Miền nhớ

29/10/2013 07:03



Minh họa: Văn Hà


Có vật gì áp vào ngực gã nằng nặng, rồi xê dịch ra hai phía hông sườn gây cảm giác nhồn nhột, âm ấm. Gã hé mắt, căn phòng quét vôi trắng mờ mờ rồi hiện dần để gã thấy những bóng người đứng sát bên, có màu trắng, ánh điện trắng, phía trên đầu bình dịch truyền cũng trắng nốt.

Tiếng người thì thầm lúc cái vật kia không còn áp vào ngực gã: “Xuất hiện dấu hiệu trụy tim mạch, bệnh nhân đang dần vào giai đoạn hôn mê sâu…”. Lại tiếng nói trầm trầm nghe rất xa xăm: “Bệnh nhân kháng thuốc hơn tuần nay, khả năng suy giảm miễn dịch biểu hiện rất rõ”. Rồi gã chìm vào cõi vô thức, trôi bềnh bồng. Gã cố mở mắt, miệng khẽ nhếch thì dòng nước chảy thật chậm qua miệng để gã hớp lấy, lại mơ màng một dòng suối trong vắt, có gió nhẹ khẽ lay từng tán lá lung linh những giọt nắng. Rồi có vật gì mềm mại phía dưới chân gã, lần lên, lần lên nữa và dừng lại nơi bàn tay cái vật ấy đọng rất lâu để gã cố hé mắt, cố gạt hàng mi sùm sụp cuốn lấy gã. Sau cùng, từ nơi xa mờ hiện dần, hiện dần khuôn mặt mẹ gã. Khuôn mặt đen gầy cùng những sợ tóc bạc trắng phủ lấy vầng trán hằn những vết nhăn đang cúi xuống. Rồi gã cảm giác nơi bàn tay còn lại, cũng có một vật ấm nóng truyền thẳng vào người để gã nhướng mắt nhìn. Bên kia, vợ gã, mắt thâm quầng đang phe phẩy chiếc quạt nan, thỉnh thoảng lại lấy tay chùi vội vệt nước mắt. Gã hé môi mấp máy. Nhưng chiếc muỗng nước từ tay vợ trờ tới làm gã sặc, chút tức tối xen lẫn ân hận để gã muốn tỏ bày, nhưng sức đã kiệt, gã lại ưỡn nhẹ thân mình trôi vào một miền nhớ…

…Miền nhớ của gã về một ngôi làng ở đó có bãi soi hoa mướp, có dòng sông hiền hòa mà tuổi thơ của gã đi qua, có những quả đồi mọc đầy hoa dủ dẻ để chiều chiều dong trâu sang đồi, quơ vội từng nhánh dủ dẻ khô nẻ đốt lên, vùi vội củ khoai tỏa mùi hương đất quê nhà. Những buổi trưa cùng mẹ bên cánh võng dưới lũy tre kẽo kẹt gió thu nhè nhẹ giọng ru hời. Xa lắm, tít tắp quãng đồng có ngôi trường dưới gốc cây gạo ra hoa vào mỗi tháng ba, tháng của những chú chuồn chuồn cánh đỏ cùng những cánh diều cất cao trên quả đồi lộng gió. Và gã cũng nhớ, mỗi năm vào độ thu về, mẹ gã tất bật cho những hạt lúa lúc gã vắt vẻo trên lưng trâu. Bếp lửa của mẹ trong đêm lại đỏ những vắt cơm thơm lừng.

Rồi vợ gã, cái cô bé tóc đuôi gà xóm giữa học cùng trường sau hai lớp đã từng bị nhát ma trên đường về, lúc ngang qua cây đa già buông nhánh chằng chịt phải khóc thét khi gã cùng đám bạn cười hí hố sau miếu. Cô bé phải dấm dúi từng trái ổi, quả thị chín mỗi khi đến trường. Chính cái sự dấm dúi đó mà sau này… Cô gái năm xưa sinh cùng gã nơi đồng ruộng, lúc lên mười cùng gã đi học để dần thành cô thôn nữ mảnh mai, chiếc đòn gánh mỏng manh, đôi thúng xinh xinh đặt trong đôi quang thanh mảnh với dăm món hàng nho nhỏ về chợ từng buổi làm gã chết sững mỗi lúc chiều từ trường huyện về. Cô bé đã thành vợ, đã biết lo toan, để đôi quang gánh trở thành người bạn mà đồng chang nắng, để đến bến sông này sang bãi sông kia, đến những buổi chợ phiên kiếm tiền nuôi gã ăn học.

