Trong nhiều năm qua, Trường Tiểu học Phả Lại 2 (Chí Linh) gặt hái nhiều thành công nhờ đổi mới phương pháp dạy và học. Những thành tích nhà trường đạt được có sự đóng góp không nhỏ của Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Tân.
Năm 1992, vừa ra trường, cô Tân
(ảnh) được phân công về Trường Tiểu học Phả Lại 2. Trong quá trình giảng dạy, cô nhận thấy cách dạy truyền thống “đọc - chép” làm cho học sinh không phát huy được khả năng sáng tạo và thường rơi vào trạng thái thụ động. Từ đó, cô tích cực học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tìm hiểu kiến thức qua sách báo, tham khảo phương pháp dạy của một số giáo viên trường khác và mạnh dạn thực hiện dạy thí điểm ở lớp mình chủ nhiệm với phương châm lấy học sinh làm trung tâm.
Phương pháp của cô là giảng lý thuyết cho học sinh hiểu rồi lập nhóm thảo luận, giáo viên chỉ là người rút ra kết luận. Trong kiểm tra đánh giá học sinh, cô áp dụng phương pháp trắc nghiệm, thực hiện phân hóa các học sinh trong lớp từ yếu, trung bình, khá, giỏi. Với học sinh yếu, kém, cô hướng dẫn phương pháp học, có lịch theo dõi học tập, có kế hoạch trao đổi với phụ huynh về diễn biến học tập và kịp thời biểu dương những học sinh yếu có thành tích tốt. Đối với học sinh khá, giỏi, ngoài các tiết dạy trên lớp, cô hướng dẫn các em phương pháp giải các bài toán, giao nhiều bài tập về nhà, đồng thời giúp các em tự tìm ra các phương pháp khác nhau để giải bài. Thông qua những câu hỏi dí dỏm kết hợp với các động tác thực hành lý thú, cô đã khơi dậy niềm yêu thích môn học của học sinh và đặc biệt cho cả lớp làm quen với cách làm việc theo nhóm, tạo điều kiện cho học sinh nắm chắc kiến thức, giúp đỡ những bạn học chưa tốt thông qua trao đổi thông tin.
Thời gian đầu áp dụng phương pháp mới, cô bị một số đồng nghiệp lớn tuổi phản đối, vì cho rằng phương pháp này tốn nhiều thời gian cho soạn bài và làm khó học sinh.
Hiện tại, với vai trò là Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy - học được cô Tân tiến hành có chiều sâu hơn. Cô xác định, việc đổi mới phải bắt đầu từ giáo viên, do đó giáo viên khi soạn giáo án phải đi vào những chi tiết, cụ thể, có hình ảnh minh họa, đồng thời phải thường xuyên dự giờ, cập nhật kiến thức để xây dựng bài học, chống dạy chay, học chay. Cô thực hiện sắp xếp chuyên môn hợp lý và giao quyền chủ động cho từng giáo viên nhằm tạo điều kiện để giáo viên phát huy hết năng lực bản thân. Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và các trang thiết bị dạy học như máy tính, máy chiếu trong các phòng học, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề theo chủ đề của từng tháng. Để chống tiêu cực trong dạy học, trường thực hiện chấm điểm chéo giữa các khối, điểm do Ban Giám hiệu quản lý. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của Trường Tiểu học Phả Lại 2 tiến bộ rõ rệt. Trong năm học 2009- 2010, trường có 43% số học sinh đạt loại giỏi, 37% đạt loại khá, còn lại là trung bình.
Chia sẻ bí quyết thành công của mình, cô Tân cho biết, người làm công tác quản lý giáo dục phải có kiến thức, tư duy sáng tạo và mạnh dạn đổi mới. Hiệu trưởng phải là người chủ đạo, hòa mình vào tập thể để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh học sinh và chăm lo đội ngũ giáo viên. Tạo môi trường thân thiện trong nhà trường; tạo cảnh quan sạch, đẹp, gần gũi, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học trò. "Quan trọng nhất là mình phải có cái tâm, có lòng yêu nghề”, cô Tân khẳng định.
Với những thành tích đã đạt được, Trường Tiểu học Phả Lại 2 đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba (2003), Huân chương Lao động hạng nhì (2004), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2005), trường chuẩn quốc gia mức độ 2 (2010). Bản thân cô Tân vinh dự được lựa chọn là đại biểu đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những cống hiến của cô trong lĩnh vực giáo dục.
ĐIỀN MINH