Ở làng tôi, trên bức tường gạch của ngôi nhà nằm sát đường cái có một câu ca, mãi những năm 1960-1961 lứa chúng tôi vào học cấp I, vẫn thấy nguyên vẹn:“Con mèo nó kêu meo meo/ Những chàng lười học nằm queo một mình!”

Hồi Bình dân học vụ (phong trào xóa nạn mù chữ trong toàn dân được Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động ngày 8.9.1945), khắp chợ cùng quê, nhà dân, đình chùa, miếu mạo… chỉ cần vài chiếc ghế băng, quanh cái phản nằm, cánh cửa, phên liếp là đã có thể thành lớp học. Cổng làng, vách nhà, tường điếm canh… đâu đâu cũng có khẩu hiệu tuyên truyền, cổ vũ thi đua “diệt giặc dốt”.

Ở làng tôi, trên bức tường gạch của ngôi nhà nằm sát đường cái có một câu ca, mãi những năm 1960-1961 lứa chúng tôi vào học cấp I, vẫn thấy nguyên vẹn:“Con mèo nó kêu meo meo/ Những chàng lười học nằm queo một mình!”

Hơn nửa thế kỷ nay, dấu tích hiện vật không còn nhưng trong đầu tôi vẫn văng vẳng câu ca ấy, nó khẳng định một lẽ hiển nhiên: Mèo kêu meo meo. “Meo meo” thì chỉ có thể là tiếng của loài mèo. Trời sinh ra thế. Mèo không thể phát âm khác được. Và cũng đố tìm thấy động vật nào khác mèo mà kêu “meo meo”. Tương tự, "Chàng lười học thì nằm queo một mình". Bởi toàn dân đi học. Ở đâu cũng trao đổi chữ nghĩa. Người không đi học thì biết gì mà nói chuyện chữ? Biết chơi với ai? Hiển nhiên là chơi một mình. Một mình buồn tênh, chán chường - “Nằm queo”, thật là gợi cảm.

Câu ca cũng biểu thị sự gần gũi giữa con người và chú mèo nhà. Tiếng kêu của mèo trong ngữ cảnh này như hàm chứa sắc thái của sự sẻ chia và là lời trách móc. Thử đặt chàng lười học là người chủ của chú mèo đáng yêu, ta có thể hình dung ra tiếng kêu của mèo ở đây không chỉ là phản xạ bản năng sinh vật. Nó là tiếng than buồn trước cảnh đơn lạnh của người chủ nhà thui thủi một mình. Nó trách móc. Ai bảo cứ lười học? Làm người mà mù chữ thì con vật nuôi cũng đau lòng, cũng xấu hổ lắm! Và mèo không đồng tình. Cho nên, mèo nhắc nhở: Nếu cứ lười học, chẳng ai chơi với đâu! Hãy đi học, cho bằng anh bằng em, để có bạn bè, để được tôn trọng… Tất cả những ý tứ ấy, mèo không nói ra thành lời như người được, chỉ “meo meo” thôi.

Câu ca là một cặp tiểu đối khá lý thú. Một bên là mèo, kêu meo meo, không bao giờ kêu khác được (sự bất biến). Một bên là chàng lười học, nằm queo một mình; nhưng nếu chăm học thì sẽ không lâm vào cảnh ấy nữa, điều mà con người hoàn toàn có thể làm được (sự khả biến). Điều này cho thấy, mặc dù ở gần, thương nhau lắm, nhưng chỉ có người mới biết rèn luyện cải biến mình và cải biến xã hội. 

Do gắn với cuộc sống người nông dân một cách tự nhiên nên khi đã diệt xong giặc dốt, câu ca mộc mạc, giản dị ấy vẫn được vận dụng khá linh hoạt, rộng rãi. Có cả “Con mèo nó kêu meo meo/ Người hay mắng vợ nằm queo một mình!”. Không chịu kém cạnh, kẻ “hay mắng vợ” kia cũng: “Con mèo nó kêu meo meo/ Những cô đỏng đảnh nằm queo một mình!”…

PHẠM XƯỞNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Meo meo”