Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng huấn luyện viên, vận động viên môn pencak silat luôn nỗ lực vươn lên để nâng cao chất lượng tập luyện và thành tích thi đấu.
Các vận động viên đội tuyển pencak silat đang tích cực luyện tập để mang về thành tích tốt nhất cho tỉnh tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022
Hơn 20 năm đào tạo, huấn luyện, thi đấu, môn pencak silat luôn khẳng định là "mỏ vàng" của thể thao thành tích cao tỉnh nhà. Dù trải qua nhiều khó khăn, vất vả, đội ngũ huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) luôn nỗ lực vươn lên để mang về vinh quang.
Phát triển nhóm hạng cân lớn
Năm 1998, môn pencak silat chính thức được đưa vào tập luyện, thi đấu chuyên nghiệp để có thêm cơ hội mang về huy chương cho thể thao chuyên nghiệp của tỉnh. Từ đó đến nay, môn thể thao này không ngừng phát triển và liên tục gặt hái thành công vang dội ở hầu hết các đấu trường quốc gia, khu vực và thế giới. Để có được kết quả trên, tỉnh xác định sẽ không phát triển môn pencak silat một cách dàn trải mà tập trung vào những hạng cân lớn từ 75 - 110kg. Đây là những hạng cân rất ít địa phương đầu tư. Các HLV đã không ngại khó khăn, liên tục tìm kiếm nguồn VĐV từ phong trào quần chúng hoặc trong các đội tuyển, quan tâm tuyển chọn những VĐV đáp ứng được yêu cầu về thể hình và hạng cân.
Thời gian qua, Hải Dương đã có nhiều VĐV "vàng" ở các hạng cân 75 kg, 80 kg, 85 kg, 90 kg, 110 kg. Hầu hết các huy chương vàng (HCV) môn pencak silat Hải Dương giành được cũng ở những hạng cân này. Đầu tiên phải kể đến VĐV Vũ Thế Hoàng (hạng 80 kg) là người làm cho làng pencak silat quốc gia biết đến Hải Dương khi mang về tấm HCV quý giá tại SEA Games năm 2003. Sau đó, anh tiếp tục giành nhiều HCV ở đấu trường khu vực và quốc tế. Các VĐV đàn em như Lê Sỹ Kiên (hạng 85 kg), Trần Đình Nam (hạng 75 kg), Hoàng Văn Bắc (hạng 110 kg) cũng đạt nhiều thành tích cao ở đấu trường đại hội thể dục thể thao cấp quốc gia, khu vực, châu lục và giải vô địch thế giới. Đáng chú ý là VĐV Trần Đình Nam giành HCV tại ASIAD 2018 và cùng với Lê Sỹ Kiên, Hoàng Văn Bắc đoạt HCV giải vô địch thế giới năm 2016.
Anh Nguyễn Văn Chinh, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh cho biết: "Nhiều năm nay, pencak silat cùng với các môn bắn súng, điền kinh, cử tạ, đấu kiếm, đua thuyền rowing, lặn trở thành trụ cột mang về HCV cho tỉnh. Từ năm 2016, môn pencak silat phát triển thêm nội dung biểu diễn và bắt đầu đạt được những kết quả tích cực".
Môn pencak silat ngày càng phát triển đã tạo cú hích để tỉnh đưa thêm một số môn thể thao thành tích cao mới vào huấn luyện, thi đấu như wushu, boxing, karatedo, muay Thái (quyền Thái). Một số môn này cũng đang gặt hái thành công nhất định cho tỉnh. Nhiều địa phương nhờ đó cũng quan tâm phát triển các môn thể thao mới để thường xuyên cung cấp VĐV năng khiếu cho tỉnh như Nam Sách, Tứ Kỳ, Thanh Hà, TP Hải Dương.
Nỗ lực vươn lên
Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tập thể HLV, VĐV môn pencak silat luôn nỗ lực vươn lên để nâng cao chất lượng tập luyện, thi đấu. Công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện thực hiện chuyên nghiệp, khoa học và bài bản. Quy trình đào tạo phân cấp rõ ràng với các tuyến nghiệp dư, luân huấn, mục tiêu.
Anh Vũ Thế Hoàng, HLV trưởng đội tuyển pencak silat tỉnh cho biết: Các lứa VĐV kế cận luôn được ban huấn luyện thường xuyên quan tâm tuyển chọn và đào tạo để môn thể thao này không thiếu nguồn lực. Ban huấn luyện chủ động gửi một số VĐV đến những nơi có điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ huấn luyện viên tốt như đội tuyển quốc gia, Trường Đại học Thể dục, thể thao Bắc Ninh để đào tạo, nâng cao trình độ. Môi trường tập luyện tốt giúp trình độ, chuyên môn của VĐV tiến bộ nhanh hơn và có thêm kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao.
Để có thành công như ngày hôm nay, các HLV, VĐV môn pencak silat đã phải đổ bao mồ hôi, công sức, thậm chí cả máu và nước mắt. Luyện tập, thi đấu môn này, các VĐV rất dễ bị chấn thương, nặng thì gãy chân, gãy tay, gãy xương sườn, đứt dây chằng chân, nhẹ thì sai khớp, bầm tím cơ thể. VĐV Phạm Khắc Trường chia sẻ: "Hằng ngày chúng em tập luyện rất vất vả. Nhưng không vì thế mà bỏ cuộc, luôn động viên nhau cùng vươn lên".
Nhằm khích lệ, động viên HLV, VĐV môn pencak silat gắn bó lâu dài, yên tâm cống hiến, gần đây tỉnh ta đã quan tâm nhiều hơn đến chế độ ăn nghỉ của họ. Những VĐV đạt đẳng cấp quốc gia, quốc tế có lương, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ. Tỉnh cũng kịp thời khen thưởng khi các VĐV, HLV giành thành tích cao ở giải vô địch quốc gia, quốc tế. Một số VĐV xuất sắc khi hết thời kỳ đỉnh cao được tuyển dụng làm HLV cho đội cũng như đội tuyển khác. Ban huấn luyện cũng quan tâm đến đời sống của VĐV để kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh riêng. Nhiều khó khăn, vướng mắc của VĐV được kịp thời giải quyết giúp các em yên tâm gắn bó với môn thể thao này.
Hiện nay, đội tuyển pencak silat của tỉnh có 22 VĐV ở 2 tuyến luân huấn và 2 HLV. Môn pencak silat cũng như nhiều môn khác mong nhận được sự quan tâm hơn nữa về điều kiện tập luyện, nhất là chuẩn bị cho Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022. Đặc biệt, tỉnh cần có chế độ, chính sách tốt hơn để thu hút VĐV có năng khiếu cũng như giúp VĐV đã và đang gắn bó với môn thể thao này yên tâm luyện tập và thi đấu.
DANH TRUNG