Minh bạch, trách nhiệm, tránh lạm quyền trong quản lý đất đai

07/11/2013 07:56

Việc thu hồi đất, vấn đề định giá đất thu hồi, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc thu hồi đất... được các đại biểu thảo luận sôi nổi.



Sáng 6-11, Quốc  hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong ảnh: Các đại biểu Quốc hội trao đổi trong giờ giải lao. Ảnh: TTXVN


Ngày 6-11, Quốc hội (QH) bước sang ngày làm việc thứ 14. Buổi sáng, QH họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc thu hồi đất, vấn đề định giá đất thu hồi, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc thu hồi đất... được các đại biểu thảo luận sôi nổi.


Cần cơ quan định giá đất độc lập

Thời gian qua, số vụ việc và số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ lớn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chính sách bồi thường cho người có đất bị thu hồi còn nhiều bất cập. Về việc này, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đề nghị: Bồi thường cho người dân bị thu hồi đất phải tính đến những thiệt hại do chuyển đổi chỗ ở và cả lợi nhuận phát sinh trên đất đai sau này để người dân có thể có chỗ ở mới, cuộc sống mới tốt hơn hoặc ít nhất cũng bằng lúc chưa bị thu hồi.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội), quy định còn chung chung về định giá đất bồi thường. Đại biểu thắc mắc, dự thảo định giá đất trên cơ sở nào, giá thế nào là “giá phổ biến trên thị trường”. Đại biểu Hà đề nghị cần có tổ chức độc lập về định giá đất. “Về định giá đất, theo như dự thảo thì thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành quá lớn khi vừa giao, cho thuê, thu hồi đất và vừa định giá đất”, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đánh giá. Đại biểu Vinh góp ý: Để bảo đảm tính minh bạch, cần tách bạch cơ quan định giá đất độc lập với cơ quan thu hồi, tránh tình trạng một cơ quan vừa đá bóng, vừa thổi còi.

Theo đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) đã nói giá thị trường thì phải là giá do thị trường quyết định. Như vậy, giá trong đấu giá đất sẽ là giá thị trường chứ không phải là giá theo bảng định giá chủ quan của Nhà nước. Từ đó, đại biểu Hoàng đề nghị: "Cần thành lập cơ quan định giá đất độc lập. Khi thu hồi đất, người dân có quyền giới thiệu cho cơ quan thu hồi đất những tổ chức định giá đất độc lập tham gia định giá đất, đấu thầu đất".

Bổ sung chế tài đối với người phê duyệt dự án sai

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đặt vấn đề: Nếu Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này vẫn giữ nguyên quy định các trường hợp thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì vấn đề khiếu kiện đất đai vẫn là điểm nghẽn, chưa có lời giải. Ban soạn thảo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần làm rõ khái niệm thu hồi đất vì mục đích phục vụ kinh tế - xã hội để tránh bị lợi dụng. Phải phân loại chính xác các dự án phát triển kinh tế - xã hội với các mục đích và lợi ích cụ thể. Tách các dự án kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư ra khỏi dự án phát triển kinh tế - xã hội nhằm tránh sự lợi dụng và tạo ra những bất bình trong xã hội.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung việc chế tài, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất hằng năm và thẩm quyền thu hồi đất, tránh tình trạng áp dụng tràn lan dẫn đến hậu quả như thời gian qua. Một số khu công nghiệp lấy đất đền bù giá rẻ cho người dân nhưng đến nay những mảnh đất này vẫn chưa được sử dụng, bỏ hoang, gây lãng phí lớn, người dân mất đất, không có đất canh tác, một bộ phận không nhỏ rơi vào cảnh đói nghèo.

Điểm nữa, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần làm rõ việc thu hồi đất diễn ra khi nào, tránh tình trạng cứ quy hoạch là thông báo thu hồi, rồi lại treo dẫn đến việc lãng phí lớn nguồn tài nguyên đất.

UBND không thu hồi đất

Một trong những vấn đề nữa mà nhiều cử tri quan tâm là cấp nào có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: “Có nhiều trường hợp thu hồi đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích. Những tồn tại này, trong luật mới sẽ được giải quyết. Theo thẩm quyền, QH, Chính phủ và HĐND mới có thể thu hồi đất, chứ không phải UBND có thể thu hồi đất”.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng, đoàn Bình Phước cho rằng, cần xem xét tính thống nhất nội dung về đất đai trong Hiến pháp và Luật Đất đai. Trong đó, về quy hoạch sử dụng đất cần hiến định những vấn đề chung, khái quát, còn nội dung cụ thể nên để cho luật định.

Sau phiên thảo luận ngày 6-11, Ban soạn thảo tiếp tục chỉnh sửa hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trình QH biểu quyết thông qua vào ngày 29-11 tới. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là dự thảo luật quan trọng đã được trình trước QH thảo luận trong 3 kỳ họp liên tiếp, nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Ủy ban Thường vụ QH đã tiếp thu các ý kiến và chỉnh lý, với những ý kiến không chỉnh lý thì cũng có giải trình.

Không thừa nhận hôn nhân đồng giới

Chiều 6-11, các đại biểu QH nghe Chính phủ trình 4 dự án luật, gồm: Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi); Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ

Hôm nay 7-11, QH họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.

nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho biết: So với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, dự thảo đã sửa đổi 62 điều, bổ sung mới 54 điều, bãi bỏ chương giám hộ giữa các thành viên trong gia đình và chương xử lý vi phạm; bãi bỏ lời nói đầu và 9 điều. Dự thảo bãi bỏ quy định tại khoản 5, điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính và sửa thành: “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Đồng thời, quy định cụ thể nguyên tắc giải quyết quan hệ chung sống giữa họ.

