Mô hình nào cho chính quyền địa phương?

14/05/2015 07:09

Nhiều ý kiến đưa ra những căn cứ thuyết phục để ủng hộ phương án vẫn giữ nguyên mô hình HĐND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính...



Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến các ngành, các địa phương vào dự thảo
Luật Tổ chức chính quyền địa phương


Tại Kỳ họp thứ 9 (dự kiến diễn ra từ ngày 20-5 tới), Quốc hội khóa XIII sẽ thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm khắc phục những hạn chế của Luật Tổ chức HĐND và UBND ban hành năm 2003.

Nhiều ý kiến khác nhau

Qua nhiều lần lấy ý kiến, chỉnh sửa, bổ sung, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 37 vừa qua có 13 chương gồm 155 điều. Có 2 phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính được đề xuất. Phương án 1 là HĐND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính và phương án 2 là không tổ chức HĐND ở cấp phường, chủ tịch UBND phường do cử tri bầu trực tiếp hoặc cấp trên bổ nhiệm.

Đa số các ý kiến tham gia tại các cuộc lấy ý kiến trực tuyến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, tham gia bằng văn bản gửi cơ quan soạn thảo đều tán thành phương án 1. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến muốn thay đổi mô hình hiện nay bằng cách ủng hộ phương án 2. Ông Bùi Quang Thành, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Xá (Thanh Hà) cho rằng: HĐND chỉ nên tổ chức ở cấp tỉnh vì hoạt động của HĐND cấp tỉnh đã bao trùm hết những vấn đề của địa phương. Do đó nghị quyết HĐND các cấp cơ sở chỉ là "bản sao" lại nghị quyết của cấp ủy, HĐND cấp trên. HĐND chỉ có chức năng giám sát, trong khi đó cấp ủy đảng cũng có chức năng này nên hoạt động của HĐND không hiệu quả, không cần thiết phải tổ chức HĐND từ cấp huyện trở xuống. Với kinh nghiệm nhiều năm làm Bí thư Đảng ủy, ông Thành ủng hộ chủ trương nhất thể hóa ở cấp cơ sở để tránh cồng kềnh, tốn kém. Một số ý kiến cho rằng chỉ nên tổ chức đoàn đại biểu HĐND ở cấp huyện, xã vì ở các cấp này chủ yếu chỉ giải quyết những công việc, nội dung nhỏ. Có ý kiến cũng chỉ ra rằng, hoạt động của HĐND hiện nay vẫn mang tính hình thức, trình độ, chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND chưa đáp ứng yêu cầu nên  tổ chức mô hình HĐND ở cấp cơ sở là không cần thiết.

Tuy nhiên, ý kiến đưa ra những căn cứ thuyết phục để ủng hộ phương án 1 vẫn chiếm đại đa số, tức là giữ nguyên mô hình tổ chức như hiện nay. Tại cuộc lấy ý kiến tham gia vào dự thảo luật của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, ông Đinh Thế Chiêu, Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện đồng tình với phương án 1. Nhưng theo ông Chiêu, điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND ở tất cả các cấp. Ông Hoàng Văn Bảo, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng đồng tình giữ nguyên mô hình tổ chức như hiện nay. Nhưng ông Bảo đề nghị trong luật nên quy định về việc Quốc hội giám sát, hướng dẫn hoạt động của HĐND cấp tỉnh và cấp tỉnh thì có nhiệm vụ hướng dẫn cấp dưới nhằm tạo sự liên kết, tính hệ thống trong bộ máy chính quyền nhà nước.

Cũng đồng tình với phương án 1, ông Đoàn Quang Định, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho rằng trong dự thảo, phương án này có sự đổi mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND các cấp, đặc biệt ở cấp quận, phường. Theo ông Định, ngoài những quy định chung, dự thảo luật lần đầu tiên đã nêu rõ những quy định về tổ chức đơn vị hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND; tổ chức và hoạt động của HĐND; tổ chức và hoạt động của UBND ở các cấp chính quyền địa phương.

Không thể đi bằng một chân

Luật Tổ chức HĐND và UBND ban hành năm 2003 đến nay đã bộc lộ những vấn đề cần được nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi như: quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã cơ bản giống nhau, dẫn đến tình trạng trùng lắp nhiệm vụ, thẩm quyền. Có vấn đề cả 3 cấp HĐND cùng ra nghị quyết và UBND cả 3 cấp cùng thực hiện, nhưng không rõ thẩm quyền quyết định và phạm vi thực hiện của mỗi cấp. Một số nhiệm vụ HĐND và UBND cấp xã không có khả năng thực thi theo luật định... Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của HĐND và UBND các cấp cơ bản giống nhau giữa chính quyền các khu vực đô thị, nông thôn, chưa phân biệt rõ theo đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo... Việc xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm thay thế Luật Tổ chức HĐND và UBND sẽ góp phần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và luật hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.

Mới đây, trong các ngày từ 4 đến 7-5, Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI cũng đã thảo luận, cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng của đất nước, trong đó cho ý kiến về Tờ trình của Bộ Chính trị về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Ban Chấp hành Trung ương đã khẳng định: Đổi mới, hoàn thiện tổ chức và hoạt động chính quyền địa phương có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ban Chấp hành Trung ương Đảng tán thành với Tờ trình của Bộ Chính trị về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó: "Tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1, điều 110 Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND".

Việc chỉ tổ chức UBND để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường đã từng được ví giống như người đi bằng một chân, thiếu sự giám sát, sự sâu sát với thực tiễn từ cơ sở.

Mô hình chính quyền địa phương được quyết định theo hình thức nào đang trông chờ vào quyết định của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp tới. Hy vọng, cùng với việc thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương, bộ máy chính quyền địa phương sẽ được lựa chọn tổ chức theo hình thức ưu việt nhất, góp phần đổi mới mạnh mẽ, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, giảm bớt cồng kềnh, chồng chéo, phục vụ tốt hơn người dân. 

LINH AN


(0) Bình luận
Mô hình nào cho chính quyền địa phương?