Người hoạ sĩ già lom khom ra mở cửa. Trên tay ông vẫn cầm nguyên cây bút vẽ. Có vẻ như ông không được khỏe lắm trong chiếc áo rộng thùng thình dính đầy các vết sơn:
- Cô hỏi ai?
- Thưa, cháu muốn gặp họa sĩ Thành Chung!
- Là tôi đây, mời cô vào nhà!
Cô gái chừng 30 tuổi, gọn gàng trong bộ đồ gin líu ríu theo chân chủ nhà bước vào trong. Căn phòng nhỏ xếp đầy các giá vẽ. Trên tường treo rất nhiều tranh với nhiều chủ đề khác nhau. Nền nhà chứa đầy hộp sơn, cọ và những cuộn toan chưa mở. Ông kéo ghế mời cô ngồi và lấy cho cô ly nước.
- Cô uống nước đi.
- Cháu xin. Thưa họa sĩ, cháu là Thanh Hương. Có người nhờ cháu gửi cho bác vật này.
- Thanh Hương? Cô... cô từ đâu tới?
Vừa hỏi, ông vừa đưa tay đỡ chiếc phong bì khổ lớn tự làm bằng giấy bìa cứng. Tay ông run run. Một bức tranh thiếu nữ hiện ra, nguyên vẹn, tuy đã hơi ố vàng. Thanh Hương đứng dậy, cô đi quanh phòng nhìn ngắm các bức tranh.
Cô dừng lại rất lâu trước tấm “Thiếu nữ bên hoa sen” - phiên bản của bức tranh cô vừa trao cho họa sĩ. Bức tranh được treo ở nơi trang trọng nhất, dễ thấy nhất. Bên dưới nó là chiếc bình cắm 9 đóa sen khô.
*
Đã mấy hôm nay, bà Sâm thấy có một chàng thanh niên mang giá vẽ đến đặt ở góc vườn chè nhà bà, phía trước là hồ sen của hợp tác xã. Đúng tháng 5, hồ sen mênh mông, hồng rực, thơm ngát. Đàn bướm ở đâu bay về rất nhiều. Chúng bay lượn, đậu rập rờn trên những búp sen mơn mởn. Cậu thanh niên mê mải làm việc, quên cả thời gian. Sáng sớm khi mặt trời vừa le lói đã thấy cậu lỉnh kỉnh đồ nghề, tìm chỗ đặt giá vẽ. Có hôm quá trưa mới lại thấy cậu thu dọn đồ đạc về nghỉ. Sự xuất hiện của người lạ trong vườn làm Sen - con gái bà Sâm không khỏi tò mò. Từ mảnh sân nhỏ nhà mình, cô đứng lặng im quan sát. Lúc thì thấy cậu thanh niên tung tẩy cây bút vẽ, lúc lại thấy cậu đứng thừ người ra. Rồi xóa xóa, gạch gạch. Nét nọ chồng lên nét kia... Chẳng khó khăn gì, Sen được biết cậu thanh niên đó là sinh viên trường Đại học Mỹ thuật đi thực tập. Lớp sinh viên ở tận Thủ đô lại lên mãi vùng đồi nghèo khó, trơ cằn này để tìm cảm hứng sáng tác, quả là điều lạ đối với những người dân quê ở đây quanh năm chỉ biết có gánh gồng ngô, khoai, chè, sắn... và bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Họ làm cho làng quê của cô bỗng nhiên như trẻ trung hơn, sinh động hơn và cũng làm thức tỉnh mơ ước cho những thanh niên mới lớn như Sen về một vùng đất mới với những nhộn nhịp, ồn ào mà cô và các bạn cô chưa từng biết đến.
Ngày thứ chín của đợt đi thực tế. Khi hồ sen vừa cựa mình bừng nở, tỏa hương ngào ngạt trong nắng mai, Sen đã thấy chàng thanh niên đeo ba lô lặng lẽ tìm đến góc vườn. Anh đặt đồ nghề xuống rồi men ra bờ hồ, thả đôi chân trần xuống nước. Sen ngừng tay quét sân nhìn ra.
