Ngay từ đầu năm 2018, Thủ tướng đã chỉ đạo “đừng để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”. Kết quả là, tăng trưởng GDP quý I.2018 đã đổi chiều hẳn so với quý I của 10 năm nay...
Hết thời đầu năm thong thả
Ngày 15.1.2018, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Bộ KH-ĐT phải thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện Nghị quyết 01 để có kịch bản tăng trưởng cho quý I.2018 và các quý tiếp theo, đừng để "đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.
Trước đó, ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm 2018, ngày 1.1.2018 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Trong đó đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp cụ thể, giao nhiệm vụ sát sườn cho từng bộ ngành.
Tăng trưởng quý I rất ấn tượng. |
Sự quyết liệt, thúc đẩy từ người đứng đầu Chính phủ là có lý do khi “truyền thống” cả chục năm nay cho thấy, quý I luôn là quý có mức tăng trưởng rất thấp so với các quý còn lại của năm. Tâm lý “tháng giêng là tháng ăn chơi” cùng yếu tố mùa vụ khiến cho những quý về sau, tăng trưởng luôn trong tình trạng phải chạy nước rút.
Kết quả là, lần đầu tiên sau 10 năm, tổng sản phẩm trong nước GDP quý I.2018 ước tính tăng tới 7,38% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê nhấn mạnh “đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây”. Cụ thể: Quý I năm 2009 tăng 3,14%; quý I năm 2010 tăng 5,84%; quý I năm 2015 tăng 6,2%; quý I năm 2017 tăng 5,15%...
Thực tế Tổng cục Thống kê, Bộ KH-ĐT cũng thẳng thắn nhìn nhận GDP quý I năm nay tăng cao bởi quý I năm nay có nhiều yếu tố tác động tốt đến tăng trưởng hơn quý I năm ngoái. Quý I năm 2017, Samsung gặp sự cố về điện thoại nên hoạt động sản xuất ở Việt Nam bị chững lại một phần. Mặt khác, Formosa khi đó cũng chưa đi vào hoạt động. Trong khi đó, quý I năm nay, Samsung đang vận hành bình thường và có tăng trưởng tốt, Formosa đi vào hoạt động nên đã góp phần vào tăng trưởng của quý I.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: Các năm trước có hiện tượng sản xuất theo mùa vụ nên tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Năm nay yếu tố mùa vụ có nhưng không tác động nhiều như các năm trước. Điều này khiến GDP quý I năm nay tăng cao”.
Trao đổi với PV.VietNamNet, TS Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia, cho rằng: Nhìn chung, dự báo cho đến bây giờ vẫn đánh giá khá tích cực tăng trưởng của năm 2018, tăng trưởng ít nhất vẫn bằng được năm 2017 là 6,81%. Cho đến giờ cũng có một số yếu tố tích cực hỗ trợ cho tăng trưởng cao như lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của năm 2017 sẽ được giải ngân trong năm 2018, góp phần kích được tăng trưởng. Hai là các thuận lợi trong việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng là động lực quan trọng cho tăng trưởng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cũng đánh giá tăng trưởng quý I là “con số rất tích cực”. “Trong thời gian dài ta mới có tăng trưởng quý I duy trì ở mức cao như vậy. Đó là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đã có những hồi phục tương đối vững chắc”, ông Đinh Tuấn Minh chia sẻ.
Đẩy mạnh sản xuất ngay từ đầu năm |
Mục tiêu tăng trưởng 2018 còn thách thức
Dù tăng trưởng GDP quý I tăng cao nhưng Bộ KH-ĐT lưu ý rằng tăng trưởng các quý sau có thể có xu hướng giảm dần, do đó Bộ này cũng chỉ thận trọng đặt ra mục tiêu tăng trưởng cả năm 2018 ở mức đạt mục tiêu 6,7%. Kịch bản lạc quan hơn thì có thể đạt 6,8%.
Theo TS Trần Toàn Thắng, còn nhiều yếu tố cần phải cảnh báo, có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của năm 2018. Bởi, đây là thời kỳ tốc độ trả nợ của Việt Nam tăng cao, làm hạn chế luồng vốn cho đầu tư. Trong khi đó, vẫn chưa nhìn thấy quyết sách có tính đột phá trong điều hành liên quan cắt giảm chi thường xuyên.
Ông Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho rằng: Quý I năm nay tăng trưởng tốt hơn nhiều quý I năm ngoái.
Về thời gian tới, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng “cần nhìn xa trông rộng”, dự báo không chỉ cho năm 2018 mà cho 2019-2020 nữa, lường trước các tình thế có thể xảy ra để điều tiết cho tốt, phản ứng với biến động bên ngoài.
“Hiện nay nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nhất thế giới, độ mở gần 200% GDP, vốn hóa thị trường chứng khoán là 80% GDP, đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài lớn,... cho nên tất cả yếu tố biến động bên ngoài đều ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam. Trên thế giới thị trường tài chính có nhiều yếu tố bất trắc, chính sách tiền tệ các nước thay đổi, nên có nhiều biến động, chắc chắn ảnh hưởng nhiều đến thị trường tài chính Việt Nam, qua đó ảnh hưởng tỷ giá và lãi suất. Cho nên Thủ tướng đã chỉ đạo chính sách tài khóa, tiền tệ hết sức thận trọng nhưng vẫn hỗ trợ tăng trưởng”, ông Vũ Viết Ngoạn nhận định.
Trước việc xu hướng bảo hộ, căng thẳng thương mại trên thế giới có chiều hướng gia tăng, TS Trần Toàn Thắng cho rằng: Chính sách bảo hộ như của Mỹ không quá bất ngờ như trước đây mà đều dễ được dự báo. Bản thân thị trường và doanh nghiệp sẽ điều chỉnh được quan hệ thương mại và đầu tư theo các tín hiệu đó. Nó cũng không tạo ra các cú sốc quá lớn.
“Ví dụ như cá tra, Mỹ vừa rồi cũng đánh thuế cao với cá tra nhưng thị trường cũng điều chỉnh nhanh bằng cách xuất khẩu sang Trung Quốc. Tất nhiên đó cũng là một rào cản cho hàng Việt Nam vào Mỹ. Câu chuyện chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng được dự báo từ trước và các DN xuất khẩu đều có những chiến lược hấp thụ các cú sốc thị trường cho nên không có gì đột biến quá nhiều. Nếu căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ lên cao có khi cũng tạo ra kẽ hở cho hàng Việt Nam vào Mỹ”, TS Trần Toàn Thắng nhận định.
Theo Vietnamnet