Mẹ Việt Nam, huyền thoại bất tử

24/07/2022 07:34

Đã 75 năm đã trôi qua kể từ ngày 27.7.1947, những nén tâm nhang vẫn đều đặn được thắp lên thành kính khắp các nghĩa trang, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Lòng tri ân của bao thế hệ người Việt lại có dịp hướng về hàng ngàn thương binh, bệnh binh, hướng về các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tìm về bên Mẹ.

Đã 75 năm đã trôi qua kể từ ngày 27.7.1947, những nén tâm nhang vẫn đều đặn được thắp lên thành kính khắp các nghĩa trang, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Lòng tri ân của bao thế hệ người Việt lại có dịp hướng về hàng ngàn thương binh, bệnh binh, hướng về các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tìm về bên Mẹ.

Mẹ là một phần của lịch sử bi tráng, đau thương, là những nốt nhạc trầm - thăng trong bản trường ca bất tử, đầy kiêu hãnh, tự hào. Mẹ thầm lặng mà cao cả, giản dị mà dũng cảm, can trường, là nguồn cảm hứng bất tận để nhiều thế hệ nhạc sĩ đặt trọn tâm huyết và tạc nên một tượng đài sống động bằng âm nhạc.

Lấy cảm hứng từ hình tượng Mẹ Suốt (Bảo Ninh, Đồng Hới) sau chuyến công tác tại Quảng Bình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết ca khúc để đời “Huyền thoại mẹ” (1984), khái quát một cách đầy đặn hình tượng Mẹ Tổ quốc ngoan cường, đầy bao dung, nhân hậu: “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại/ Từng câu chuyện ngày xưa/ Mẹ về đứng dưới mưa/ Che đàn con nằm ngủ/ Canh từng bước chân thù/ Mẹ ngồi dưới cơn mưa…”. Đó là người mẹ của hàng ngàn đứa con chiến sĩ dũng cảm, mưu lược, là bóng mát chở che cho bao thế hệ đàn con cách mạng chiến đấu và tìm về như một chốn bình an: “Mẹ là nước chứa chan/ Trôi dùm con phiền muộn/ Cho đời mãi trong lành/ Mẹ chìm dưới gian nan”...

Sẽ không có gì ngạc nhiên khi các thế hệ nhạc sĩ dành cho Mẹ nhiều tình cảm đến vậy, và “trang điểm” một chân dung Mẹ nhiều mất mát, hy sinh mà đẹp lộng lẫy đến như thế. Với “Người mẹ của tôi” (1989), nhạc sĩ Xuân Hồng đã nói thay triệu triệu người con đất Việt niềm thương cảm lớn lao, bởi những cuộc trường chinh của Tổ quốc này đã lấy đi của Mẹ tất cả: “Nước mắt mẹ không còn/Vì khóc những đứa con/Lần lượt ra đi, đi mãi mãi/Thời gian trôi qua/Vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng/Nhưng vết thương lòng, mẹ vẫn còn nặng mang…”. Từ đó nhắn nhủ các thế hệ lớn lên trong hòa bình biết trải lòng mình ra san sẻ, tri ân, biết sống có ích hơn, xứng đáng hơn với những hy sinh không gì bù đắp nổi của Mẹ.

Nhạc sĩ Phan Long sau này viết ca khúc “Mẹ” (1992, phổ thơ Đoàn Ngọc Thu) với góc nhìn hậu chiến cũng đã xây dựng một hình ảnh Mẹ cụ thể, 20 năm đằng đẵng chờ chồng: “Cả cuộc đời cha đi bộ đội/ Quà về cho mẹ là mái tóc pha sương/ Và những vết thương trên ngực cha/ Khi trở gió lại đau nhức nhối…” . Trong suốt những tháng năm binh biến ấy, mẹ phải chịu bao gian khó, thiệt thòi mà không một lời than vãn: “Hai mươi năm ngày mẹ cưới/ Đến hôm nay sống đời vợ chồng/ Hai mươi năm… mẹ nuôi con một mình”. 

Khúc tráng ca tháng 7 hào hùng, đầy tự hào, kiêu hãnh hàng năm vẫn đều đặn được cất lên đã lay động đến tận cùng xúc cảm của thế hệ hôm nay: “Hát về những người mẹ Việt Nam, hát mừng những người mẹ anh hùng/ Đời dâng hiến giống nòi, mẹ sống giữa gian lao/ Vì đất nước hy sinh cả cuộc đời…”  (“Hát về Mẹ Việt Nam anh hùng”, nhạc sĩ An Thuyên). 

Suốt dặm dài lịch sử đấu tranh của dân tộc, hình tượng Mẹ đã tạc vào dáng đứng của Tổ quốc, đã đi vào các tác phẩm âm nhạc một cách tự nhiên, dung dị mà sinh động, sáng ngời. Vượt lên tất cả những tấm huân chương, huy chương, những tấm bằng khen ghi nhận công trạng hậu chiến, Mẹ chính là huyền thoại bất tử, là một phần chứng tích trong trang sử bi - hùng của dân tộc. Mẹ đã sống, đã cống hiến và hy sinh bằng một cuộc đời thầm lặng, giản dị mà cao cả như thế!

NGÔ THẾ LÂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mẹ Việt Nam, huyền thoại bất tử