Những giọt sương long lanh đậu trên cánh sen, tròn như mắt thỏ trong veo ngơ ngác, đôi chú ếch xanh ngồi trên lá sen dập dềnh trên mặt nước như thôi miên người thanh niên. Cậu cứ ngồi như thế, lâu lắm mới đứng dậy. Hôm nay, cậu sẽ đặt giá vẽ ngay mép hồ. Căng tấm toan lên khung, cậu bắt đầu múa bút. Không để ý đến bất cứ việc gì xung quanh, cậu chìm trong cảm hứng. Chú Bin con từ đâu ngoe nguẩy chạy tới, càm ràm vào chân cậu đùa cợt, làm quen. Người thanh niên cúi xuống, làm một đường sơn vạch lên lưng con chó: "Chú mày để ta làm việc đã nhé!". Con Bin tưởng được đùa lại, co người nhẩy cẫng lên, xô cả vào chân chiếc giá vẽ. Cậu sinh viên tái mặt, đỡ lấy chiếc giá, nhưng không kịp. Cả người và chiếc giá lộn nhào xuống hồ. Con Bin ư ử rít lên. Sen ngừng tay cho lợn ăn, cô vừa nghe thấy có tiếng động gì đó khá lớn phía dưới hồ. Nhìn xuống không thấy người thanh niên, chỉ thấy con chó bốc hai chân trước lên cao, hướng ra mặt hồ, miệng rối rít kêu. Sen ào xuống. Anh nằm sấp, chúi mặt xuống bùn, chiếc giá văng qua phía trước, đè bẹp một khoảng sen. Cô vội vàng nhảy xuống hồ, chật vật lật ngửa người thanh niên lên và kéo anh vào bờ. Sen té nước hồ rửa lớp bùn đất bê bết trên mặt cậu rồi mới lội ra mang chiếc khung giá vẽ ướt đẫm vào cho anh. E ngại. Rụt rè. Cậu sinh viên lúng búng cảm ơn Sen đã cứu mình. Trưa đó, cậu ở lại ngôi nhà của mẹ con bà góa.
Một tháng sau, đoàn sinh viên hết thời gian thực tập. Họ chuẩn bị về trường thi tốt nghiệp. Tối trước ngày về Hà Nội, Thành Chung đến chào từ biệt mẹ con bà Sâm. Anh tặng cô bức tranh “Thiếu nữ bên hoa sen” làm kỷ niệm. Người con gái trong tranh có khuôn mặt thanh tú, thánh thiện, giống y chang gương mặt Sen. Suối tóc thả dài, mượt mà rủ xuống những đóa sen mà cô cầm trong tay. Phảng phất một nỗi buồn kín đáo. Mong manh. Thành Chung hẹn, thi tốt nghiệp xong, anh sẽ trở lại vùng này thăm mẹ con cô. Anh sẽ trở lại hồ sen, tìm lại dư âm ngọt ngào hôm nào...
Về trường, Thành Chung lao vào làm đề tài thi tốt nghiệp. Anh như mụ đi trước công việc. Ngày đêm tất bật phác thảo, rồi lại thực hiện trên giá vẽ, anh không còn mấy thời gian để nhớ đến góc vườn có hồ sen thơm ngát, có người con gái quê mùa nhưng xiết bao dịu dàng, nhân hậu. Cũng có đôi phút thảnh thơi, Thành Chung thấy lòng quặn thắt. Nhớ ánh mắt ướt rượt hôm chia tay. Nhớ lời hẹn tìm về. Anh nôn nao nhớ về miền ký ức sâu thẳm. Sau những phút giây như vậy, anh lao vào vẽ. Kỷ niệm về Sen cứ tan chảy, ngấm sâu trong anh, làm cho cảm xúc thăng hoa, lúc êm đềm, khi dữ dội...tuôn trào qua từng nét vẽ. Những bức tranh có hồn dần dần hiện ra. Tác phẩm của Thành Chung được giới phê bình mỹ thuật đánh giá cao. Chưa tốt nghiệp nhưng anh đã có tranh treo ở khá nhiều nơi.
Những ngày thi tốt nghiệp chộn rộn qua đi. Trong khi chờ đợi nhà trường cấp bằng và phân công công tác, anh đi làm thêm. Những ám ảnh về Sen luôn hiển hiện trong các bức vẽ của Thành Chung. Nhưng không tấm nào vượt được “Thiếu nữ bên hoa sen”. Ra trường, anh được phân công về một tỉnh xa công tác. Lại tiếp tục những tháng ngày bận rộn cho công việc mới. Thời gian không ngừng trôi. Anh chưa có dịp trở lại thăm Sen như lời hứa... Vài mối tình đi qua, nhưng không đến hồi kết thúc. Có người bảo anh là họa sĩ lập dị; kẻ chê anh nghèo, không có tương lai. Từng người một bỏ anh ra đi, không hồi âm. Chỉ còn sơn, dầu, còn toan, còn giá vẽ làm bầu bạn khuya sớm. Anh đắm chìm trong sáng tác để quên đi những mối tình buồn.