Tiếng chim líu lo bên ngoài cửa sổ đã kéo gã trở về thực tại. Gã lại he hé mắt nhìn, căn phòng giờ sáng hơn có lẽ đã non trưa. Rồi có tiếng người đi lại, cười nói văng vẳng. Gã mấp máy môi thì chợt cảm giác dưới tay mình có vật gì thô ráp nắm nhẹ, rung lắc. Gã cố nhìn rồi nhận ra cha gã. Một khuôn mặt gầy gò, đầy vẻ khắc khổ thoảng trong tiếng thở dài. Cái người mà quanh năm cùng ruộng đồng, bờ bụi. Cứ mỗi mùa gió bấc hun hút buốt giá, cha làm bạn với áo tơi lá cùng cây sào tre lầm lũi băng đồng để lùa bầy vịt. Nước phù sa váng đục làm bộ đồ bà ba bạc thếch không che hết da thịt mà chắt chiu từng đồng bạc cho con ăn học.

Gã đã học, hùng hục mà học, học quên ăn quên ngủ, quên cả ngày cả tháng để khỏi nhớ về một miền quê lam lũ. Bạn bè gọi hắn với những cái tên của nhà bác học tên tuổi vì môn nào gã cũng giỏi. Gã gầy như Anh-xtanh, tóc xoăn như Men-đe-lê-ép, ngơ ngác như Ác-xi-mét bởi vạn vật hấp dẫn xung quanh mà chẳng biết gì cả. Mãi đến khi hắn nhận tấm bằng đỏ trên bục danh dự như Cô-lôm-bô tìm ra châu Mỹ lúc về được Nữ hoàng đón tiếp trọng thể thì vinh quang đã đến. Lúc mà cơn điên đảo của lạm phát phi mã trong nước chấm dứt, lúc mà cơ chế mới đã thoáng thì gã được trọng dụng, lúc mà sinh viên ra trường chưa phải chạy đảo điên gõ cửa từng cơ quan, doanh nghiệp ỉ ôi xin việc.

Bây giờ, gã lại học thêm môn học chẳng có trong danh sách đào tạo từ xưa đến nay, đó là trường đời với khoa thủ đoạn và cơ hội. Gã lại như một đứa bé vào lớp mẫu giáo bởi xuất thân từ vùng chiêm trũng, đầy bùn lầy lội mùa lũ, đồng khô nứt nẻ chân chim mùa hạn, người dân luôn phải sống trong chịu đựng thì xổ toẹt để mưu cầu việc lớn. Gã cũng không thể như Edớp muốn nổi tiếng nên cả gan đốt đền nữ thần La Mã, mà cần phải mềm mại uyển chuyển như đường cong pa-ra-bôn toán học với mọi người. Gã đã thành công khi được tin cậy, được xem là kẻ tham mưu trong các dự án kinh doanh mang về hàng đống tiền cho công ty.

Gã cũng từng một lần quay về làng cũ khi đã thành đạt. Cha mẹ thì già mà cảnh vật xung quanh chẳng mấy thay đổi. Gã giật thót khi gặp lại cô bé tóc đuôi gà năm xưa giờ thành vợ gã, cũng kẹp ba lá trên mái tóc lưa thưa không dày như thuở trước, chiếc quần nâu đen xoắn đến khuỷu lộ đôi chân đen đủi còn vết sình lầy, kẽ ngón vàng đục màu phù sa không còn là cô thôn nữ một thời gã mê đắm. Ba ngày ở quê gã thấy dài như quãng thời gian xa nhà sống trên đất phố. Gã không mong chờ điều gì, ngoài việc được trở về công ty, nơi ấy có căn phòng sang trọng, ngào ngạt nước hoa, máy điều hòa êm dịu, bóng hồng lả lướt… Buổi sáng gã đi, trời còn mờ sương, cô thôn nữ ngày nào tiễn gã đoạn đường trong im lặng, gã cũng im lặng như ba ngày qua không hề nhìn thêm một lần thứ hai. Qua cánh đồng tiếp giáp con đường lớn, gã buột miệng trong gió lạnh: “Cô về đi, cần gì cứ nhắn, tôi sẽ gửi…”. Lần này thì gã mong làm sao cô ấy khuất vào lũy tre, khuất hẳn thật mau vì xa kia, chiếc xe con bóng loáng đang lao tới vùn vụt đón gã trở về thành phố.

