Mở toang “cánh cửa thép” Xuân Lộc

09/04/2020 10:51

Chiến thắng Xuân Lộc 1975 đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của quân lực Việt nam Cộng hòa xung quanh Sài Gòn.


 Bộ đội tiến vào giải phóng Xuân Lộc. Ảnh tư liệu

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Xuân Lộc được đánh giá là mặt trận hết sức gay go, khốc liệt. Để đập tan tuyến phòng thủ được mệnh danh là "cánh cửa thép" này nhằm mở đường cho đại quân của ta tiến về Sài Gòn, trong những ngày tháng tư lịch sử cách đây 45 năm (từ ngày 9-21.4.1975), quân và dân thị xã Xuân Lộc cùng với bộ đội chủ lực đã chiến đấu với khí thế thần tốc.

Đập tan cánh cửa thép cuối cùng bảo vệ Sài Gòn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, sau đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột, ta đã nhanh chóng giải phóng Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng và hầu hết các tỉnh ven biển miền Trung, tạo nên thế cô lập, uy hiếp Sài Gòn-Gia Định và vùng đất còn lại thuộc miền Đông và miền Tây Nam Bộ của chính quyền Sài Gòn. Để ngăn chặn bước tiến công của Quân giải phóng, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tập trung sức mạnh còn lại thiết lập nên tuyến phòng thủ kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh; trong đó, Xuân Lộc là trọng điểm - "cánh cửa thép" bảo vệ Sài Gòn-Gia Định trên hướng Đông.

Xuân Lộc là một thị xã của tỉnh Long Khánh (TP Long Khánh, Đồng Nai hiện nay), cách Sài Gòn khoảng 80 km về phía Đông, án ngữ các trục giao thông quan trọng, như: quốc lộ 1A vào Sài Gòn, quốc lộ 20 nối Sài Gòn với Đà Lạt và quốc lộ 15 nối Sài Gòn với Bà Rịa-Vũng Tàu. Chính Tham mưu trưởng lục quân Mỹ Đại tướng Frederick C. Weyand trực tiếp lên Xuân Lộc thị sát và nhấn mạnh: "Phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn".

Để biến Xuân Lộc thành “cánh cửa thép”, địch đã tập trung ở đây một sư đoàn bộ binh, một liên đoàn biệt động quân, một thiết đoàn xe tăng-thiết giáp, 4 tiểu đoàn pháo binh và lực lượng được tổng trù sẵn sàng ứng trợ đặc biệt.

Về phía ta, đánh giá đúng tầm quan trọng của cửa ngõ Xuân Lộc, ngày 2.4.1975, quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Miền đã quyết địch mở cuộc tiến công giải phóng Xuân Lộc, nhằm tiêu diệt sư đoàn 18 ở vòng ngoài, phá âm mưu phòng ngự từ xa, phá thế phòng ngự củng cố Sài Gòn của địch, chia cắt giao thông, cô lập Sài Gòn. Nhiệm vụ tiến công Xuân Lộc được giao cho Quân đoàn 4.

5 giờ 40 ngày 9.4.1975, Quân đoàn 4 nổ súng tấn công Xuân Lộc. Trong ngày chiến đấu đầu tiên, quân ta đã chiếm được một phần hai thị xã, toàn bộ khu hành chính tiểu khu.

Những ngày sau đó, chiến sự ở Xuân Lộc-Long Khánh diễn ra ngày càng thêm ác liệt. Trước tình hình khó khăn, ta đã nghiên cứu diễn biến trận đánh, quyết định tổ chức lại lực lượng, thay đổi cách đánh từ tiến công trực tiếp chuyển sang thế trận bao vây, cô lập nhằm làm suy yếu lực lượng địch trong thị xã; tiêu diệt các lực lượng tiếp viện của địch mới được điều đến còn đứng chân chưa vững ở vòng ngoài.

