ai ngoài Bình Nhưỡng thực sự biết điều này. Nhưng việc các quan chức cao cấp số 2 và số 3 của Triều Tiên đi công du ra ngoài Triều Tiên cùng một lúc, sau khi ông Kim Jong-un không xuất hiện trước công chúng trong nhiều tuần là rất không bình thường". Theo ông Green, những dữ liệu trên đương nhiên có thể khiến một số người tự hỏi liệu có phải một cái gì đó tương tự như cuộc đảo chính đã diễn ra ở Triều Tiên. "Có phải ông Kim Jong-un đã bị lật đổ hay không? Chúng ta nên chờ đến lễ kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên 10-10 tới” - đó là quan điểm của nhà phân tích Gordon G.Chang được đăng trên tờ Daily Beast. Trích dẫn các nguồn, tờ Daily Beast cũng cho biết, Triều Tiên đã áp đặt lệnh cấm vào hoặc rời khỏi đất nước.

Trong khi đó, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Han Min-Koo ngày 7-10 cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được cho là đang ở bên ngoài Bình Nhưỡng. "Theo những gì tôi được biết, ông Kim đang ở một địa điểm ở phía bắc Bình Nhưỡng. Tôi nhận được thông tin tin cậy này từ cơ quan tình báo quốc phòng", ông Han được Yonhap dẫn lời nói. Hiện chưa có phản ứng chính thức nào từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sau những thông tin trên.

Chỉ là chiến thuật


Một quan chức Mỹ nói với hãng tin Reuters rằng, không có dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un bị bệnh nặng hoặc gặp rắc rối chính trị. Vị quan chức này nói: "Ông Kim Jong-un vẫn kiểm soát hoàn toàn Triều Tiên và không có vấn đề gì về sức khỏe". Các nhà phân tích Mỹ cho rằng, cả hai sự kiện trên có thể mang dụng ý chiến thuật ngoại giao của Bình Nhưỡng nhằm phân chia và làm suy yếu áp lực quốc tế về chương trình vũ khí hạt nhân cũng như tuyên truyền của nước này.

Trả lời phóng viên ngày 7-10, ông Ri Tong Il, Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc đã từ chối trả lời các câu hỏi về những thông tin đồn đoán trên. Đại sứ Ri đã nói về vấn đề đi lại trong nước và cho biết, công dân vẫn có quyền đi lại bình thường. Khi được hỏi về tình trạng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, vị đại sứ đã làm chệch hướng câu hỏi và cho biết ông có một "chương trình" phải tham dự và rời đi. Các quan chức Triều Tiên trong chuyến thăm Hàn Quốc hôm 5-10 cũng khẳng định, ông Kim không gặp vấn đề gì về sức khỏe.

Jonathan Pollack, nhà phân tích chuyên về các vấn đề Đông Á cũng bác bỏ khả năng xảy ra đảo chính ở Triều Tiên. Ông Pollack nghiêng về quan điểm ông Kim bị ốm. "Hệ thống chính trị ở Triều Tiên là từ trên xuống, không có số 2 hay số 3. Ông Kim chỉ đơn giản là bị bệnh", ông Pollack nói. Alexandre Mansourov, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Johns Hopkins nói rằng, Bình Nhưỡng có thể đã sử dụng sự kiện ASIAD vừa rồi để thúc đẩy tuyên truyền trong nước và cũng có thể là một nỗ lực để phân chia và làm suy yếu quyết tâm của quốc tế trong việc gây áp lực buộc phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Hàn - Triều nhất trí nối lại đối thoại chính thức cấp cao


Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, ngày 5-10, Triều Tiên và Hàn Quốc đã nhất trí nối lại các cuộc đối thoại chính thức cấp cao vốn bị đình chỉ kể từ tháng 2 năm nay. Thỏa thuận trên đạt được trong chuyến thăm Hàn Quốc của 3 quan chức hàng đầu Triều Tiên. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, các quan chức Triều Tiên đã bày tỏ "sự sẵn sàng" với việc tái khởi động đối thoại trong khoảng cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 tới.

 Cuộc đàm phán cấp cao gần nhất diễn ra tại Seoul hồi tháng 2 mà kết quả là Triều Tiên đã chủ trì một cuộc đoàn tụ hiếm hoi cho các gia đình bị ly tán kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Sau đó, Seoul đã hối thúc Bình Nhưỡng nối lại đàm phán nhưng phía Triều Tiên bác bỏ đề nghị này, một phần vì tức giận với cuộc tập trận chung Hàn - Mỹ.


 PHƯƠNG LINH
(tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mọi con mắt đang đổ dồn về Triều Tiên