Mở lối đi riêng

22/08/2013 09:55

Trong lúc thị trường cây cảnh đang trầm lắng thì nhờ có những cách làm riêng, nhiều hội viên Hội Sinh vật cảnh huyện Nam Sách vẫn có thu nhập cao.



Nhờ cách làm riêng, gia đình ông Trần Văn Hợp vẫn phát triển ổn định nghề trồng hoa, cây cảnh


"Cái khó ló cái khôn"

Theo giới thiệu của Hội Sinh vật cảnh Nam Sách, chúng tôi tìm đến thăm gia đình ông Trần Văn Hợp ở thôn Linh Xá, xã Nam Hưng, một trong những nhà vườn cây cảnh lớn của huyện. Về kinh nghiệm “vượt bão”, ông Hợp cho biết, nhận thấy nhu cầu thị trường còn nhiều tiềm năng, ông đã chuyển sang sản xuất các loại cây cảnh mi-ni, bình dân như: si, sanh, đẻn, xương cá, đa... với giá chỉ từ 2 - 20 triệu đồng, phù hợp với nhu cầu và thu nhập của nhiều đối tượng khách hàng. Từ năm 2011, nắm bắt được thị trường cây cảnh đang dần bão hòa, gia đình ông đã cải tạo gần 400 m2 vườn chuyển sang trồng các loại hoa phục vụ lễ, Tết, các đám hiếu, hỷ. Nhờ nhạy bén với thị trường, biết tìm ra lối đi riêng mà nhiều năm qua, gia đình ông Hợp luôn có thu nhập ổn định từ 120 - 150 triệu đồng/năm, trong đó từ trồng hoa khoảng 50 - 60 triệu đồng, còn lại từ cây cảnh. Từ đầu năm đến nay, ông cũng thu hơn 60 triệu đồng từ cây cảnh và gần 30 triệu đồng từ trồng hoa. Cũng nhờ "mát tay" với nghề trồng hoa, cây cảnh mà nhiều năm nay các hội nghị hay các đám hiếu, hỷ trong xã, gia đình ông Hợp luôn được chọn để lo phần khánh tiết. Ông Hợp chia sẻ: "Cái khó ló cái khôn, khó khăn nên tôi phải tìm cho mình lối đi riêng, có vậy mới trụ vững được. Thời gian tới, tôi vẫn tiếp tục đầu tư vào dòng cây cảnh mi-ni, có mức giá bình dân, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Từ nay đến cuối năm, tôi sẽ tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống phun tưới tự động để đưa vào trồng một loài hoa cao cấp phục vụ thị trường”.

Trải qua khó khăn mới trưởng thành. Điều này thật đúng với anh Vũ Văn Thắng, chủ Doanh nghiệp Cây xanh môi trường Nam Sách. Trước năm 2011, anh Thắng đã sở hữu một vườn cây cảnh trị giá hàng chục tỷ đồng và cũng là một trong những nhà vườn lớn nhất huyện Nam Sách. Từ cuối năm 2011 trở lại đây, giao dịch cây cảnh giảm mạnh khiến việc kinh doanh của gia đình anh gặp không ít khó khăn. Với niềm đam mê nghệ thuật cây cảnh, anh Thắng vẫn không bỏ nghề. Ngoài việc chuyển dần từ các loại cây cảnh lớn sang các loại cây tầm trung và nhỏ, anh còn chú trọng tới nâng cao tính nghệ thuật của cây. Cùng với sản xuất, kinh doanh cây cảnh nghệ thuật, anh Thắng còn đảm nhận việc kiến tạo, trồng cây xanh cho các cơ quan, đơn vị với nhiều công trình trị giá lên tới hàng trăm triệu đồng. Trung bình doanh thu từ hoạt động trồng, kiến thiết khuôn viên cây xanh của doanh nghiệp đạt khoảng 3 - 4 tỷ đồng/năm, vườn cây cảnh nghệ thuật rộng hơn 3.000 m2 cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng mỗi năm.

