Đây là điểm mới của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 9-1-2015 của Chính phủ thay thế Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 8-9-1998.
Ngày 9-1-2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thay thế Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 8-9-1998 của Chính phủ về ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải Dương, đồng chí Đặng Thị Kim Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Dân vận Tỉnh ủy cho biết:
- Nghị định quy định cụ thể hơn về đối tượng áp dụng là cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, không còn nêu chung chung là cơ quan như nghị định trước đây. Nghị định bổ sung thêm đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức cấp xã. Điều này sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) suốt 16 năm qua đối với nhóm đối tượng này và gắn trách nhiệm của cán bộ, công chức cấp xã đối với việc thực hiện nghiêm các quy định về QCDC ngay từ cơ sở. Hội nghị cán bộ, công chức được đổi tên thành Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC). Việc tổ chức Hội nghị CB, CC, VC bất thường được thực hiện khi có 1/3 CB, CC, VC của cơ quan, đơn vị (ít hơn so với quy định của Nghị định số 71 là phải có 2/3) hoặc khi Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị yêu cầu. Nội dung của Hội nghị CB, CC, VC cũng được sửa đổi theo hướng đầy đủ, hoàn thiện hơn.
Ngoài ra, nghị định cũng có rất nhiều điểm mới, quy định bổ sung so với nghị định cũ theo hướng cụ thể, đầy đủ hơn. Theo nghị định này, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phải thực hiện 10 nội dung công việc như tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ hằng tháng, quý, 6 tháng, cuối năm; lắng nghe ý kiến phản ánh, phê bình của CB, CC, VC; chủ trì phối hợp với Công đoàn cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị CB, CC, VC mỗi năm một lần vào cuối năm. CB, CC, VC có trách nhiệm phải thực hiện 5 nội dung công việc như nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện các quy định về nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp, quy tắc ứng xử, nguyên tắc trong hoạt động nghề nghiệp và những việc không được làm theo quy định của pháp luật. Có 9 việc người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải công khai cho CB, CC, VC được biết; 8 việc CB, CC, VC được tham gia ý kiến; 5 việc CB, CC, VC được quyền giám sát… Văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý cấp trên liên quan đến công việc của cơ quan, đơn vị phải được công khai. Thời hạn công khai chậm nhất là 3 ngày làm việc, trường hợp đặc biệt không quá 5 ngày kể từ ngày văn bản được ban hành. Đối với văn bản niêm yết tại trụ sở của cơ quan, đơn vị thì phải thực hiện niêm yết ít nhất 30 ngày liên tục. CB, CC, VC cũng chỉ được tiếp nhận tài liệu và giải quyết công việc của công dân, tổ chức tại trụ sở làm việc.
- Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tham mưu cho Ban chỉ đạo thực hiện QCDC tỉnh giải pháp gì để bảo đảm nghị định được thực hiện nghiêm túc, thưa đồng chí?
- Ban sẽ tập trung tham mưu tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan bằng cách nâng cao chất lượng và hiệu quả của các cơ quan do nhân dân bầu ra như Ủy ban MTTQ, HĐND, UBND, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh... Những người đứng đầu các tổ chức trên phải công khai thông báo để nhân dân biết và tiện liên hệ.
Các giải pháp về dân chủ trực tiếp cũng sẽ được mở rộng bằng các hình thức tự quản nhân dân trong khuôn khổ pháp luật để cán bộ, đảng viên và nhân dân tự bàn bạc và thực hiện như xây dựng các quy chế, quy định, hương ước, quy ước khu dân cư, làng văn hóa. Tăng cường nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở trong việc thực hiện QCDC như phải am hiểu và nắm chắc nội dung về thực hiện dân chủ và phải nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm trong việc triển khai QCDC; kỹ năng tổ chức, điều hành công việc theo quy trình có tính chất dân chủ.
Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định số 1363-QĐ/TU ngày 15-1-2015 ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng giải pháp về trực tiếp đối thoại với nhân dân. Ban sẽ tham mưu tiến hành quy trình hóa việc kiểm tra, giám sát và đánh giá từng khâu công việc, từng giai đoạn cũng như toàn bộ quá trình triển khai thực hiện. Xây dựng biểu mẫu thu thập thông tin về quá trình thực hiện QCDC để làm cơ sở cho giám sát, đánh giá định kỳ hoặc những dịp sinh hoạt chính trị đặc biệt như Đại hội Đảng bộ các cấp. Sẽ có sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện QCDC.
- Ở tỉnh ta, việc thực hiện nghị định có những đổi mới như thế nào?
- Việc hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện QCDC ở các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập đã được Ban chỉ đạo thực hiện giao cho Sở Nội vụ. Sau khi có Nghị định số 04, Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Văn bản số 879/UBND ngày 27-4-2015 yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai thực hiện nghị định với 6 nội dung cụ thể. Tổ chức đánh giá hằng năm đối với CB, CC, VC theo quy định. Duy trì chế độ báo cáo việc thực hiện QCDC theo định kỳ 6 tháng từ ngày 15 đến 20 - 6 và 1 năm từ ngày 15 đến 20 - 12 để tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh để cho ý kiến chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc khó khăn ngay từ cơ sở.
- Xin cảm ơn đồng chí!
TRUNG THU (thực hiện)