Công ty của gã làm việc mỗi ngày một mở rộng để trở thành một công ty mẹ, vốn đầu tư tăng vùn vụt đến chóng mặt cùng những chuyến đi nước ngoài như cơm bữa. Gã tận dụng những thủ đoạn cạnh tranh giúp những ông chủ thuê gã làm việc, tiền gã thu vào không kém để mặc sức tiêu bù đắp những thiếu thốn, sự ức chế của dục vọng. Đôi lúc gã cũng chạnh lòng khi trông thấy những kẻ từ quê ra phố bán sức lao động vì mất mùa, đói kém hoặc lúc về khuya sau khi say bí tỉ trong vòng tay của bao gái gọi, gái bao đầy chán chường. Gã bước ra ngoài nhìn bầu trời, nhìn những vì sao sáng mà nhớ vùng đất quê, gia đình lam lũ, người vợ gánh gạo dọc bờ sông nắng kiếm tiền cho gã ăn học thành tài. Gã từng gửi tiền về nhưng đều bị trả lại. Gã đành quay lưng hẳn.

Đùng cái, công ty mẹ vỡ nợ kéo theo các công ty con xóa sổ, liên đới hàng loạt trong các khoản nợ chồng chéo. Và thân phận gã chỉ là con kiến bò miệng chén khi biết rằng, sự làm ăn ma mãnh để bòn rút tiền Nhà nước ném vào những phi vụ liên doanh ma quỷ ngoài ra không có gì cả. Gã mất hết, trắng tay, đứng trơ trước vành móng ngựa, không một người thân, không giọt nước mắt, những người cùng nhóm trở thành kẻ thù của nhau, gã cúi nhận án cho những thủ đoạn của mình.

Từ trong niềm nhớ đó, trong những ảo giác xa gần chập chờn, gã chợt nghe có tiếng người gọi từ cõi xa xôi vọng lại như lọc trong màn sương. Lại có vật gì nằng nặng đặt lên ngực gã, xê dịch từng tý một lành lạnh, rồi cảm giác đôi tay mình có những cơn sóng ấm êm nhè nhẹ, cuốn siết để gã cố mở mắt, cố đẩy hàng mi cứ muốn ép chặt từng lúc từng lúc. Gã hé mắt nhìn, rồi từ từ nhận ra từng khuôn mặt bên cạnh. Người thân cùng thầy thuốc và kia nữa, người quản giáo của trại cải tạo. Một con người nhân từ nhưng nghiêm khắc, từng khuyên bảo, chở che khi gã cảm thấy tuyệt vọng cùng cực. Trong chiến tranh, ông ta đã mất tất cả người thân. Còn thời bình, thì gã lại mất tất cả. Một kẻ vì nghĩa lớn, một kẻ vì cơ hội mà lúc nhận ra đã quá muộn. Từ con người ông, nghĩa cử của ông gã muốn trở thành một con người lương thiện khi ra tù. Và gã thèm sống đến mấy, van nài vật vã đến mấy, cái chết cứ dần siết lấy từ từ, nó từ từ gặm nhấm một cách thỏa mãn, hả hê như những lúc gã ngồi trên ghế danh vọng. Gã thèm được về bên vòng tay mẹ như thuở nào, thèm theo cha đi bủa lưới ven sông, thèm đi bên cô thôn nữ dọc lũy tre làng vào mỗi mùa trăng, thèm được đón người quản giáo về thăm gã, thèm được ăn bữa cơm gạo mới với cá đồng nhà… Nhưng tất cả đã xa xôi lắm, giờ chỉ là nỗi nhớ cùng nỗi ân hận sau cùng.

Gã khẽ oằn người bởi ấm ức, mọi bàn tay đều nắm lấy gã như muốn truyền thêm hơi ấm và gã lại thả trôi vào một miền nhớ. Gần sáng, vị bác sĩ trực đi khám bệnh. Ông ái ngại nhìn người phụ nữ người nhà của bệnh nhân AIDS đang ngồi bó gối, đầu cúi gục dưới chân tường. Ông đến bên gã, ngạc nhiên khi thấy nơi khóe mắt còn đọng lại hai giọt nước đùng đục. Ông đặt ống nghe, ấn nhẹ vùng mạch cổ rồi khẽ lay người phụ nữ trước khi quay về phòng trực ký giấy xác nhận.

Ngoài kia, trời dần rạng.

Truyện ngắn củaHUỲNH THẠCH THẢO

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Miền nhớ