Tờ trình về Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) nêu rõ việc sửa đổi Luật Xây dựng là yêu cầu cấp thiết có tính khách quan trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng ở nước ta hiện nay.

Tờ trình về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đánh giá, một số quy định trong pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa phù hợp, chưa sát thực tế, thiếu cụ thể dẫn đến chậm đi vào cuộc sống, không theo kịp yêu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập quốc tế.

Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đánh giá, sau 3 năm triển khai thực hiện, Luật Bảo hiểm y tế đã đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể: về phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế; tạm ứng, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế...

TTXVN-TN-VOV-NA


Thống nhất giá thị trường qua cơ quan quản lý giao dịch bất động sản

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân, song tôi vẫn băn khoăn với nội dung tại điểm c, khoản 1, điều 110 về "Nguyên tắc, phương pháp định giá đất". Điểm này quy định: Giá đất do Nhà nước quy định phải bảo đảm các nguyên tắc "phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường...". Thực tế, việc định giá đất nông nghiệp theo tiêu chí trên rất khó, đặc biệt trong các trường hợp bồi thường để thu hồi đất nông nghiệp. Phương pháp chủ yếu hiện nay là cơ quan thực hiện giải phóng mặt bằng tự khảo sát giá đất cùng loại, cùng địa bàn để áp mức giá đền bù. Việc này chỉ mang tính chất tương đối nên đã gây ra nhiều vụ việc phức tạp, bức xúc trong việc đền bù, thu hồi đất. Mặt khác, việc định giá đất theo quy định "của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, đấu giá quyền sử dụng đất thành công hoặc phù hợp với thu nhập từ việc sử dụng đất đối với trường hợp xác định được thu nhập" là rất khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản trầm lắng hoặc ở khu vực có ít giao dịch. Việc định giá đất "theo thời hạn sử dụng đất" (điểm b, khoản 1, điều 110) cũng nên quy định cụ thể đối với từng khoảng thời hạn sử dụng đất; với đất quá hạn sử dụng.
Để bảo đảm tính minh bạch, khách quan, đề nghị cần luật hóa việc bắt buộc các giao dịch bất động sản phải thông qua một cơ quan quản lý (ví dụ như sàn giao dịch bất động sản) để làm khung giá chung thống nhất cho việc áp giá đất phù hợp với thị trường.

ĐINH VĂN KHOA (Phó Giám đốc Ban Giải phóng mặt bằng TP Hải Dương)


Giúp nông dân tích tụ ruộng đất, hình thành vùng chuyên canh lớn

Qua tìm hiểu Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tôi thấy có nhiều điểm mới, tạo điều kiện cho người nông dân thêm gắn bó với đồng ruộng, đầu tư phát triển sản xuất. Các cá nhân, gia đình được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp gấp 10 lần so với hạn mức giao đất thay vì chỉ là hai lần theo luật hiện hành. Phần vượt hạn mức, người sử dụng đất phải chuyển sang hình thức thuê đất. Quy định mới này sẽ giúp nông dân tích tụ ruộng đất, hình thành những vùng chuyên canh lớn. Tuy nhiên, không phải nông dân nào cũng có khả năng tích tụ ruộng đất. Do vậy, dự thảo luật cũng cần phải có những quy định cụ thể để kiểm soát quá trình tích tụ ruộng đất theo hướng tích cực. Nhà nước cần có những quy định cụ thể để quản lý và giao đất nông nghiệp cho người dân.

Một điểm mới khác trong luật này là nâng thời hạn giao đất nông nghiệp cho cá nhân, hộ gia đình từ 20 năm lên 50 năm đối với đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối. Việc kéo dài thời gian như vậy sẽ khuyến khích và tạo được động lực để người nông dân gắn bó hơn với đất đai. Hơn nữa, sẽ giảm áp lực cho người nông dân, khiến họ mạnh dạn đầu tư lâu dài để tăng năng suất và sản lượng. Tuy nhiên, quy định nâng thời hạn giao đất nông nghiệp chỉ phù hợp đối với những hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có hiệu quả. Còn đối với trường hợp có đất nhưng không sử dụng hoặc có đất nhưng cho thuê thì cần có chính sách nhất định để xử lý nhằm tạo công bằng trong sử dụng đất đai.

NGUYỄN XUÂN VÀNG (Hội viên Hội Luật gia tỉnh)


Quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai chưa cụ thể

Tôi thấy trong 8 trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai được quy định trong điều 67 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có một số trường hợp chưa cụ thể nên khó thực hiện. Chẳng hạn khoản h quy định “thu hồi đất trồng cây hằng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liền; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liền”, nhưng chưa rõ thế nào là không sử dụng? Việc nhiều diện tích trồng cây ăn quả không hiệu quả nên dân bỏ không chăm sóc, để cỏ mọc trong thời gian dài có bị coi là không sử dụng không? Rõ ràng cây vẫn được trồng trên diện tích đã được giao nên không thể coi là không sử dụng. Nhưng trồng cây ăn quả mà không chăm sóc, không thu hoạch được gì cũng là một sự lãng phí nếu kéo dài nhiều năm.

Một vấn đề nữa cần quan tâm là khi thu hồi đất vi phạm (ví dụ đất đầu tư dự án dở dang), thì tài sản trên đất có được đền bù không? Không đền bù thì vi phạm quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư. Đền bù thì không có tiền vì thực tế nhiều dự án được đầu tư khá nhiều hạng mục sau đó bỏ dở vì hết vốn. Nếu quy định không rõ dễ dẫn đến việc lợi dụng chính sách để trục lợi...

NGUYỄN DŨNG THÀNH(Văn phòng UBND huyện Thanh Hà)


(0) Bình luận
Minh bạch, trách nhiệm, tránh lạm quyền trong quản lý đất đai