Bên cạnh lễ Vu lan để tỏ lòng biết ơn và báo hiếu cha mẹ, cần làm tốt lễ "xá tội vong nhân", mở lòng yêu thương đồng loại một cách thiết thực, hiệu quả.
Trong cuốn Văn hóa Việt Nam - tổng hợp (1989-1995) do Ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương xuất bản, phần lễ hội có ghi: "Tết rằm tháng bảy, có tên khác là Tết Trung nguyên, người xưa coi là ngày xá tội vong nhân. Do đó, vào ngày ấy, tại các chùa thờ Phật thường làm chay chân tế và cầu kinh Vu lan. Các nhà thì bày cỗ cúng gia tiên, đốt vàng mã và các đồ dùng bằng mã để người ở âm ty dùng". Nhiều năm qua, nhân dân ta quen gọi là lễ Vu lan, thiên về ý nghĩa báo hiếu cha mẹ.
Đúng là với mỗi người, công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ là rất lớn. Ca dao đã có nhiều câu cô đọng nói về vấn đề này: "Chim trời ai dễ đếm lông/Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày", "Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con". Những dịp rằm tháng bảy, gia đình nào cũng làm lễ Vu lan, trong đó có việc đốt vàng mã dâng người đã khuất và chăm sóc chu đáo cha mẹ tuổi cao sức yếu thêm sống vui, sống khỏe cùng con cháu.
Nhưng Tết rằm tháng bảy khởi thủy còn mang một ý nghĩa rộng lớn hơn, như đoạn văn trích ở trên đã nói rõ, người xưa coi là ngày "xá tội vong nhân". Sự thực, đó không phải là người có tội, mà là những người bất hạnh, phải chịu một cái chết oan khốc, bất thường, không được sống theo quy luật sinh tử tự nhiên như mọi người. Đại thi hào Nguyễn Du từng viết "Văn tế thập loại chúng sinh", liệt kê rất nhiều cảnh người chết đáng thương như vậy. Để tưởng nhớ những kiếp người ấy, nhân dân ta đã chọn ngày rằm tháng bảy để cúng "cháo lá đa" cho các linh hồn vất vưởng, những cô hồn lang thang không nơi nương tựa được dịp thụ hưởng chút lộc của trần gian. Cháo được nấu loãng, đổ vào những chiếc lá đa, lá mít cuốn lại như cái phễu, cắm ở dọc đường làng ngõ xóm. Người ta hy vọng các chúng sinh sẽ có cháo lá đa để đỡ đói khổ, mau chóng được siêu thoát, đầu thai trở lại kiếp người. Cuộc sống đã thay đổi, tục lệ "cháo lá đa" nay không còn nữa.
Trong cuộc sống hiện nay, chúng ta vẫn đang chứng kiến nhiều cảnh ngộ đáng thương, do thiên tai, bão lũ xảy ra liên miên ở cả miền núi phía Bắc lẫn các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhà cửa sụp đổ, người chết, có khi mất tích, ruộng nương bị tàn phá, có thôn bản bị cô lập nhiều ngày, đói khổ và bệnh tật đe dọa đến tính mạng con người. Vì vậy, nhân dịp rằm tháng bảy mang ý nghĩa nhân văn, ngoài việc cúng lễ cho người đã khuất, rất cần các hành động "cháo lá đa" của thời hiện đại, mang lại sự sống cho những địa phương bị thiệt hại nặng nề. Đó là các đợt quyên góp và mang các hiện vật cấp thiết đến các vùng bị thiên tai. Cũng có thể nhắn tin, đóng góp cho các Quỹ "Vì người nghèo", "Vì nạn nhân chất độc da cam" và các tổ chức nhân đạo khác.
Rằm tháng bảy sắp đến, bên cạnh lễ Vu lan để tỏ lòng biết ơn và báo hiếu cha mẹ, cần làm tốt lễ "xá tội vong nhân", mở lòng yêu thương đồng loại một cách thiết thực, hiệu quả. Mỗi người hãy làm những việc thiện, cố gắng giúp đỡ những người khó khăn quanh mình trước. Từ đó, Tết rằm tháng bảy càng thêm ý nghĩa.
HỮU NGUYỄN (TP Hải Dương)