Kết quả giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho thấy, tác nhân gây ra 14 ca tay chân miệng tại miền Bắc trong đầu năm 2011 gồm cả vi rút EV71 (C4) và vi-rút Coxsackievirus (CA16).
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ cho biết, từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước đã ghi nhận 6.112 trường hợp mắc tay chân miệng tại 30 địa phương trong đó đã có 17 trường hợp tử vong (96,6% là ở khu vực miền Nam). Còn tại miền Bắc, ghi nhận 14 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 6 tỉnh và không có trường hợp nào tử vong.
Trên thực tế, vi rút EV71 đã được phát hiện ở TP Hồ Chí Minh từ năm 2003. Và trong đợt dịch 2005 ở TPHCM, có tới 42,1% ca bệnh có liên quan với vi-rút EV71 (19,3% có biểu hiện nặng, 1,7% tử vong) và 52,1% liên quan đến vi-rút CA16. Còn giai đoạn 2007-2009, mỗi năm có hàng chục ngàn ca bệnh, tỷ lệ tử vong là 0,23%. Còn tại miền Bắc, theo báo cáo năm 2008, đã có 55 ca bệnh (1/3 là do vi-rút nguy hiểm EV71) ở 13 tỉnh và không có ca tử vong.
Týp vi-rút EV71 gây bệnh cảnh tay chân miệng nặng hơn. Vì thế, cha mẹ cần để ý dấu hiệu của con,
kịp thời đưa ngay tới viện để phát hiện sớm nguy cơ biến chứng
“Theo Tổ chức Y tế thế giới, dù vi-rút EV71 thường gây bệnh nặng hơn so với các vi rút khác nhưng đến nay không có bằng chứng thuyết phục nào về sự biến chủng của vi-rút EV71 có thể làm tăng quá trình nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương và gây tử vong”, TS Hiển nói.
Theo đó, ông Hiển cho rằng có thể có nhiều yếu tố dẫn đến một ca tay chân miệng tử vong như bệnh diễn biến nặng hơn do nhiễm trùng, thay đổi đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào, yếu tố kháng nguyên phù hợp tổ chức. Người ta cũng chưa biết mối liên quan giữa các yếu tố như tuổi, giới, vị trí cảm thụ của vi-rút... với mức độ nặng của bệnh. Vì thế, để nắm bắt được những vấn đề này cần phải theo dõi giám sát chặt chẽ sự biến đổi của vi-rút và cần có các nghiên cứu sâu và toàn diện hơn để hiểu rõ các yếu tố làm cho bệnh nặng hơn và làm cơ sở phát triển vắc-xin phòng bệnh.
Tú Anh (DT)