Mờ nhạt vai trò của đội dân phòng trong phòng cháy, chữa cháy

17/09/2022 10:34

Thiếu các trang thiết bị cần thiết, thiếu cả kỹ năng nên hầu hết các đội dân phòng tại các thôn, khu dân cư chưa phát huy hiệu quả trong công tác phòng cháy, chữa cháy.


Công an huyện Cẩm Giàng tập huấn phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng dân phòng

Toàn tỉnh hiện có 1.334 đội dân phòng tại các thôn, khu dân cư với 15.547 thành viên. Tuy nhiên, hoạt động của lực lượng này trong phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở nhiều nơi còn mờ nhạt.

Từ năm 2020 đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập đủ đội dân phòng theo quy định. Mỗi đội có biên chế từ 10 - 20 người, với 1 đội trưởng, 1 đội phó; đội có biên chế từ 20 - 30 người thì được thêm 1 đội phó. Hiện nay, lực lượng dân phòng trong tỉnh được thành lập với nòng cốt từ lực lượng tự quản, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố, các lực lượng khác tình nguyện tham gia hoạt động kiêm nhiệm. Lực lượng này có nhiều nhiệm vụ như bảo đảm an ninh trật tự; tuần tra đêm, tham gia phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ hiện trường các sự vụ xảy ra trên địa bàn; thực hiện các công việc khác do UBND xã, phường, thị trấn phân công.

Theo Thông tư số 150/2020/TT-BCA, phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ được trang bị cho một đội dân phòng gồm 5 bình bột chữa cháy xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 4 kg; 5 bình khí chữa cháy xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 3 kg hoặc bình chữa cháy gốc nước xách tay có dung tích chất chữa cháy không nhỏ hơn 6 lít; 2 đèn pin; 1 rìu cứu nạn; 1 xà beng; 1 búa tạ; 1 kìm cộng lực; 1 túi sơ cứu loại A; 1 cáng cứu thương. Tùy theo tình hình thực tế, lực lượng dân phòng có thể được trang bị thêm các loại phương tiện cần thiết khác.

Hiện hầu hết lực lượng dân phòng vẫn chưa có các trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác PCCC theo quy định. Phường Việt Hòa (TP Hải Dương) là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, doanh nghiệp, nhà trọ công nhân... có nguy cơ cháy cao và đã từng xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn. Theo lãnh đạo Công an phường Việt Hòa, hiện 8 đội dân phòng ở phường chưa được trang bị bất cứ trang thiết bị gì phục vụ công tác PCCC. Lực lượng này hiện dùng nhà văn hóa khu dân cư làm nơi trực, tập trung và hoạt động khi cần. Do không có trang thiết bị phục vụ PCCC khiến việc tổ chức tập huấn gặp nhiều khó khăn. Khi xảy ra cháy, đội dân phòng cũng khó can thiệp từ đầu, khó phối hợp với lực lượng PCCC tại địa phương. Đây cũng là thực trạng chung trong hoạt động của nhiều đội dân phòng hiện nay. 

Gần đây, sau nhiều vụ cháy liên tiếp xảy ra, đặc biệt là vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương, nhiều người đặt câu hỏi về vai trò, hiệu quả của đội dân phòng thôn, khu dân cư trong PCCC. Giai đoạn 2017 - 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 179 vụ cháy làm 6 người chết, 14 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 96,5 tỷ đồng. Trong PCCC, phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ) thể hiện rõ tầm quan trọng của đội dân phòng. Lực lượng tại chỗ gồm tất cả người dân sinh sống trên địa bàn thôn, khu dân cư mà nòng cốt là lực lượng dân phòng. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, kỹ năng PCCC của thành viên đội dân phòng còn hạn chế. Bà Nhữ Thị Nhàn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hoạch Trạch, xã Thái Học (Bình Giang), Đội trưởng Đội dân phòng thôn thông tin: "Hiện nay, thành viên đội dân phòng thôn chưa được tập huấn kỹ năng PCCC nên nếu xảy ra cháy cũng khó phát huy hiệu quả".

Theo lãnh đạo Công an xã Nam Hưng (Nam Sách), địa phương này có 3 đội dân phòng được thành lập từ năm 2020 cũng chưa có trang thiết bị, chưa được chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ PCCC. Bởi vậy, hoạt động của đội dân phòng mờ nhạt.

Theo Trung tá Phạm Đức Thuận, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh), từ kinh nghiệm thực tế chữa cháy tại hiện trường cho thấy tầm quan trọng của đội dân phòng các thôn, khu dân cư trong việc phát hiện, báo cháy và tham gia chữa cháy, nhất là công tác phối hợp với lực lượng chữa cháy do đội ngũ này là người dân địa phương, hiểu rõ về địa lý, tình hình dân cư nơi xảy ra cháy. Hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc tập huấn nâng cao kỹ năng và phát triển đội dân phòng gặp khó khăn. Thời gian tới, cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền đầu tư kinh phí cho hoạt động PCCC, trang bị phương tiện cho các đội dân phòng theo quy định và thực hiện công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC.

Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra ngày 11.7 đã ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng cho chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng tại thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh nhằm tạo cơ sở pháp lý bảo đảm kinh phí hỗ trợ thường xuyên cho lực lượng này. Theo đó, từ ngày 1.8, đội trưởng đội dân phòng được hưởng 20% mức lương tối thiểu vùng/người/tháng; đội phó được hưởng 15%. 

PHONG TUYẾT

(0) Bình luận
Mờ nhạt vai trò của đội dân phòng trong phòng cháy, chữa cháy