Mỗi kỳ đại hội Đảng là một mốc son lịch sử vẻ vang của Đảng, đánh dấu sự trưởng thành của Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức...
Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn có ý nghĩa rất quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hướng về Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đảng ta là Đảng cầm quyền, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng như lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Mỗi kỳ đại hội Đảng là một mốc son lịch sử vẻ vang của Đảng, đánh dấu sự trưởng thành của Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, khẳng định sự lớn mạnh không ngừng của đất nước mà Cương lĩnh của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra.
Những thành tựu to lớn đạt được trong 30 năm đổi mới đã khẳng định chủ trương, đường lối của Đảng đã đề ra là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, xu thế của thế giới. Bản chất của cách mạng là đổi mới, luôn luôn đổi mới. Cho nên, trong đổi mới luôn gặp phải những khó khăn, thử thách, sự tranh đấu giữa cái mới tiến bộ và cái cũ lạc hậu. Nhanh nhạy nắm bắt được các quy luật vận dụng vào thực tiễn cách mạng, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Tuy nhiên, trong chặng đường gian khó đầy thử thách của một đất nước nhiều năm chịu cảnh chiến tranh, tàn dư để lại rất nặng nề, điểm xuất phát thấp, các thế lực phản động, thù địch luôn chống phá bằng mọi thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; khu vực và thế giới luôn có những biến động, rủi ro khó lường, làm cho tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng... vốn khó khăn lại càng khó khăn thêm. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền kinh tế nước ta đã vượt qua được cơn khủng hoảng, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, lạm phát ở mức thấp, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Công tác xã hội được chăm lo. An ninh - quốc phòng được giữ vững. Công tác đối ngoại thu được nhiều kết quả, khẳng định vị thế và uy tín của Đảng, Nhà nước ta trên trường quốc tế ngày một cao. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nền kinh tế của ta cũng bộc lộ những yếu kém; công tác xây dựng Đảng còn nhiều bất cập, mà tại Đại hội Đảng bộ các cấp cần được phân tích làm rõ, tìm ra hướng đi và những giải pháp hữu hiệu nhất để khắc phục.
Đại hội Đảng bộ các cấp cũng như Đại hội toàn quốc của Đảng là dịp thể hiện tập trung trí tuệ, tâm huyết của đại biểu, nói lên tiếng nói của Đảng, của nhân dân. Để tạo điều kiện cho những ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, tại đại hội cần mở rộng dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình". Người còn nhấn mạnh: "Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn". Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực. Mở rộng dân chủ sẽ khơi gợi được những ý kiến của đại biểu dự đại hội, càng làm rõ thêm những thành tựu đã đạt được và chỉ ra những hạn chế, yếu kém, đề ra biện pháp khắc phục. Trong thảo luận, bên cạnh những ý kiến đồng thuận, có thể có những ý kiến trái chiều, nhất là những ý kiến phản biện, mang tính khoa học, thực tiễn cao, làm sáng tỏ những nội dung đôi khi còn vướng mắc. Các cụ ta có câu: "Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng". Những ý kiến trái chiều như vậy cần phải được xem xét một cách nghiêm túc, tránh hẹp hòi thành kiến, quy chụp. Cho nên, ngoài những đại biểu được phân công tham luận, cần mở rộng dân chủ để nhiều ý kiến được phát biểu tại đại hội. Có như vậy, không khí đại hội mới sôi nổi, thực chất hơn, đỡ khô cứng, gò bó, xuôi chiều. Bên cạnh việc tham gia ý kiến vào các văn kiện trình đại hội, công tác nhân sự cần được thảo luận, thực hiện đúng, chặt chẽ các quy trình. Trên tinh thần thật sự cầu thị, đại hội sẽ lựa chọn được những đảng viên ưu tú tiêu biểu vào Ban chấp hành. Cần loại bỏ tư tưởng "sợ" các đại biểu trong đại hội giới thiệu, đề cử thêm "nhân sự" sẽ bị loãng, không tập trung. Thực tế qua các kỳ đại hội cho thấy, các đại biểu dự đại hội rất tinh, mặc dù số giới thiệu nhân sự để bầu cấp ủy có số dư, nhưng khi bỏ phiếu bầu thường vẫn tập trung. Cũng có trường hợp nhân sự dự kiến bị trượt do công tác chuẩn bị nhân sự trước đó chưa kỹ hoặc bản thân nhân sự có vấn đề. Nhìn chung đại hội vẫn chọn được đủ, đúng những đồng chí có đủ năng lực, phẩm chất vào Ban chấp hành khóa mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Để cho Đảng mạnh thì phải mở rộng dân chủ". Thực hiện lời dạy của Người, tại Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng, việc mở rộng dân chủ trong đại hội phải được thực hiện nghiêm túc. Có như vậy, đại hội mới thể hiện được trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
VŨ HOÀNG LUYẾN