Khó nuốt, nứt nẻ môi, hôi miệng, giảm vị giác - tất cả đều là triệu chứng khô miệng. Hãy thử những mẹo dưới đây để đẩy lùi tình trạng này nhanh chóng.
Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá không phải là nguyên nhân gây khô miệng, nhưng có thể khiến tình trạng khô miệng tồi tệ hơn. Đó là bởi hút thuốc lá làm giảm tiết nước bọt.
Nhai kẹo cao su: Một mẹo đơn giản để giảm khô miệng là nhai kẹo cao su - đương nhiên là loại không đường, hoặc ngậm kẹo cứng không đường. Cả hai cách này để kích thích tiết nước bọt, đặc biệt nếu bạn dùng các loại kẹo có vị cam, chanh, quế hay bạc hà.
Ngừng uống thức uống chứa caffeine: Các thức uống chứa caffeine như trà, cà phê hay soda có thể là nguyên nhân gây khô miệng. Các thức uống có cồn cũng có thể gây mất nước, làm chứng khô miệng càng tệ hơn. Do đó, hãy tránh các thức uống nói trên, đồng thời tránh các thức uống nhiều đường hoặc axit để tránh gây viêm khoang miệng.
Giữ ẩm cho không gian xung quanh: Một trong những cách đơn giản để trị khô miệng tại nhà vào ban đêm là đặt một chiếc máy tạo ẩm không khí trong phòng ngủ. Điều này giúp làm tăng độ ẩm trong phòng, từ đó thuyên giảm các triệu chứng khô miệng.
Uống nước: Khô miệng là hậu quả của việc tuyến nước bọt không tiết đủ nước bọt. Uống nước thường xuyên trong ngày sẽ giúp giữ cho khoang miệng của bạn đủ ẩm.
Súc miệng: Nếu bạn muốn ngăn tình trạng khô miệng trong lúc ngủ, hãy súc miệng trước khi đi ngủ với các loại nước súc miệng dành riêng cho người khô miệng. Các sản phẩm này sẽ chứa xylitol - một loại cồn có vị ngọt được chiết xuất từ mô thực vật.
Thở bằng mũi: Hãy luyện tập việc luôn thở bằng mũi, vì thở bằng miệng có thể gây khô miệng và khô khoang mũi. Nếu bạn đang điều trị ngạt mũi do cảm lạnh hoặc dị ứng, hãy tránh dùng thuốc kháng histamin, vì chúng có thể khiến chứng khô miệng càng tệ hơn.
Điều chỉnh chế độ ăn uống: Các thực phẩm cay hoặc mặn không hẳn là nguyên nhân gây khô miệng, nhưng chúng có thể gây đau miệng. Các thực phẩm khô cũng sẽ khó ăn khi miệng bạn không tiết đủ nước bọt. Bạn nên chuyển sang ăn các thực phẩm nhạt và ẩm ở nhiệt độ phòng hoặc lạnh hơn khi bị khô miệng.
Súc miệng với nước muối ấm: Súc miệng với hỗn hợp nước ấm và 1 thìa muối sẽ giúp kích thích tuyến nước bọt tiết nước bọt, từ đó giảm triệu chứng khô miệng.
Theo VOV