Mở rộng diện tích lúa theo hướng hữu cơ

07/03/2023 06:00

Những năm gần đây, tại các vùng bãi ven sông ở huyện Tứ Kỳ, thị xã Kinh Môn... cùng với khai thác rươi, cáy, người dân đưa các giống lúa mới năng suất, chất lượng vào gieo cấy nhằm tăng hiệu quả kinh tế.


Diện tích lúa hữu cơ của xã An Thanh (Tứ Kỳ) ngày càng mở rộng

Lúa sạch xen rươi

Gia đình chị Phạm Thị Tuyên ở thôn Tử Lạc 2, phường Minh Tân (Kinh Môn) có gần 1 ha đất bãi ven sông Đá Vách. Do đường đi lại khó khăn lại xa nơi ở nên trước đây chị chỉ trồng chuối lấp đất trống. Cách đây chục năm, chị mới cải tạo đất để khai thác rươi, cáy.

Để đất tơi xốp làm chỗ trú ngụ và bổ sung thức ăn cho rươi, cáy, hằng năm chị đều cày lật đất từ 1-2 lần, bón phân chuồng, trấu, rơm rạ xuống bãi... Tuy nhiên, vào mùa khô, trên mặt ruộng thường xuất hiện cỏ dại nên chị phải mất công dọn dẹp. Khắc phục tình trạng này, chị không để ruộng hoang mà cấy lúa. Từ đó, cỏ dại không còn, chị cũng không mất tiền mua rơm, rạ, ruộng được cày xới thường xuyên nên đất tơi xốp. Gốc lúa còn trở thành nơi ở, giúp rươi phát triển ngày càng nhiều. “Tôi cấy các giống lúa Đài thơm, NH12... năng suất được gần 2 tạ/sào. Từ ngày cấy lúa, gia đình tôi không những có thêm thóc ăn mà còn có thóc bán. Do thóc sạch nên ai cũng thích, giá bán cũng cao hơn thóc cùng loại trồng trong đồng từ 15-20%”, chị Tuyên cho biết.


Người dân khu dân cư Tử Lạc 1, phường Minh Tân (Kinh Môn) rắc đạm với một lượng nhỏ nhằm hỗ trợ cho cây lúa vùng bãi rươi phát triển

Cách nhà chị Tuyên không xa là nhà anh Trần Văn Thắng, cũng có gần 1 mẫu đất bãi. Từ khi cấy thêm lúa, anh Thắng thấy được hiệu quả của mô hình kết hợp này. Dù cấy lúa vùng bãi vất vả hơn so với trong đồng do không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phải làm cỏ bằng tay, bón phân vi sinh thay cho phân bón hóa học và lượng bón chỉ bằng 1/3 so với ruộng thông thường nhưng lại có thóc sạch, bảo đảm an toàn chất lượng. Anh Thắng cho biết: "Những năm lúa không bị sâu bệnh, tôi thu được 1,5 tạ thóc/sào”.

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Quang Trung (Tứ Kỳ) cũng đã kết hợp cấy lúa với khai thác rươi. Nhà ông Nguyễn Văn Đối, Phó trưởng thôn An Hộ có 7 sào đất bãi. Theo ông, việc cấy lúa trên đất khai thác rươi góp phần nhân đôi hiệu quả sản xuất, không chỉ giúp nhiều rươi hơn mà còn tạo cảnh quan, môi trường trong lành cho vùng đất bãi cũng như mang lại gạo sạch cho nông dân.

Tận dụng tối đa tiềm năng

Dù hiệu quả là vậy nhưng một số nơi do phong tục tập quán canh tác nên người dân chỉ tập trung khai thác rươi cáy, chưa mặn mà với lợi ích từ cây lúa. Gia đình chị Nguyễn Thị Hảnh ở thôn Nhân Hiền, xã Thanh Quang (Thanh Hà) có 6 mẫu đất bãi khai thác rươi. Để đất tơi, xốp, bổ sung thêm thức ăn cho rươi, vào vụ xuân chị cũng cấy lúa. Nhưng khi gần thu hoạch thì lại thuê máy vùi rơm, rạ thóc xuống bên dưới. Lý giải điều này, chị Hảnh cho biết: “Khi hạt lúa vào sữa tôi thuê máy dập xuống để tạo cho đất tơi xốp và làm thức ăn cho rươi. Tôi thấy làm như vậy lỗ rươi sẽ nhiều hơn”.

Theo đại diện lãnh đạo UBND xã Thanh Quang và Vĩnh Lập - 2 vùng khai thác rươi, cáy trọng điểm của huyện Thanh Hà, do canh tác trên diện tích lớn, lúa lại không được chăm bón, phun thuốc trừ sâu, cỏ, có năm lại bị sâu bệnh nên hầu hết người dân ở đây không tính chuyện thu hoạch lúa mà chỉ tập trung khai thác rươi.


Sau khi sơ chế, gạo hữu cơ cấy tại bãi rươi xã An Thanh (Tứ Kỳ) do Công ty CP Nông nghiệp Thế hệ mới cung ứng thường xuyên tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, được người tiêu dùng ưa chuộng (Ảnh cơ sở cung cấp)

Tại xã An Thanh (Tứ Kỳ), việc khai thác lúa hữu cơ mang lại lợi ích kinh tế khá cao khi giá bán tăng từ 20-25% so với giá bán thóc cùng loại trong các cánh đồng. Khi sơ chế, đóng gói, gạo được bán với giá trên 60.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với gạo trên thị trường. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ cho biết toàn huyện có 360 ha khai thác rươi cáy song mới chỉ có người dân 2 xã An Thanh, Quang Trung kết hợp khai thác rươi cáy với cấy lúa, các xã như Chí Minh, Bình Lãng... chỉ khai thác rươi cáy, ít cấy lúa. Huyện phấn đấu từ nay đến năm 2025 sẽ có 600 ha bãi rươi cáy và toàn bộ sẽ được cấy lúa hữu cơ để tăng hiệu quả kinh tế. Thị xã Kinh Môn cũng khuyến khích người dân lựa chọn các giống lúa năng suất, chất lượng cao thay thế các giống cũ, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), toàn tỉnh hiện có 750 ha lúa hữu cơ và canh tác theo hướng hữu cơ, tăng gần 100ha so với năm 2021, tập trung chủ yếu tại huyện Tứ Kỳ, Kim Thành, thị xã Kinh Môn... 

Ở vùng bãi người dân chưa quan tâm đúng mức việc đầu tư cấy lúa, cơ quan chức năng cần tuyên truyền, hướng dẫn cách chăm bón cũng như đưa một số giống lúa phù hợp vào gieo trồng. Từ đó tạo ra sản phẩm sạch cho tiêu dùng, tăng hiệu quả kinh tế vùng đất bãi.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Mở rộng diện tích lúa theo hướng hữu cơ