Miếu Phạm Xá, di tích quốc gia ở quê ngoại chúa Nguyễn

07/08/2023 11:54

Miếu Phạm Xá hiện còn nhiều dấu tích từ thế kỉ XVIII và đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.


Miếu Phạm Xá

Miếu Phạm Xá ở làng Phạm Xá, xưa thuộc tổng Nguyễn Xá, huyện Tứ Kỳ (nay thuộc xã Ngọc Sơn, TP Hải Dương, là nơi thờ tứ vị thành hoàng đại vương của làng, trong đó có ngài Nguyễn Minh Biện – nhạc phụ của Triệu tổ tĩnh hoàng đế Nguyễn Kim và là ông ngoại của Chúa tiên Nguyễn Hoàng.

Quê ngoại chúa Nguyễn Hoàng

Thần tích của làng Phạm Xá kể rằng, Nguyễn Minh Biện làm quan cho triều Lê tới chức Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân thự vệ sự. Ngài sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, cha là Nguyễn Phúc Thọ giữ chức Quản giáo phường tư quan Trung lệnh cho triều Lê. Ngài sinh được 2 con trai, 1 con gái. Con trưởng là Nguyễn Nghiễm làm Lê triều Vũ lễ hầu, con thứ hai ngài là Nguyễn Ư Dĩ làm Lê triều Thái phó Uy quốc công. Con gái là Nguyễn Thị Ngọc Mai lấy Hưng Quốc công Nguyễn Kim sinh ra những người con nổi tiếng là Chúa tiên Nguyễn Hoàng, Nguyễn Thị Ngọc Bảo sau kết hôn cùng Trịnh Kiểm và là tổ mẫu của các chúa Trịnh.

Sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê (1527), Nguyễn Minh Biện theo Nguyễn Kim vào Thanh Hóa rồi sang Ai Lao. Nguyễn Kim mất, ngài về về hưu sau đó một thời gian thì mất. Bà Tĩnh hoàng hậu Nguyễn Thị Ngọc Mai thương xót, sai quan quân đưa về quê quán hậu lễ an táng, lập lăng, sắc phong trung đẳng thần để dân phụng sự và cấp cho dân 36 mẫu ruộng hương hỏa như thang mộc ấp, miễn binh dịch thuế khóa cho dân để trông coi việc thờ tự. Vì có công lao lớn, lại sinh ra tổ mẫu của nhà Nguyễn nên sau này ngài nhận được 7 đạo sắc phong của các vua nhà Nguyễn như: năm Minh Mệnh thứ 5 (1824) sắc phong Lê triều đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân thự vệ sự Nguyễn phủ quân tự Minh Biện, gia tặng Hựu Chính Phù Bình trung đẳng thần… Không những vậy, theo sách Hải Dương địa dư, chúa Trịnh còn nhận ngài là họ ngoại và lập đền thờ ở quê quán. Như vậy, miếu Phạm Xá là nơi thờ tự ở quê ngoại của không chỉ nhà Nguyễn mà còn cả của dòng chúa Trịnh.

Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia

Miếu Phạm Xá tọa lạc trên một gò đất cao, tương truyền là mộ thiên táng mối đùn của đức thành hoàng đệ nhất. Miếu quay hướng tây nam, minh đường là cánh đồng Quán Dội rộng lớn. Sau miếu là khu Văn chỉ của làng. Trước miếu có một gò nhỏ thờ Thần Đồng. Miếu từ lâu đã thờ tứ vị thành hoàng đại vương là: Chiêu Huân Ngũ thông Linh ứng đại vương có công phá giặc Chiêm Thành thời Trần; 2 vị thủy thần là: Trúc tân Duệ trí bến tre đại vương, Cao Minh Quảng Tế cửa ngòi đại vương (có công giúp làng làm mưa trừ hạn); vị thứ tư là Nguyễn Minh Biện, nhạc phụ của Triệu tổ tĩnh hoàng đế Nguyễn Kim.


Bức chạm với đao rồng độc đáo, hiếm có trên xà dọc ở hậu cung có niên đại từ thế kỉ XVIII

Ngôi miếu được xây dựng từ lâu, không rõ năm, nào nhưng đến nay vẫn còn những dấu vết xây dựng từ hơn 200 năm trước. Đó là những bức đục, chạm rồng trên gỗ mà theo nhà nghiên cứu Tăng Bá Hoành là đặc trưng của thời kỳ Lê – Trịnh thế kỉ XVIII. Sang đến thời Nguyễn – thế kỉ XIX, ngôi miếu được trùng tu nhiều lần. Sách Hải Dương địa dư có nhắc đến lần tu sửa vào năm Minh Mệnh thứ 4 (1823).

2 câu đầu ở nhà tiền tế còn ghi niên đại tu tạo của miếu. Câu đầu thứ nhất ghi một niên đại “doanh kiến” của miếu là năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), câu đầu còn lại ghi niên đại trùng tu là năm Thành Thái thứ 15 (1903).

Miếu có cấu trúc hình chữ đinh (丁) với 3 gian hậu cung và 5 gian tiền đường. Hậu cung là nơi đặt bài vị của tứ vị thành hoàng đại vương. Ở đây vẫn còn giữ được kết cấu gỗ rất cổ từ thế kỉ XVIII dưới thời Lê-Trịnh, đó là những bức đục, chạm rồng với đao rồng ở xà dọc rất đặc trưng, độc đáo và quý hiếm. Nhà tiền đường thì còn nhiều kết cấu gỗ được chạm, khắc, lũa đặc trưng đầu thời Nguyễn như các bức chạm khắc rồng trên bảy, đầu dư... Điều đặc biệt quý là hệ thống kết cấu gỗ còn tồn tại gần như nguyên vẹn qua hơn 200 năm thăng trầm của lịch sử.

Miếu hiện còn giữ được hệ thống hoành phi câu đối cổ kính như bức hoành phi: “Càn thủy khôn sinh” (trời tạo trước, đất sinh sôi) được tạo tác vào năm 1912 do Nguyên Thiện công tử cúng tiến; bức “Công tác nguyên tự” được tạo từ năm Khải Định thứ 5 (1920), hay đôi câu đối với chữ cổ:

Hách hách linh thanh hà nhạc lưỡng gian tồn tuấn liệt

Hi hi xuân thụ quản huyền vạn hộ mộc hồng ân.

Ngoài ra có thể kể đến những cổ vật gỗ khác rất quý hiếm được dùng vào ngày rước Thành hoàng như 1 bộ kiệu bát cống, 2 bộ kiệu tứ, long đình có mui rất hiếm, có niên đại từ cuối thế kỉ XVIII mà theo cụ thủ từ Đặng Văn Liệc 99 tuổi thì còn được gọi là “luyện”; đặc biệt 2 bộ y môn gỗ cực kỳ hiếm. Những cổ vật này được sơn thếp tỉ mỉ, hoa văn đục chạm sắc nét, độc đáo, công phu, đã nhuốm màu thời gian và còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay.

Theo thần tích, thần sắc thì tứ vị thành hoàng làng Phạm Xá nhận được tổng cộng 15 đạo sắc phong thời Nguyễn, đến nay còn giữ được 13 đạo.

Vì vị trí và những cổ vật quý giá, đa dạng, đặc trưng, lâu đời và nguyên vẹn như vậy mà năm 1999, miếu Phạm Xá được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

NGUYỄN ĐÌNH SƠN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Miếu Phạm Xá, di tích quốc gia ở quê ngoại chúa Nguyễn