Ta tổ chức đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, Núi Thị, cắt quốc lộ 1 và chặn đánh quân tiếp viện từ Biên Hòa, Trảng Bom, cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa. Rạng sáng 15.4.1975, quân ta bắt đầu bắn phá sân bay Biên Hòa. Ở khu vực Xuân Lộc, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 liên tục quần nhau với địch, đánh tan hai chiến đoàn còn lại (43 và 48) của Sư đoàn 18 và diệt một bộ phận quân dù.

Thấy không thể bảo vệ được Xuân Lộc, ngày 20.4, địch rút chạy, bị quân ta truy kích tiêu diệt. Ngày 21.4, thị xã Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh được giải phóng.

Sau khi “cánh cửa thép” Xuân Lộc bị đập tan, một loạt sự kiện chính trị lớn trên chính trường Sài Gòn liên tiếp diễn ra. Ngay tối ngày Xuân Lộc được giải phóng, Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức Tổng thống Việt Nam cộng hòa, Trần Văn Hương lên thay trong bối cảnh khắp Sài Gòn đang ngày càng trở nên hoảng loạn bởi chiến dịch di tản của người Mỹ được xúc tiến với nhịp độ rất khẩn trương.

Ngay hôm sau, 22.4, Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh thông qua và chính thức phê duyệt kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Ðịnh.

Tiếp đó, ngày 23.4, phía bên kia đại dương, tại Trường đại học Tulane ở New Orleans, Tổng thống Mỹ Gerold Ford tuyên bố: Cuộc chiến đã chấm dứt đối với người Mỹ.

Trong hồi ký "Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng", Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Chiến thắng Xuân Lộc làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch xung quanh Sài Gòn, làm cho tinh thần quân địch càng thêm suy sụp. Tin chiến thắng đã làm nức lòng nhân dân cả nước".

Ý nghĩa lịch sử và những bài học kinh nghiệm quý giá

Thắng lợi của chiến dịch Xuân Lộc không những khẳng định đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh cách mạng, mà còn củng cố, phát huy nhân tố chính trị-tinh thần của toàn quân, toàn dân ta tạo nên sức mạnh tổng hợp để đi đến thắng lợi cuối cùng - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Thắng lợi của chiến dịch Xuân Lộc đã tạo ra một địa bàn tập kết thuận lợi, làm bàn đạp xuất phát tiến công của Cánh quân hướng Đông - một trong 5 mũi chủ lực cơ động của đội hình chiến dịch mang tên Bác Hồ kính yêu tiến vào giải phóng Sài Gòn-Gia Định.

Mặt trận hướng Đông được khai thông, các cánh quân rầm rập tiến về Sài Gòn với khí thế không gì lay chuyển nổi. “Cánh cửa thép” Xuân Lộc bị phá đã mở toang cánh cửa cho đại quân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến vào giải phóng Sài Gòn, xông thẳng vào sào huyệt cuối cùng của chế độ Mỹ-ngụy, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước oanh liệt của dân tộc Việt Nam.

Chiến thắng Xuân Lộc còn rút ra nhiều bài học giá trị. Đó là cách quán triệt ý đồ chiến lược của Trung ương Đảng, hạ quyết tâm kịp thời, chính xác; biết tổ chức và sử dụng lực lượng tại chỗ, phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân; trong chỉ đạo, chỉ huy kịp thời, nhạy bén, linh hoạt; phát huy thế tiến công chiến lược, chớp thời cơ giành thắng lợi.

Những bài học kinh nghiệm và giá trị tinh thần đó vẫn còn nguyên vẹn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Hiện nay, các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, đã và đang sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta... Trước tình hình đó, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và những thành quả của chiến thắng Xuân Lộc nói riêng, của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 và của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc nói chung, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn Quân ta phải thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, xây dựng nhân tố chính trị-tinh thần, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc, chủ động giữ nước từ khi nước chưa nguy...

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Mở toang “cánh cửa thép” Xuân Lộc