Lần theo trí nhớ, Thành Chung ngồi chép lại bức tranh đã vẽ tặng Sen năm nào. Anh không đủ can đảm để tìm về quê cô vì nghĩ rằng chắc giờ Sen đã êm ấm gia thất, đã con đàn cháu đống bên những vườn chè, nương sắn của mình. Mùa sen, ngày nào anh cũng đặt mua 9 bông cắm vào bình. Trái mùa, anh trưng sen khô dưới bức tranh chép lại. Sau mỗi ngày làm việc, trước khi đặt lưng xuống giường, anh lại mang rượu ra nhâm nhi và trò chuyện với cô gái trong tranh. Thì thầm những lời thương nhớ, dằn vặt... Rất nhiều đêm anh nằm mơ thấy hồn mình lang thang đi tìm sen. Những đóa hồng, đóa trắng, những cánh bướm xinh xinh, ẩn hiện. Đôi vợ chồng ếch tự tình trên chiếc lá dưới đêm trăng và bàn tay mềm mại luồn xuống bụng, lật ngửa anh lên, thoa chiếc lá sen xanh mướt lên mặt, rũ đi mùi bùn nâu ngai ngái...
*
Thoáng đó mà đã mấy mươi năm. Chàng thanh niên ngày nào giờ sắp đến lúc về hưu. Ông vẫn một mình ra vào căn nhà nhỏ khiêm nhường trong ngõ sâu thành phố. Vẫn thưởng sen, trưng sen mỗi ngày bên cạnh món đồ nghề lỉnh kỉnh, thiết thân bao năm qua. Mấy năm gần đây, ông nuôi ý định đi tìm cô gái đã cứu ông ngày xưa để tạ tội, nhưng sức khỏe không cho phép nên ông cứ lần lữa chưa đi. Chính vì vậy mà lòng ông không thôi canh cánh, ân hận: Giá thời còn trẻ, cứ đánh liều đi tìm cô ấy một lần... Rồi, ông lại nhủ thầm, đợi đến lúc được nghỉ hẳn, ông sẽ khăn gói đi tìm. Có thế, những năm cuối đời ông mới được thanh thản.
Bàn tay ông rờ rẫm trên gương mặt thiếu nữ trong tranh. Từng dòng hồi ức hiện về như những thước phim quay chậm. Đủ đầy, không thiếu một chi tiết nhỏ. Cô gái sau một hồi quan sát, ngắm nhìn các bức tranh trên tường mới quay lại. Ông vẫn trầm ngâm ngồi đó, hóa thân vào những nét vẽ với muôn vàn ưu tư, khắc khoải. Đôi mày rậm chau lại: người ấy bây giờ ở đâu? Tim ông thổn thức, giằng xé. Đôi mắt ông nhòa lệ...
Ông giật mình ngẩng lên khi nghe có ai đó hỏi:
- Bác có nhận ra bức tranh này không ạ?
- Tôi... tôi vẽ cô ấy trước ngày chia tay. Cô ấy đã khóc rất nhiều... Tôi còn nhớ, lúc tôi khoác ba lô bước đi, cô ấy không ra tiễn mà chạy vào giấu mặt sau tầu cọ ở hiên nhà mà khóc. Bao năm rồi, đôi mắt ấy vẫn cứ ám ảnh, day dứt trong tôi...
- Sao bác không đi tìm người ấy?
- Tôi, tôi...
- Bác có biết...
Ông nhìn sâu vào mắt người đối diện. Hai giọt nước trong veo lăn ra trên khóe mắt cô gái, cũng long lanh, cũng ầng ậc như mấy chục năm trước.
- Cha!...
Người họa sĩ già bàng hoàng như không tin vào tai mình. Ông lắp bắp:
- Cô???
- Con đây, con là con gái của cha đây. Mẹ con bảo con đi tìm cha...
Cô gái òa khóc nức nở.
Đất trời chao nghiêng trước mặt. Ông luýnh quýnh quờ tay bấu chặt vào thành ghế. Một dòng máu nóng chạy giần giật dọc sống lưng, lách vào tim ông nhói buốt. Nó mách ông về sự hiện diện của cô gái, thân thuộc, máu mủ đến nhường nào. Ông không ngờ, đời mình lại có một kết cục như vậy.
- Con, con đến đón cha. Mẹ đang đợi cha về.
Bỗng nhiên, ông như thấy lại cả một vùng đồi yên ả, trong lành đầy tiếng chim hót. Thấy Sen chèo thuyền trong ban mai ra hái mấy bông hoa về cắm vào cái lọ sành ông thường đựng bút vẽ... Ông còn thấy cả con Bin tinh nghịch quẩn quanh bên cạnh rồi bất ngờ ngoàm mất chiếc dép ông vẫn dành để Sen ngồi khi hai người ngắm trăng bên hồ... Trái tim tưởng như khô cằn của ông giờ lại cất tiếng hát. Nó giục ông trở về nơi hồ sen sau bao năm xa vắng. Nơi ấy, miền quê ấy có người mà ông đã nặng lòng suốt một thời trai trẻ.
Một làn gió nhẹ ùa vào căn phòng làm những búp sen khô rung ngân xào xạc. Lại sắp đến mùa sen nở!
Việt Trì, 8-8-2010.
Truyện ngắn củaVŨ KIM LIÊN