Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu di chuyển ngay các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy, trạm bơm ven sông...Hồng, sông Thái Bình.
Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở 8 cửa xả đáy
Ngày 6.7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ban hành Công điện số 07 về việc mở cửa xả đáy hồ Sơn La và hồ Hòa Bình.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu vào hồi 8 giờ ngày 7.7, Công ty Thủy điện Sơn La mở một cửa xả đáy hồ Sơn La, Công ty Thủy điện Hòa Bình mở một cửa xả đáy hồ Hòa Bình và liên tục phát điện tối đa các tổ máy.
Tùy theo tình hình diễn biến của mưa lũ thượng nguồn, các công ty tiếp tục mở thêm các cửa xả đáy theo quy định.
Đồng thời, hai công ty thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu đập, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các cơ quan liên quan.
Công điện yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình bằng mọi biện pháp khẩn trương thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; di chuyển ngay các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy, trạm bơm ven sông, cống dưới hệ thống đê sông Hồng, sông Thái Bình và các công trình qua sông; các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi, biết thông tin xả lũ các hồ chứa thủy điện để chủ động các biện pháp phòng tránh, bảo đảm an toàn về người và tài sản.
Các địa phương rà soát phương án phòng chống lũ bảo đảm an toàn cho hạ du, đặc biệt là hệ thống đê điều, các khu tập trung dân cư ở bãi sông để sẵn sàng triển khai ứng phó.
Công điện cũng nêu rõ, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường thời lượng và tần suất đưa tin trên các phương tiện thông tin.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo các cơ quan triển khai thực hiện để bảo đảm an toàn công trình và hạ du khi các nhà máy xả lũ để các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh, báo cáo kịp thời về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Đúng 8 giờ ngày 7.7, Thủy điện Hòa Bình mở một cửa xả đáy; tùy theo tình hình diễn biến mưa lũ thượng nguồn có thể tiếp tục mở thêm các cửa xả đáy theo quy định.
Ngay từ sáng sớm 7.7, hàng trăm người dân hiếu kỳ đã tập trung tại hạ du hai bờ sông Đà để chứng kiến cảnh tượng Thủy điện Hòa Bình xả lũ.
Anh Trần Văn Bình (35 tuổi, phường Chăm Mát, TP Hòa Bình) cho biết khi được biết thông tin từ các phương tiện đại chúng là Thủy điện Hòa Bình xả lũ, anh đã đến đây từ 7 giờ sáng để được tận mắt nhìn dòng nước trắng xóa, ùn ùn chảy từ trên cao xả xuống sông. Nó tạo cảm giác mạnh và rất lý thú, đặc biệt hơn là cảm giác thư giãn mát mẻ khi hơi nước bốc lên như có mưa phùn.
Để chủ động ứng phó với việc vận hành xả lũ của Nhà máy thủy điện Hòa Bình, hạn chế thiệt hại do nước dâng nhanh gây ra, ngay trong tối 6.7, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức di chuyển các hộ dân làng chài tại các khu vực cần di dân trên địa bàn thành phố Hòa Bình tới địa điểm an toàn đúng quy định.
Đồng thời, ông Nguyễn Văn Quang yêu cầu, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm các nội dung: Tổ chức thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông, các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, khai thác cát sỏi nắm bắt rõ thông tin xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình để chủ động các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn về người và tài sản; rà soát phương án ứng phó đảm bảo an toàn hạ du, đặc biệt là hệ thống đê điều, các khu tập trung dân cư ở bãi sông để sẵn sàng triển khai ứng phó giảm thiểu thiệt hại do xả lũ hồ chứa gây ra.
Các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình phụ trách theo dõi địa bàn các huyện Kỳ Sơn vàTP Hòa Bình trực tiếp xuống địa bàn phụ trách cùng lãnh đạo địa phương chỉ đạo, thực hiện công tác ứng phó với việc xả lũ của Nhà máy thủy điện Hòa Bình theo phương án đề ra.
Ban chỉ đạo cũng yêu cầu tổ chức theo dõi diễn biến lưu lượng nước đến hồ, mực nước ở thượng và hạ lưu đập, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các cơ quan liên quan để có quyết định điều hành trong thời gian tới phù hợp với tình hình thực tế.
TTXVN