Mở rộng ứng dụng công nghệ sinh học: Bắt đầu từ đâu?

29/05/2010 07:17

Với nền nông nghiệp còn yếu, việc xây dựng hướngđi cho CNSH sao cho phù hợp là rất quan trọng. Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để thúc đẩy CNSH phát triển.


GS. Nguyễn Quang Thạch, Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội):

Cần có chính sách xã hội hóa nguồn vốn đầu tư

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp rất nỗ lực trong việc tập trung ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) vào sản xuất, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tích cực đẩy mạnh việc triển khai và thực hiện có hiệu quả các đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất, khuyến khích chuyển giao công nghệ, tạo lập thị trường thuận lợi, thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng CNSH trong nông nghiệp... Tuy nhiên, thành công mới chỉ ở các mô hình thử nghiệm, rất ít mô hình được ứng dụng rộng rãi.

Tham gia vào lĩnh vực này, Viện Sinh học nông nghiệp đã và đang nghiên cứu, hoàn thiện việc sản xuất giống khoai tây sạch bệnh. Đây là loại cây trồng phổ biến trong vụ đông xuân của nông dân miền Bắc, nhưng mấy năm gần đây, năng suất giảm rõ rệt do sâu bệnh và thoái hóa giống. Vì thế, giống khoai tây sạch bệnh do Viện nghiên cứu đang được áp dụng ở một số tỉnh như: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Nam Định..., bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Nhưng để giống khoai tây này được sản xuất rộng rãi trên đồng ruộng còn rất nhiều việc phải làm.

Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng CNSH là yếu tố rất quan trọng. Tuy vậy, phát triển CNSH cũng phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Chúng ta không thể áp dụng hoàn toàn công nghệ của các nước có nền CNSH phát triển, vì nó không phù hợp với điều kiện nước ta. Với việc sản xuất manh mún, năng suất, chất lượng chưa cao như hiện nay thì hiện đại hóa nền nông nghiệp bằng CNSH phải có bước đi phù hợp. Chưa kể sản xuất hàng hóa kiểu mới thường đòi hỏi nhân lực có trình độ, sản xuất tập trung, chất lượng sản phẩm phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...

Vì thế, để CNSH phát triển bền vững, chúng ta cần đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, nên khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn tham gia, Nhà nước hỗ trợ một phần nhưng phải có chính sách phù hợp, vùng quy hoạch rõ ràng; đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực cho CNSH nông nghiệp; khâu chọn giống sạch bệnh phải được ưu tiên hàng đầu, giống xác nhận phù hợp với điều kiện của khu nông nghiệp công nghệ cao...

Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNSH trong nông nghiệp. Thực thi đầy đủ và nghiêm túc các quy định về sở hữu trí tuệ trong bảo hộ quyền tác giả và sở hữu công nghiệp.

KS. Trần Xuân Tư, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ ứng dụng (Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng - UIA)

Nhà nước phải có chính sách cụ thể

Trong nông nghiệp, ứng dụng CNSH tập trung vào một số lĩnh vực chính như: Chuyển đổi gen mang những tính trạng tốt vào giống cây trồng mà phương pháp chọn giống truyền thống không làm được; tạo giống đồng hợp tử thông qua nuôi cấy túi phấn; ứng dụng chỉ thị phân tử trong chọn giống cây trồng; phân tích đa dạng di truyền, tạo ra những chế phẩm sinh học trong bảo vệ cây trồng, vật nuôi.

Từ lâu, nông dân Việt Nam đã có tập quán ủ và sử dụng phân hữu cơ từ phân gia súc, cỏ rác, lá xanh, thực hiện “sạch làng tốt ruộng”. Đó là phương thức canh tác văn minh, tiền thân của việc ứng dụng CNSH phục vụ nông nghiệp. Vào những năm 1970, hàng loạt giống lúa mới ngắn ngày năng suất cao được tạo ra bằng CNSH đã được đưa vào sản xuất. Những giống lúa này nhanh chóng khẳng định ưu thế khi góp phần tăng sản lượng, chất lượng cho cây lúa.

Hơn thập kỷ qua, CNSH Việt Nam đã đạt được một số thành công nhất định, tạo ra các giống cây trồng thuần nhờ áp dụng công nghệ tế bào - mô phôi. Hàng loạt các dòng thuần ở lúa, ngô được tạo ra bằng kỹ thuật đơn bội nuôi cấy bao phấn và noãn. Bằng công nghệ in -vitro, ngành nông nghiệp đã tạo ra được nhiều giống sạch bệnh đối với cây có múi, hoa, dứa, sắn, chuối, khoai tây, cà chua. Cũng nhờ công nghệ này, ngành nông nghiệp đã lưu giữ được nhiều giống cây trồng quý phục vụ công tác bảo tồn, khai thác hợp lý và bền vững nguồn gen.

Tuy vậy, CNSH ở nước ta vẫn đang dừng lại ở thử nghiệm do điều kiện thực hiện gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để lĩnh vực CNSH sớm ngang bằng với các nước trên thế giới, Nhà nước cần có chính sách đầu tư cụ thể, một mình nông dân không thể làm được. Các nhà khoa học cần nghiên cứu, giải quyết vấn đề đột biến gen trong cây trồng. Đẩy mạnh đào tạo cán bộ có trình độ, năng lực, tâm huyết với CNSH,...

Thế kỷ 21 là thế kỷ của CNSH, nếu “4 nhà” cùng chung tay thực hiện thì tương lai ứng dụng CNSH trong nông nghiệp không phải là quá xa vời.

(Theo Kinh tế nông thôn)

(0) Bình luận
Mở rộng ứng dụng công nghệ sinh học: Bắt đầu từ đâu?