Nhiều hội viên Hội Sinh vật cảnh khác ở huyện Nam Sách thời gian qua cũng đã tìm cho mình lối đi riêng, duy trì hoạt động ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao như gia đình ông Nguyễn Ngọc Dũng (xã Hồng Phong) với mô hình hoa cây cảnh kết hợp, gia đình ông Nguyễn Hữu Tỉnh (thị trấn Nam Sách), ông Đỗ Văn Khúc (xã Nam Tân) kết hợp sản xuất cây cảnh với tư vấn, cắt tỉa, tạo dáng nghệ thuật cho vườn hoa, cây xanh của nhiều cơ quan, công sở...

Tiếp tục giữ nghề

Hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh cây cảnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hầu hết người làm nghề hoa, cây cảnh trên địa bàn huyện Nam Sách vẫn tự tin giữ nghề. Ông Hợp cho biết: "Nghề cây cảnh đã gắn bó với tôi gần 30 năm nay. Đó không chỉ là nghề làm giàu mà còn là niềm đam mê nên không dễ gì từ bỏ. Hơn nữa, với lối đi riêng của mình là sản xuất các loại cây cảnh mi-ni, nên tôi không lo thất nghề".

Ông Nguyễn Văn Đoàn, thôn La Đôi, xã Hợp Tiến chia sẻ: "Sản xuất, kinh doanh cây cảnh đang gặp khó nhưng không phải đã hết thị trường. Theo khảo sát của những người làm nghề, nhu cầu thị trường vẫn rất lớn. Tuy nhiên, phải đưa cây cảnh nghệ thuật về đúng giá trị thực của nó, không tự "lăng xê, làm giá" tạo nên cơn sốt ảo như trước đây, có như vậy thị trường mới phát triển ổn định, bền vững. Với cá nhân tôi, làm nghề hơn 20 năm, có khó khăn đến mấy thì vẫn giữ nghề".

Ông Trần Văn Thú, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Nam Sách cho biết, nhờ cách làm riêng, đặc biệt bằng niềm đam mê thực sự, nhiều nhà vườn trên địa bàn huyện Nam Sách vẫn duy trì tốt hoạt động, đóng góp lớn vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Nhiều gia đình chuyển từ cây cảnh sang trồng hoa cao cấp, kết hợp trồng cây cảnh và hoa hoặc chuyển từ cây cảnh sang trồng, chơi lan... Toàn huyện hiện có gần 4 ha trồng hoa, cây cảnh, trong đó diện tích trồng hoa hơn 2 ha. Theo tính toán, trồng hoa, cây cảnh cho giá trị sản xuất từ 400 - 500 triệu đồng/ha. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Hữu Tỉnh, thị trấn Nam Sách, mỗi năm đạt giá trị từ 150 - 170 triệu đồng từ sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh; gia đình ông Nguyễn Ngọc Dũng, thôn Phù Liễn, xã Hồng Phong đạt giá trị từ 150 - 160 triệu đồng từ trồng hoa cao cấp như loa kèn, ly, hoa dơn, đồng tiền kép...

Cùng với cách làm riêng của mỗi gia đình, Hội Sinh vật cảnh huyện Nam Sách cũng tích cực tuyên truyền, vận động để các nhà vườn tiếp tục duy trì sản xuất. Đối với các nhà vườn chuyên trồng hoa phục vụ lễ, Tết, các đám hiếu, hỷ, hội định hướng cho bà con ngoài trồng các loại hoa truyền thống, sẽ phát triển trồng mới các loài hoa cao cấp như hoa lan, ly, huệ tây... Do cây cảnh trước đây thường có giá rất cao khiến nhiều người yêu thích nhưng không có điều kiện để chơi nên hội vận động hội viên chuyển sang sản xuất các loại cây bậc trung, có mức giá bình dân chỉ từ vài triệu đồng/chậu, vừa phù hợp với túi tiền, vừa phù hợp với diện tích nhỏ của đa số các hộ dân hiện nay. Với những cách làm trên, nghề trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn huyện Nam Sách sẽ vẫn tiếp tục duy trì, phát triển.

NGÂN HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở lối đi riêng