Những mẹo làm đẹp được chỉ trên TikTok như chích da bằng kim hay chườm đá được các chuyên gia nhận xét tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Slugging: Tạp chí Washingtonian cho biết hashtag #skincare thu hút hơn 79 tỷ lượt xem. Tuy nhiên, một số mẹo làm đẹp trên TikTok được các chuyên gia cảnh báo gây hại cho làn da, theo Grazia. Slugging (đắp mặt bằng lớp Vaseline dày qua đêm) nhanh chóng trở thành phương pháp dưỡng ẩm phổ biến với những người muốn có “làn da thủy tinh”. Tuy nhiên, xu hướng làm này dễ khiến lỗ chân lông bị tắc nghẽn, gây mụn nghiêm trọng.
Chườm lạnh được thực hiện bằng cách cho đá vào túi và thoa lên da. Đây không phải là phương pháp xâm nhập nguy hiểm nhưng cũng không được các chuyên gia khuyến khích. Bác sĩ Waleed Taleb đến từ bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ hàng đầu ở châu Âu Vera Clinic cho biết chườm đá trong thời gian dài sẽ làm da mẩn đỏ, có thể gây châm chích.
Tự làm tẩy da chết bằng cà phê: Những hạt nhỏ được xay ra khi cọ xát với da sẽ gây đỏ và thô ráp sau đó. Nếu muốn thử tẩy tế bào chết tự chế, chuyên gia khuyên bạn nên áp dụng với vùng da da cơ thể. Bởi da mặt mỏng, nhạy cảm hơn.
Microneedling (lăn kim): Phương pháp này thu hút gần 400 triệu lượt xem. Nhiều người dùng mạng quay video tự chích vào da bằng những mũi kim siêu nhỏ với hy vọng kích thích sản sinh collagen, đẩy lùi lão hóa. Tuy nhiên, nó đi kèm với những rủi ro. Huyết thanh được sử dụng trong thủ thuật này có thể gây dị ứng. Vết thương do mũi kim tạo ra có thể bị nhiễm trùng nếu không được làm sạch đúng cách.
Gua sha là công cụ làm bằng pha lê như thạch anh hồng hoặc ngọc bích. Nó thường được sử dụng hàng ngày vào cuối quy trình chăm sóc da. Nhiều người thực hiện vì muốn cải thiện độ đàn hồi cho da. Tuy nhiên, những lợi ích này ít được chứng minh. Theo Waleed Taleb, bề mặt gua sha dễ tích tụ vi khuẩn khiến mặt nổi mụn.
Thoa kem đánh răng lên da để qua đêm với lượng nhỏ bằng hạt đậu là phương pháp được lan truyền có tác dụng làm xẹp mụn. “Dù có các đặc tính làm khô trong kem đánh răng, phương pháp này không đáng để mạo hiểm. Nó có thể gây kích ứng da”, chuyên gia nhấn mạnh.
Vẽ henna lên mặt để tạo những đốm tàn nhang đã tạo nên làn sóng tranh cãi trên mạng xã hội. Ngoài hình ảnh chi chít những đốm nhỏ trên mặt tạo cảm giác đáng sợ, phương pháp này còn bị phản đối vì tiềm ẩn nhiều rủi ro. Henna lâu nay chỉ được khuyên dùng cho tóc và tay. Thậm chí, một người dùng mạng cho biết mình không thể xóa những đốm nhỏ sau khi vẽ.
Theo Zing